Đồng Tháp là tỉnh nông nghiệp thuộc khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long bao gồm 9 huyện, 2 thị xã và 1 thành phố. Dân số 1,7 triệu người với hơn 82,73% sinh sống ở nông thôn, 73,59% lao động nông nghiệp. Giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm trên 50% trong tổng cơ cấu kinh tế. Đây cũng là nguồn thu nhập chính cho đại đa số người dân nông thôn.
|
Ảnh minh họa nguồn Internet |
Thực trạng kê biên, bán đấu giá Quyền sử dụng đất nông nghiệp
Theo thống kê mơi nhất của Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Đồng Tháp, trong năm qua trên địa bàn của tỉnh có 15.991 việc phải thi hành, trong đó có 12.514 việc có điều kiện thi hành (chiếm 78,25%), 3.477 việc chưa có điều kiện thi hành (chiếm 21,75%) đến nay các đơn vị đã thi hành xong 11.110 việc, đạt 88,78%/ với tổng số tiền thu được là 160 tỷ 944 triệu 070 nghìn đồng trên 202 tỷ 864 triệu 521 nghìn đồng có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 79,34%.
Trong số việc còn chuyển sang năm sau thì ở các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh còn đến 250 việc tương ứng số tiền 15 tỷ đồng mà cơ quan Thi hành án dân sự đã có kê biên tài sản là quyền sử dụng đất nông nghiệp đem bán đấu giá nhưng chưa thành. Bởi vì trong thời gian gần đây thị trường bất động sản có phần giảm mạnh, giá nông sản như lúa gạo và giá trái cây không ổn định và có chiều hướng đi xuống, lao động trong nông nghiệp ngày một giảm, diện tích đất bán nhỏ không thuận tiện cho việc đầu tư sản xuất. Từ đó dẫn đến quyền sử dụng đất rất khó bán, đối với trường hợp đã bán được thì thông thường đó là trường hợp Chấp hành viên đã phải giảm giá nhiều lần hoặc người được thi hành án phải miễn cưỡng đứng ra mua.
Cụ thể, tại bản án dân sự phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp thì bà Lương Thị Bảy cư ngụ xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò có nghĩa vụ thi hành án số tiền là 60 triệu đồng. Tài sản bà Lương Thị Bảy có là 3.800 m2 đất vườn trồng quít tại xã Vĩnh Thạnh. Theo quy định của pháp luật Thi hành án dân sự thì chỉ được kê biên tài sản tương ứng với số tiền phải thi hành án, tương ứng với diện tích quyền sử dụng đất 583m2.
Trong khi theo qui định của tỉnh, đối với khu vực nông thôn diện tích tối thiểu tách thửa đối với đất nông nghiệp từ 1.000 m2 trở lên. Vì vậy muốn kê biên bán đấu giá quyền sử dụng đất vườn quít này thì phải kê biên diện tích tối thiểu là 1.000 m2 và tổ chức định giá với giá 120 triệu đồng. Quá trình bán đấu giá tuy đã qua 5 lần giảm giá, đến nay còn 83,5 triệu đồng nhưng do diện tích nhỏ so với nhu cầu lập vườn của nông dân nên vẫn chưa có người mua
Hay như Bản án số 21/2011/HSST ngày 07/4/2011 của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp tuyên buộc bị cáo Mai Trần Quang cư ngụ số 7/4 khóm Tân Bình, phường An Hòa, thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp phải có trách nhiệm trả cho 14 người bị hại với số tiền là 12,7 tỷ đồng và 10 chỉ vàng SJC.
Tiếp tục quản lý các tài sản của Mai Trần Quang để đảm bảo thi hành án gồm 03 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại thửa 2162, 2156 và 7036 thuộc tờ bản đồ số 01 tại phường An Hòa với tổng diện tích là 10.103,6m2 đất lúa và đất vườn.
Từ lúc bản án có hiệu lực pháp luật và có quyết định thi hành án. Chấp hành viên đã yêu cầu thẩm định giá lần đầu với tổng giá trị 1 tỷ đồng. Đến nay chỉ bán được diện tích 7.936m2 với giá 475 triệu đồng. Còn lại diện tích 2.167,5m2 đã giảm giá lần 3, giá trị còn lại 404 triệu đồng đến nay chưa có người mua. Còn đương sự thì yêu cầu định giá lại tài sản.
