Cả hệ thống chính trị tham gia phòng chống sốt xuất huyết
Nhiều năm qua Đồng Nai luôn là tỉnh có nguy cơ lây lan dịch sốt xuất huyết khá nhanh, có số ca nhiễm, ca tử vong cao so với cả nước. Vì vậy, năm nay ngay từ đầu mùa mưa, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, trong đó các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Cẩm Mỹ,… đã nhanh chóng triển khai biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết.
Theo thống kê từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai (CDC Đồng Nai) từ đầu năm 2020 đến nay, toàn tỉnh Đồng Nai đã ghi nhận hơn 1.400 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, giảm 59% so với cùng kỳ năm 2019, chưa ghi nhận trường hợp tử vong.
Nguyên nhân dịch sốt xuất hiện là do người dân có thói quen trữ nước sinh hoạt trong mùa khô nhưng không đậy kín từ đó tạo môi trường cho lăng quăng, muỗi sinh sôi phát triển.
Bác sĩ Trần Chuyết, Trưởng Trạm Y tế xã Bảo Bình (huyện Cẩm Mỹ) cho biết, trước tình hình dịch bệnh tăng cao trên địa bàn xã (34 ca mắc, tăng gấp đôi so với cùng kì 2019), Trạm y tế đã tham mưu họp ban chỉ đạo, huy động toàn bộ hệ thống chính trị, các lực lượng tham gia phòng chống sốt xuất huyết. Ngoài ra, tăng cường công tác truyền thông qua tờ tơi, loa phát thanh, xe lưu động.
Hạn chế nguy cơ tăng các ca nhiễm
Riêng ở Nhơn Trạch từ đầu năm đến nay có 122 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó thị trấn Hiệp Phước có số ca mắc cao nhất trên địa bàn huyện. Do đó thời gian qua Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đồng Nai cũng đã tổ chức giám sát chỉ số lăng quăng, muỗi tại xã Phước Thiền và thị trấn Hiệp Phước - hai địa phương trọng điểm về dịch sốt xuất huyết trong các năm trước.
Để phòng chống sốt xuất huyết, ngay từ đầu tháng 5 trạm đã triển khai tập huấn cho đội ngũ cộng tác viên khu phố, cử đội ngũ này đến từng nhà tuyên truyền, phát tờ rơi kết hợp giám sát hướng dẫn người dân diệt lăng quăng…
Ông Ngô Đức Tông, Phó khoa bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai cho biết, qua hoạt động giám sát này sẽ làm căn cứ đánh giá để xây dựng kế hoạch tổ chức phun hóa chất diệt muỗi có hiệu quả, tránh lãng phí.
Ngoài ra để làm tốt công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết thì Trung tâm Y tế huyện Nhơn Trạch đã tổ chức tập huấn cho 63 cộng tác viên thường xuyên chuẩn bị cho chiến dịch ra quân diệt lăng quăng vòng 1 năm ( năm 2020) tại Thị trấn Hiệp Phước.
Phun thuốc diệt lăng quăng, muỗi tại xã Phước Thiền và thị trấn Hiệp Phước. |
Trong khi đó, Long Thành là địa phương có nhiều khu công nghiệp, đông dân cư, nhiều khu nhà trọ. Vì thế, mỗi khi xảy ra dịch bệnh, Long Thành luôn nằm trong tốp những địa phương có số ca mắc bệnh cao trong toàn tỉnh nên cũng cần phòng chống dịch.
Bác sĩ Nguyễn Văn Cao, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành cho hay, Bệnh viện có Khoa Nhiễm là nơi điều trị cho những bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm. Khoa này được cách ly với những khoa, phòng khác trong bệnh viện. Những bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm có lối đi riêng nhằm không gây ảnh hưởng đến những bệnh nhân khác đang điều trị trong bệnh viện.
Được biết trước đó vào năm 2019, toàn tỉnh Đồng Nai cũng ghi nhận hơn 20,5 ngàn ca mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 1,7 lần so với năm 2018. Số ca mắc tăng ở tất cả các địa phương trong tỉnh, cao nhất ở huyện Cẩm Mỹ, tiếp đến là các huyện Long Thành, Trảng Bom. Nhơn Trạch là địa phương có số người mắc bệnh sốt xuất huyết/100 ngàn dân cao nhất (hơn 1,1 ngàn người mắc/100 ngàn dân, trong khi tỷ lệ chung của cả tỉnh là 656 người mắc/100 ngàn dân).