Đột nhập ’thủ phủ buôn lậu’ Tà Mâu (Kỳ 1)

... Dừng lại bên bến đò xã Vĩnh Ngươn, Hưng nói: “Đừng ngó nghiêng nhiều, giọng anh ngoài Bắc, ai hỏi, bảo sang kia kiếm ít đồ chơi âm thanh. Nhớ nhé”. Lời nhắc nhở khiến tôi trào lên cảm giác sợ hãi mơ hồ.

Kỳ 1: Mua hàng nơi 'lậu thị'

Rục rịch cũng đã sắp đến Tết nguyên đán, con đường quốc lộ 91 dẫn lên “thủ phủ buôn lậu” (ấp Tà Mâu, xã Pung Xăng, huyện Brây Chusa, tỉnh Tà Keo, Campuchia) tấp nập người và xe lên “đánh” và vận chuyển hàng lậu về xuôi. Bên kia chợ Gò, hàng chục kho hàng đầy ắp hàng hóa như điện tử, điện lạnh, thuốc lá, mỹ phẩm… sẵn sàng vượt biên.

'Vượt biên'

Người xe ôm tên Hưng (xin thay đổi tên nhân vật) suốt từ quãng đường từ thị xã Châu Đốc lên đây mấy lần dặn đi, dặn lại tôi: “Anh để tất cả máy ảnh, giấy tờ đi, kẻo nếu sang kia, chẳng may bọn nó phát hiện, rắc rối lớn đấy”. Chiếc honda dừng lại bên bến đò nơi xã Vĩnh Ngươn, Hưng nói: “Đừng ngó nghiêng nhiều, giọng anh ngoài Bắc, ai hỏi, bảo sang kia kiếm ít đồ chơi âm thanh. Nhớ nhé”.

Lời nhắc nhở đó khiến tôi khi bắt đầu đặt chân lên xuồng, trong lòng bỗng trào lên cảm giác sợ hãi mơ hồ.

Xuống bến đò, vài ánh mắt lạ hắt ra từ phía quán nước nhìn vị khách lạ. Chắc hẳn vì tôi có nước da và vẻ mặt lạ lẫm đã gây lên sự chú ý này. “Chú đi đâu đấy?” Người phụ nữ to béo chừng bốn mươi tuổi xồ ra chắn ngang. “Sang chợ chơi cho biết”. Tôi nhìn chị nói. ‘Chú ở ngoài kia vào?”. “Vâng”. Chị bước lui lại, nhìn tôi thêm lần nữa từ đầu tới chân rồi ngoắc tay, giật giọng: “Cu Bé. Ra đưa khách. Hai mươi nghìn đồng đưa đón khứ hồi, còn đi đâu thêm, thì chú cho thêm chút thuốc nước”.

Một thằng bé đen thui đang mải mê với mấy pha đấm đá ở video vụt đứng dậy, chạy ra bến đò tháo xích. “Chừng nào chú về thì điện thoại, tôi cho qua đón?” “Tôi chơi chợ rồi vào sòng”. “À, ờ”. Nét mặt chợt dãn, người phụ nữ lẩm bẩm điều gì rồi quay vào quán nước. Vậy là chuyến xuất ngoại chỉ tốn có 10.000 đồng. Cái giá đó hẳn là quá rẻ.

 

Cu Đen cho xuồng nổ máy, hướng mũi nhằm thẳng hướng chợ Gò. Ở mảnh đất miền Tây Nam Bộ này, suốt từ điểm đầu cửa khẩu sông Tiền đến Tịnh Biên, nước ngập trắng đồng. Con đường vượt biên đơn giản nhiều hơn những gì tôi hình dung trước đó. Chẳng có lực lượng nào kiểm tra, cả từ phía ta và bên nước bạn. Xuồng chạy được một đoạn, thằng bé chắc thấy tôi là người lạ, bèn giảm ga cho đi chậm lại.

Giữa mênh mông trời nước, nó nói: “Bắt đầu từ đây là đất CamPuChia”. Rồi đưa tay ra chỉ cho tôi thấy căn chòi xiêu vẹo được làm từ mấy miếng tôn, trên chiếc cửa ra vào có ghi dòng chữ: Police. Nó nói, trước có mấy lính Miên ngồi gác, thu tiền, giờ thì thôi rồi. Trên con đường sang chợ, thỉnh thoảng lại bắt gặp vài chiếc xuồng máy rẽ nước trở về. Trên các xuồng chở mấy người và chút hàng hóa. Cu Bé giải thích rằng đó là mấy người dưới Long Xuyên lên đây chơi, tiện mua ít đồ xài, chứ còn dân buôn lậu thì chẳng đi đứng như thế này.

Thủ phủ 'lậu thị'

Mấy phút sau, xuồng cập bến bên dãy nhà đúc xây giống như kiểu nhà sàn  để tránh nước lũ. Cu Bé quay sang tôi: “Chú mua gì?”. “Đồ âm thanh”. Tôi đáp. “Vậy sang bên này”. Thằng bé đáp xong quay xuồng sang dãy nhà bên trái.