Nhìn chung, việc tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án đối với người phải thi hành án có điều kiện về tài sản để đảm bảo thi hành án mà tài sản đó là quyền sử dụng đất nông nghiệp thường rất chậm, ảnh hưởng lớn đế kết quả thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch của ngành.
Mặt khác, nếu từ chối thực hiện việc kê biên bán đấu giá quyền sử dụng đất nông nghiệp theo yêu cầu của người được thi hành án thì vi phạm pháp luật, còn khi thực hiện kê biên bán đấu giá quyền sử dụng đất nông nghiệp thì chắc chắn rằng cơ quan Thi hành án dân sự phải tốn kém nhiều chi phí cưỡng chế và rất chậm thu hồi. Thực tế có một số cơ quan Thi hành án dân sự không còn tiền để tạm ứng cho chi phí này.
Thi hành án 583m2, nhưng phải bán 1000m2
Để khắc phục tình trạng này Cục THADS kiến nghị pháp luật nên quy định theo hướng:
Trong trường hợp người được thi hành án yêu cầu kê biên bán đấu giá quyền sử dụng đất nông nghiệp của người phài thi hành án thì phải tạm ứng chi phí cho việc đo đạc, kê biên, thẩm định giá và chi phí thông báo bán đấu giá. Số tiền này sẽ được hoàn lại sau khi bán đấu giá thành như trường hợp tạm ứng của cơ quan THADS.
Trong trường hợp người được thi hành án yêu cầu kê biên bán đấu giá quyền sử dụng đất nông nghiệp của người phải thi hành án thì nếu qua ba lần bán đấu giá nhưng không có người mua thì giao cho người được thi hành án nhận, trường hợp người được thi hành án không nhận thì cơ quan THADS ra quyết định trả đơn yêu cầu thi hành án.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục THADS thì việc áp dụng biện pháp bảo đảm, cưỡng chế thi hành án phải tương ứng với nghĩa vụ của người phải thi hành án và các chi phí cần thiết.
Quy định như vậy đối với việc kê biên bán đấu giá quyền sử dụng đất nông nghiệp rõ ràng không khả thi. Bởi vì như trường hợp kê biên bán đấu giá quyền sử dụng đất nông nghiệp của bà Lương Thị Bảy như trình bày trên thì sẽ gặp nhiều rắc rối do vướng các qui định của địa phương.Vì vậy nên có quy định riêng đối với việc kê biên bán đấu giá quyền sử dụng đất nông nghiệp do tính chất đặc thù đối với loại tài sản này.
Cụ thể: trong trường hợp cần thiết Chấp hành viên có thể kê biên, bán đấu giá diện tích đất phù hợp với tập quán canh tác và các quy định khác ở địa phương nhằm tạo thuận lợi cho người có nhu cầu mua hoặc tạo thuận lợi cho người được thi hành án nhận nếu qua ba lần bán đấu giá nhưng không có người mua mà không phải phụ thuộc vào số tiền phải thi hành án của người có quyền sử dụng đất.
Mặc khác, cần qui định cụ thể về thời điểm định giá lại tài sản kê biên trong trường hợp đương sự có yêu cầu như chỉ cho phép định giá lại trong thời điểm sau khi có kết quả định giá lần đầu (chưa đưa ra bán) hoặc là được yêu cầu định giá lại sau lần bán đấu giá đầu tiên nhưng không có người mua để đỡ mất thời gian, công sức của Chấp hành viên, tránh làm tăng chi phí bán đấu giá và làm chậm tiến độ thi hành án.
Theo ông Bùi Văn Tấn – Cục Trưởng Cục THADS tỉnh Đồng Tháp, trong khi chờ đợi các thay đổi của qui định pháp luật, nhằm nâng cao hiệu quả THADS trên địa bàn, Cục đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có hai giải pháp cơ bản là phối hợp tốt với các ngành, địa phương và cơ quan chuyên môn để thực hiện án có điều kiện thi hành, kiểm tra rà soát các tổ chức tín dụng đồng thời làm tốt công tác dân vận giữa các bên đương sự bằng cách vận đông người được thi hành án và người phải thi hành án tự thỏa thuận. Nhờ đó đến nay, THADS tỉnh đã đạt trên 60% về tiền và trên 76% về vụ việc..
Hà Phương Thảo