Đồng loạt xây thêm 57 cây cầu, mỗi phường 1 công viên: Chủ tịch Hải Phòng trả lời câu hỏi 'tiền đâu?'

(PLVN) - Nhiều năm qua, Hải Phòng là một “điểm sáng” của cả nước khi là địa phương có tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông cực nhanh, ví dụ chỉ 5 năm 2015 – 2020 đã có 46 cây cầu được hoàn thành đưa vào sử dụng. 
Ông Nguyễn Văn Tùng.

Mới đây, thông tin Hải Phòng tiếp tục đồng loạt xây mới thêm 57 cây cầu và phát triển hệ thống công viên cây xanh “phủ sóng” đến cấp phường, vừa khiến dư luận vui mừng, vừa khiến không ít người băn khoăn: “Tiền đâu ra mà địa phương này “chơi lớn” như vậy?”.

PLVN đã có cuộc phỏng vấn Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng về vấn đề này.

Trong 5 năm tới sẽ đầu tư 30 ngàn tỷ xây thêm 57 cây cầu  

Thưa ông, trong đầu tư xây dựng, có rất nhiều loại công trình, vì sao Hải Phòng lại chú trọng vào xây cầu? 

- Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông (HTGT) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hải Phòng để thực hiện thành công Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP đến 2030, tầm nhìn 2045. 

Để cụ thể hóa nhiệm vụ này, Thành ủy đã ban hành Chương trình hành động số 76 ngày 8/7/2019; HĐND TP ban hành Nghị quyết 21 ngày 22/7/2020; UBND TP ban hành Kế hoạch 238 ngày 2/10/2020 trong đó chỉ ra các mục tiêu, giải pháp, lộ trình cụ thể hoàn thiện hệ thống kết cấu HTGT, chỉnh trang đô thị.

Giai đoạn 2021-2025 được xác định là giai đoạn bản lề, TP đã nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư hàng loạt công trình giao thông quan trọng, gồm các cầu, đường QL có tính chất liên vùng, phát huy hơn nữa vị trí đầu mối giao thông, cửa chính ra biển của cả miền Bắc, kết nối Hải Phòng với các địa phương lân cận Quảng Ninh, Hải Dương, Thái Bình; các tuyến đường trục, đường vành đai giữ vai trò là xương sống, nhằm từ đó mở rộng không gian phát triển, điều tiết giao thông của TP. Các tuyến đường, cây cầu kết nối giữa các quận huyện, và trong phạm vi các quận huyện, tạo thuận lợi tối đa cho giao thông, vận chuyển hàng hóa.

Dự kiến giai đoạn 2021 - 2025, TP sẽ nghiên cứu, đầu tư tổng cộng 57 cầu, và các đoạn Tân Vũ - Hưng Đạo - đường Bùi Viện, Đình Vũ - Lập Lễ - Lâm Động - Thủy Sơn thuộc tuyến đường vành đai 2; đoạn Lập Lễ - Lưu Kiếm thuộc đường Vành đai 3 với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 30 ngàn tỷ.

Các công trình trên sau khi được hoàn thành sẽ tạo nên bước chuyển toàn diện cho diện mạo TP, hình thành lực đẩy quan trọng để thu hút đầu tư, nguồn nhân lực, đảm bảo giao thông, mỹ quan đô thị TP, cải thiện mạnh mẽ chất lượng sống cho nhân dân.

 Hải Phòng được mệnh danh là thành phố của những cây cầu.

Tổng mức đầu tư để triển khai xây dựng đồng loạt 57 cây cầu là rất lớn. Vậy tiền đâu để đầu tư?

- Theo Nghị quyết 39 ngày 22/12/2020 của HĐND TP về kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021 – 2025: Tổng thu nội địa của TP 248,6 ngàn tỷ; thu ngân sách địa phương hưởng theo phân cấp 188,3 ngàn tỷ.

Theo Nghị quyết 51 ngày 22/12/2020 của HĐND TP, tổng nguồn đầu tư công của TP (từ ngân sách TP và nguồn vốn vay) giai đoạn 2021 – 2025 có thể sử dụng là 124,8 ngàn tỷ.  Nghị quyết 51 cũng đã cân đối cho các nhiệm vụ, chương trình của TP là 45,3 ngàn tỷ. Như vậy, số vốn còn lại để bố trí cho các dự án đầu tư phát triển là gần 79,6 ngàn tỷ.

Với tổng mức đầu tư dự kiến để xây 57 cây cầu khoảng 30 ngàn tỷ, có thể khẳng định TP hoàn toàn chủ động trong việc cân đối đủ nguồn vốn để đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2021 - 2025.

Với các cầu lớn, có tính chất kết nối liên tỉnh, liên huyện, thuộc các tuyến đường huyết mạch thì TP sẽ chỉ đạo triển khai thủ tục đầu tư và bố trí vốn ngân sách TP. Với các cầu có quy mô đầu tư không quá lớn, có tính chất kết nối trong phạm vi cấp xã, TP giao các quận huyện chủ động triển khai đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công của quận huyện, vốn xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu. Các nguồn vốn này đều đã được cân đối trong kế hoạch đầu tư công trung hạn của TP giai đoạn 2021 - 2025.

