"Đồng tiền độc lập" và lòng yêu nước

Cách đây ít lâu tôi được gặp một hoạ sĩ lão thành cách mạng, người tham gia vẽ những tờ "giấy bạc Cụ Hồ" đầu tiên. Cụ đã kể lại những câu chuyện sâu sắc về tình cảm của người dân đối với những "đồng bạc Cụ Hồ" - "đồng tiền độc lập" đầu tiên: Hai chị em cô gái làng lụa Vạn Phúc, Hà Đông đi bán vải để mua đồ giỗ, nhưng lần đầu tiên được thấy tờ bạc Cụ Hồ, không muốn trả cho người khác nên ôm thúng về không.

Cách đây ít lâu tôi được gặp một hoạ sĩ lão thành cách mạng, người tham gia vẽ những tờ "giấy bạc Cụ Hồ" đầu tiên. Cụ đã kể lại những câu chuyện sâu sắc về tình cảm của người dân đối với những "đồng bạc Cụ Hồ" - "đồng tiền độc lập" đầu tiên: Hai chị em cô gái làng lụa Vạn Phúc, Hà Đông đi bán vải để mua đồ giỗ, nhưng lần đầu tiên được thấy tờ bạc Cụ Hồ, không muốn trả cho người khác nên ôm thúng về không. Có người nông dân từ Hưng Yên lên Hà Nội vay tiền người anh để mua xe đạp, thấy những đồng tiền cách mạng đã quyết không mua xe mà mang về nhà, rồi cả làng, cả xã đến xem. Chủ tịch xã còn yêu cầu anh cho mượn đồng tiền, trưng bày ở xã để mọi người cùng xem.

Tình cảm trân trọng "đồng tiền độc lập" trong câu chuyện trên, ngoài một chút hiếu kỳ của những người nông dân chân lấm tay bùn, còn ẩn chứa khát vọng độc lập, tự do cao cả. Nhìn ở góc độ vĩ mô, chính sách đô hộ thực dân đã làm méo mó công cụ tiền tệ khiến người dân vô cùng cơ khổ. Tiền Đông Dương do Pháp phát hành giữ vị trí "chủ đạo", tiền xu triều Nguyễn vẫn được lưu hành nhưng chỉ là thứ tiền lẻ tiêu vặt làm bình phong cho con bài "độc lập trong khối liên hiệp Pháp". Đồng tiền mất giá liên miên khiến những người dân chẳng hiểu về tài chính cũng phải thốt lên: "Ba con đổi lấy một cha, làm cho thiên hạ xót xa vì tiền...". Tàn nhẫn hơn, có lúc, để vơ vét lương thực, Nhật, Pháp đã in loại tiền mệnh giá lớn là tờ 500 đồng để thu mua lương thực và ngay sau đó chúng tuyên bố đồng tiền này không có giá trị. Hàng vạn người đổ xô đi đổi tiền và ai không kịp thì... mất trắng.

Chính trị xét cho cùng là sự biểu hiện tập trung của kinh tế. Vì vậy, sự ra đời của "đồng tiền độc lập" không đơn thuần chỉ là một đồng "tiền mới" mà chính là một mốc son của sự độc lập kinh tế, là cụ thể hoá của khát vọng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt quốc dân từng tuyên bố: "Nước độc lập mà dân không được hưởng tự do, hạnh phúc thì độc lập ấy cũng chẳng có ý nghĩa gì". Và, chính lòng yêu mến vô bờ đối với đồng tiền cách mạng cũng góp phần tạo nên sức mạnh vật chất vô cùng to lớn làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Câu chuyện ấy vẫn còn nguyên ý nghĩa thời sự trong nền kinh tế thị trường và hội nhập hiện nay. Thật đáng buồn khi vì thói quen sính ngoại, nhiều bạn trẻ bây giờ lại nâng niu, bỏ trong ví những đồng ngoại tệ mà xem nhẹ đồng tiền quốc gia. Nguy hiểm hơn, có rất nhiều cửa hàng, doanh nghiệp, cơ sở buôn bán niêm yết và giao dịch bằng USD, vừa trái pháp luật, vừa gây thiệt hại cho lợi ích quốc gia.

Chuyện đồng tiền độc lập một lần nữa minh chứng: Yêu nước chính là yêu đồng tiền của đất nước. Mong rằng, mỗi người Việt Nam luôn ghi nhớ và hun đúc tình yêu ấy trong chiến tranh cũng như trong hoà bình, dựng xây đất nước./.

Nguyễn Văn Minh

Đọc thêm