Động đất ở Haiti- lời cảnh báo cho các nước Mỹ Latinh

Trận động đất phá hủy Haiti hồi tuần trước, kèm theo những dư chấn mạnh, là lời cảnh báo đối với nhiều nước Mỹ Latinh nằm trong vùng địa chất nguy hiểm ở khu vực này.

Bản đồ "điểm nóng địa chất" đã cảnh báo về một đường nguy hiểm chạy từ đỉnh Nam Mỹ, dọc suốt lục địa tới vùng nước ấm Caribê. Các thành phố nằm trên tuyến đường nguy hiểm này lại nằm trong số những thành phố lớn nhất khu vực: Xantiagô, La Pát, Lima , Kitô, Bôgôta và Caracát. Toàn bộ vùng Trung Mỹ cũng bị đe dọa.

 

Hình ảnh đổ nát ở Haiti đã gợi nhớ tới những thảm họa trong quá khứ. Trận động đất tại Pêru năm 1970 đã cướp đi sinh mạng của 70.000 người. Tại Goatêmala, động đất năm 1976 khiến 25.000 người thiệt mạng. Thảm họa này cũng làm 10.000 người chết tại Mêhicô Xiti (Mêhicô) năm 1985. Nam Mỹ lo ngại không kém vì đây là nơi đã xảy ra trận động đất mạnh kỷ lục: Ngày 22-5-1960, một trận động đất mạnh 9,5 độ Ríchte đã tàn phá miền Nam Chilê, 3.000 người thiệt mạng. Theo Trung tâm địa chấn khu vực Nam Mỹ, vùng có nguy cơ xảy ra động đất rất mạnh chạy từ miền Nam Pêru tới Bắc Chilê.

 

Để đối phó với nguy cơ động đất, hiện phần lớn các nước nằm trong vùng báo động ở khu vực Mỹ Latinh đều tăng cường khoan thăm dò địa chất, thiết lập các trạm giám sát, xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng chịu chấn động mạnh.

 

Hơn một tuần sau trận động đất, Haiti đang đối mặt với nguy cơ dịch bệnh do số nạn nhân chết hoặc bị thương chưa được điều trị quá nhiều. Các lều trại tạm thời được dựng lên cho hàng nghìn người sống sót trong điều kiện vệ sinh hạn chế càng đẩy nhanh nguy cơ dịch bệnh. Theo nhà chức trách, nguy cơ trước mắt là bệnh tả, viêm đường hô hấp và nhiều bệnh dịch khác. Hiện giới chức Haiti đang tái định cư cho hàng nghìn người vô gia cư sau động đất, với các khu làng có ít nhất khoảng 10.000 người.

 

Tích cực tham gia công tác cứu trợ, Hàn Quốc thông báo quyết định gửi 200 lính gìn giữ hòa bình tới Haiti như một phần của hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (LHQ). Thứ trưởng ngoại giao Hàn Quốc dự kiến tới Niu Yoóc ngày 22-1 để gặp Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun thảo luận về biện pháp hỗ trợ Haiti tái thiết sau thảm họa.

 

Trong khi đó, Nhật Bản cũng quyết định đưa một máy bay vận tải của Lực lượng Phòng vệ trên không (ASDF) và cử đội y tế thứ hai tới Haiti để tham gia công tác cứu trợ. Tại Hà Lan, 106 trẻ em Haiti có mặt tại đây ngày 21-1 trong một chương trình nhận con nuôi, giúp Haiti vượt qua thảm họa này.

 

Theo số liệu mới nhất, LHQ cho biết số nhân viên của họ thiệt mạng trong trận động đất ở Haiti đã tăng từ 49 lên 61 người./.

 

(TTXVN)

 

Đọc thêm