TP Cảng sẽ có thêm ít nhất 80 công viên cây xanh

Dư luận hiện cũng rất quan tâm vấn đề Ban Thường vụ Thành uỷ Hải Phòng (BTV) vừa có quyết định xây dựng và triển khai đồng bộ mỗi một phường trên địa bàn TP có một công viên cây xanh. Ông có thể chia sẻ về vấn đề này?

- Bên cạnh phát triển kết cấu HTGT, Nghị quyết Đại hội 16 Đảng bộ TP đã nêu rõ, trọng tâm của TP thời gian tới là tập trung chỉnh trang, hiện đại hóa, xây dựng đô thị Hải Phòng mang đặc trưng, bản sắc riêng của TP cảng biển văn minh, hiện đại. BTV đã có chủ trương triển khai xây dựng đồng bộ mỗi phường một công viên cây xanh (CVCX) tại khu vực có đông dân cư, phù hợp quy chuẩn, đảm bảo thuận tiện, phục vụ tối đa người dân được thụ hưởng với diện tích khoảng 5.000m2. 

Theo kết quả rà soát, tính đến cuối 2020, trên địa bàn bảy quận của TP mới có 1.204,5 ha đất công viên được thực hiện theo quy hoạch, đạt 5,5m2/người (thấp hơn so với yêu cầu của tiêu chí đô thị loại 1 là 10m2/người). Để đảm bảo đến 2025 TP đạt tiêu chí đô thị loại 1 thì diện tích cây xanh tăng thêm so với 2020 cần khoảng 1300 - 1500ha.

Việc quy hoạch CVCX công cộng của TP đã được tính toán và đề cập trong các Đồ án quy hoạch chung TP, quy hoạch phân khu các quận và quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 các dự án Khu đô thị mới, khu nhà ở… Trong đó, tập trung vào việc di dời các cơ sở sản xuất trong đô thị có khả năng gây ô nhiễm môi trường về các khu, cụm công nghiệp tập trung; ưu tiên quỹ đất này xây các CVCX, công trình tiện ích công cộng.

 Công viên phường Máy Tơ vừa được xây mới.

Cùng với việc cải tạo các chung cư cũ, TP cũng xác định sẽ xây dựng lại các chung cư cao tầng, tăng hiệu quả sử dụng đất để dành quỹ đất trống xây dựng các CVCX.

Do đó, về cơ bản việc quy hoạch hệ thống CVCX và thu hồi đất để thực hiện đã được TP định hướng tính toán cụ thể.

Với một số khu vực phải thu hồi đất của một số hộ dân, TP sẽ có chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư phù hợp, đảm bảo quyền lợi của người dân để đạt được sự đồng thuận, đạt mục tiêu chung trong việc bổ sung hệ thống CVCX, cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và cảnh quan đô thị.

Để có thể triển khai xây dựnghơn 80 CVCX, thì nguồn lực từ đâu và việc thực hiện liệu có khả thi? 

- Như tôi đã nói ở trên, để đảm bảo đến 2025 TP đạt tiêu chí đô thị loại 1 là 10m2/người theo yêu cầu tại Nghị quyết 45-NQ/TW; thì diện tích cây xanh tăng thêm so với 2020 cần 1300 - 1500ha.

Để thực hiện mục tiêu trên, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, TP đã dự kiến cân đối nguồn vốn dành để xây dựng CVCX là  6.694 tỷ đồng.

TP có chủ trương thực hiện các công viên lớn, tập trung với quy mô trên 1ha bằng nguồn vốn ngân sách TP. Đồng thời, để bổ sung cây xanh vườn hoa trong khu dân cư hiện hữu, sẽ triển khai xây dựng đồng bộ mỗi phường ít nhất một CVCX diện tích 0,5 - 1ha/công viên. Tương ứng 80 phường trên địa bàn TP sẽ cần phải xây dựng trên 80 CVCX với tổng diện tích khoảng 40 - 80ha, tổng kinh phí đầu tư xây dựng khoảng 1.000 tỷ đồng.

 Một nút giao cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.

Nguồn lực để đầu tư các CVCX quy mô cấp phường chủ yếu từ nguồn vốn ngân sách của các quận. Với các quận khó khăn trong cân đối nguồn vốn, sẽ hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách TP.

Như vậy, có thể khẳng định nguồn lực để xây dựng đồng bộ trên 80 CVCX tại các phường giai đoạn 2021 – 2025 là hoàn toàn khả thi.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện, và chúc các kế hoạch, kỳ vọng của TP sớm trở thành hiện thực!

Theo Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng, TP cũng sẽ rà soát lại Kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021- 2025 theo hướng phấn đấu khai thác tăng thu nội địa; nhất là khả năng tăng các khoản thu từ đất sau khi hoàn thành hạ tầng phát triển các khu đô thị mới; đồng thời cơ cấu lại các khoản chi theo hướng tăng nguồn chi đầu tư công để có thêm nguồn lực đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng mới, đáp ứng yêu cầu phát triển của TP.

Đọc thêm