Căn nhà đầu tiên tôi bước vào rộng gần 40 mét vuông. Trong nhà hàng điện tử như máy tính xách tay hiệu Compaq, Dell, đầu đọc DVD, MP, âm ly… xếp đầy cao ngất. Tôi ra đứng bên đống máy tính xách tay, cầm đại chiếc nhãn hiệu Dell, hỏi giá. Hai triệu. Tiếng nói vọng sau đống loa đài. “Cho thử nhé”. Tôi hỏi. Lúc này, ông chủ mới ló đầu, đi ra cầm theo ổ cắm điện. Màn hình máy tính bật sáng, khi tôi định thực hiện vài thao tác để kiểm tra ổ cứng, ông chủ xua tay bảo không được. “Ở đây, hàng rẻ, mua được hàng tốt do hên xui. Miễn kiểm tra. Anh muốn mua hàng tuyển thì có giá khác”.

Bước thêm mấy bước sang căn gác bên cạnh, tôi lại lạc vào thế giới đồ xa xỉ phẩm với đủ loại đồng hồ, nước hoa, son phấn… Phải công nhận rằng so với bên mình, giá cả ở đây rẻ hơn hẳn.

Trở xuống đò, tôi bảo Cu Bé chở vòng vòng tham quan chợ Gò. Chiếc xuồng rẽ nước lao vun vút, vừa cầm lái, dọc đường, nó chỉ cho tôi những kho hàng chất ngất hàng hóa với đủ các mặt hàng tiêu dùng như đường, thuốc lá, quần áo cũ, mỹ phẩm… Xuồng chầm chậm cập vào gần một kho hàng cất trữ thuốc lá.

Trên đó, mấy người đang cố nhét những tút thuốc Hero, Jet vào gầm dưới xuồng. Thấy có người, tất cả ngừng làm hướng mắt ra. Thằng Bé hoa tay vẫy như thể cho nhận mặt người quen rồi đưa tay bẻ ngoặt lái một vòng điệu nghệ, đưa xuồng đi tiếp. Suốt dọc con đường tham quan, tôi đếm sơ cũng được gần hai mươi căn nhà kho lênh khênh đứng giữa mây trời sóng nước.

Ồ ạt hàng lậu về xuôi

Còn nhớ trên đường đưa tôi đến bến đò, Hưng xe ôm chỉ cho tôi mấy người đứng vơ vẩn bên đường, bảo: “Toàn người của dân buôn lậu đấy. Công an, biên phòng đi đâu, làm gì đều được thông báo cho bên kia hết”. Xe đang chạy, Hưng vội đánh lái vào vệ đường khi nghe những tiếng bô xe máy chạy gầm rú ngang qua với tốc độ lớn, hướng ra phía quốc lộ 91. “Bọn đó chở thuốc lá đấy. Chạy ẩu hết chỗ nói, nghe tiếng chúng phải cẩn thận không có hôm gãy chân, mất mạng.”

Đa phần dân buôn lậu là người địa phương, nhưng chủ yếu là làm cửu vạn còn những ông chủ hàng sống ở dưới Long Xuyên và ít khi lộ mặt, điều hành tất cả chỉ bằng điện thoại.

Thông thường, đường đi của hàng lậu khi vào mùa khô là dân buôn “đai” hàng bằng sức người, hoặc chở bằng xe máy vượt đồng, còn vào mùa mưa thì chở bằng xuồng máy cao tốc. Sau khi vượt biên giới, hàng hóa được tập kết tại nhà dân ở khu vực Vĩnh Ngươn. Đợi lúc phù hợp, hàng được xé lẻ, vận chuyển bằng xe máy đi sâu vào nội địa.

Theo những gì tôi tìm hiểu để chống lại “đệ nhất lậu thị” này, các lực lượng chống buôn lậu được bố trí dày đặc dọc biên giới. Nhưng tất cả những biện pháp đó xem ra vẫn chẳng ăn nhằm gì với những việc buôn lậu vẫn hàng ngày, hàng giờ diễn ra ở đây.

Trong suốt một thời gian dài tồn tại và phát triển, không thể ước tính được bao nhiêu hàng hóa từ chợ Tà Mâu tràn vào thị trường nội địa, ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều mặt hàng sản xuất trong nước và gây thất thu tiền thuế. Số tiền đó hẳn là rất lớn, bởi trong một ngày lang thang, tìm hiểu, tôi đã chứng kiến rất nhiều hàng lậu tuồn vào nội địa. Quả thực chợ gò Tà Mâu xứng đáng với danh hiệu “Đệ nhất lậu thị”.

Kỳ 2: Đỏ đen chốn 'lậu thị'

Sơn Bình

Đọc thêm