Đồng Tháp: Đình Tân Phước thờ tượng Thần là “không phù hợp”?

(PLVN) -  Đó là quan điểm của Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp khi khảo sát lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đối với Đình Tân Phước (huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp).

Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp vừa có văn bản báo cáo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp kết quả khảo sát, lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đối với Đình Tân Phước. Tuy nhiên trong văn bản, có nội dung khiến người dân hoang mang.

Văn bản của Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp cho rằng “hiện tại, trong Đình Tân Phước có đặt tượng thờ Thần, nhưng tượng Thần không xác định được đây là vị Thần có tên tuổi cụ thể được Vua phong. Vì vậy, việc đặt tượng thờ trên bàn thờ Thần là không phù hợp và cần thực hiện theo đúng qui định”.

Qua tham chiếu các tiêu chí quy định, Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp nhận định đình Tân Phước, ấp Tân Phú, xã Tân Phước, huyện Lai Vung đủ tiêu chí di tích lịch sử (lưu niệm danh nhân). Tuy nhiên, việc thờ tượng Thần đề nghị Ban tế tự cần thực hiện theo đúng qui định.

Tượng thần Thành hoàng đang thờ tại Đình Tân Phước được cho là “chưa đúng theo quy định”

Trao đổi với PLVN, ông Hồ Văn Riết – Trưởng Ban Tế tự Đình Tân Phước cho biết, thực tế có trường hợp Bảo tàng khảo sát và cho rằng tượng Thần thờ trong đình là chưa đúng quy định. Theo ông Riết, tượng thờ được đặt ở chính điện trong đình là cốt tượng Thành Hoàng. Khi Đoàn khảo sát đến làm việc, ông cũng nhiều lần khẳng định đó là tượng Thành Hoàng.

Văn bản của Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp gửi Sở VHTT&DL tỉnh Đồng Tháp

Trao đổi qua điện thoại, bà Phan Thị Vũ Quyên – Giám đốc Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp xác nhận nội dung đó là có trong văn bản Bảo tàng tỉnh gửi Sở VHTT&DL. Theo bà Quyên, “tượng nhân thần hay tượng thần trong đình phải ghi rõ thông tin. Thần “Bổn cảnh Thành Hoàng” hay một vị thần nào đó được sắc phong phải có thông tin cụ thể. Còn ở đây khi được hỏi nhiều chi tiết xung quanh tượng thì Ban Tế tự chưa giải thích được đó là ai, như thế nào, còn rất mông lung”.

Khi PV cho biết Ban Tế tự Đình Tân Phước khẳng định tượng thờ trong đình là tượng Thành Hoàng thì bà Quyên lại cho rằng, từ trước đến giờ chưa thấy tượng thần Thành Hoàng, “hình thù như thế nào cũng không biết”. Đáng chú ý hơn, khi PV hỏi căn cứ quy định pháp luật về việc đặt tượng Thần Thành Hoàng trong đình là không đúng thì bà Quyên chưa cung cấp được.

Nhiều nơi vẫn thờ tượng Thành hoàng trong đình. Trong ảnh là Tượng Thành Hoàng làng Kim Bồng - Hội An (Quảng Nam)

Theo tìm hiểu của PV, Thành hoàng là vị thần cai quản một vùng đất và thực hiện chức năng “hộ quốc tỳ dân” tại địa phương. Nhiều đình làng được triều đình phong sắc “Bổn cảnh thành hoàng”. Đây là vị thần trừu tượng, không phải là con người lịch sử bằng xương bằng thịt. Do vậy, đa phần không có tượng mà chỉ thờ một chữ “Thần” bằng Hán tự. Tuy nhiên, do trong tâm thức người dân vị thần được phong làm Thành hoàng phải có hình tượng cụ thể có áo mão, cân đai như vị quan triều đình nên họ đã dựa vào đó tạo cốt tượng Thành hoàng để tôn thờ với mục đích tạo thêm niềm tin và chỗ dựa tâm linh vững chắc.