Đồng Nai là 1 trong những vùng chịu ảnh hưởng nặng nề tại Việt Nam, nồng độ dioxin trong máu cao gấp hàng chục lần mức cho phép. Khi vượt quá mức cho phép sẽ tăng tỷ lệ mắc ung thư lên tới 40%. Dioxin còn để lại di chứng cho nhiều đời sau.
20 tuổi nhưng chiều cao của chị Lê Thị Hằng (ở xã Phú Lợi, huyện Định Quán) chỉ bằng đứa trẻ 5 - 6 tuổi. Chị Hằng bộc bạch, so với các nạn nhân da cam khác chị còn may mắn khi vẫn có thể đọc chữ và tự sinh hoạt. Vì không nhớ bài nên học hết lớp 5 chị nghỉ ở nhà. Bạn bè bằng tuổi chị, người đi học xa, người thì có công việc riêng nên muốn có bạn để chơi cũng khó. Cách đây 2 năm được người quen giới thiệu, chị bắt đầu đến với trung tâm, được tiếp xúc với những người cùng cảnh ngộ giúp chị tự tin, vui vẻ hơn.
Chị Vũ Thị Kim Lý (ở phường Hòa Bình, TP.Biên Hòa) sau ba lần sinh nở nhưng chỉ có được 2 người con. Trong khi người con gái của chị bình thường thì người con trai thứ 2 tên Hồ Quang Thái lại bị ảnh hưởng nặng nề bởi chất độc da cam. Hiện tại anh Thái không thể tự sinh hoạt như những người bình thường mà phải dựa vào người mẹ. Bản thân chị Lý sau lần sinh thứ 2, một cánh tay yếu nên phải nghỉ làm công nhân ở nhà. Chồng mất, cô con gái đã có gia đình riêng không phụ giúp được gì. Cuộc sống của bà Lý và Thái gói gọn trong 900 ngàn đồng trợ cấp hàng tháng.
Bà Nguyễn Thị Liệu, Phó chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Định Quán kiêm Giám đốc trung tâm cho hay: không chỉ riêng Hằng mà hầu hết nạn nhân, trẻ em bất hạnh tại đây đều có chuyển biến tích cực so với trước.
Các em không chỉ được can thiệp phục hồi chức năng cơ bản mà sau thời gian tham gia các hoạt động tại trung tâm đã biết chào hỏi lễ phép, giúp đỡ lẫn nhau. Gia đình có nạn nhân được chia sẻ bớt gánh nặng nên yên tâm đi làm, cuộc sống cũng dần được cải thiện.
Cuộc sống vất vả của nạn nhân chất độc màu da cam |
Bà Đào Nguyên, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, cho biết: ngoài các hoạt động khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, cấp xe lăn, tặng quà... Hội có nhiều hình thức chăm sóc, giúp đỡ như: trợ vốn cho gia đình nạn nhân có người còn khả năng lao động, trợ cấp học bổng học nghề cho nạn nhân có khả năng học nghề; trợ cấp hàng tháng cho gia đình nạn nhân không có người còn khả năng lao động...
Nhiệm kỳ vừa qua toàn tỉnh có gần 4.000 nạn nhân chất độc da cam được tham gia các chương trình chăm sóc, giúp đỡ với tổng giá trị trên 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo bà Đào Nguyên, hình thức chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân lâu nay chủ yếu vẫn là tặng quà, hỗ trợ vốn không lãi, trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí... chỉ giải quyết được vấn đề trước mắt mà chưa mang tính bền vững. Vì thế, nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, tạo điều kiện để họ ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng là việc cần phải làm ngay.