Dư âm của một sự kiện văn hóa nghệ thuật

Giữa dồn dập những sự kiện diễn ra hằng ngày trên địa bàn thành phố năng động, có sức thu hút và đầy ắp thông tin như Đà Nẵng những tháng ngày này, một cuộc Liên hoan ảnh nghệ thuật, dù là của cả khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên với nhiều quan khách đến từ Trung ương và các địa phương bạn, dù diễn ra suốt 5 ngày từ 20-8 đến 25-8-2010 có khi cũng chưa hẳn đã khiến tất cả mọi người quan tâm.

Giữa dồn dập những sự kiện diễn ra hằng ngày trên địa bàn thành phố năng động, có sức thu hút và đầy ắp thông tin như Đà Nẵng những tháng ngày này, một cuộc Liên hoan ảnh nghệ thuật, dù là của cả khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên với nhiều quan khách đến từ Trung ương và các địa phương bạn, dù diễn ra suốt 5 ngày từ 20-8 đến 25-8-2010 có khi cũng chưa hẳn đã khiến tất cả mọi người quan tâm.

Âm vang Sông Hàn của Phan Ngọc Hợi, Đà Nẵng. (Huy chương bạc)

Âm vang Sông Hàn của Phan Ngọc Hợi, Đà Nẵng. (Huy chương bạc)

Nhưng với những nghệ sĩ nhiếp ảnh và những người yêu mến ảnh nghệ thuật, đây quả là một sinh hoạt tinh thần giàu ý nghĩa với nhiều hoạt động phong phú cả bề nổi lẫn chiều sâu.199 tác giả là những nghệ sĩ nhiếp ảnh thuộc các Chi hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và các Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh nghệ thuật của 10 tỉnh, thành Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, những người cầm máy đến từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Đắc Lắc, Đắc Nông, Gia Lai, Kon Tum và thành phố Đà Nẵng đã mang về đây 1.179 tác phẩm tham gia Liên hoan.

Các bức ảnh tham gia Liên hoan đã phản ánh dưới nhiều góc độ về cuộc sống, con người, cảnh đẹp thiên nhiên, bản sắc văn hóa của vùng đất Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, phản ánh nhịp sống sôi động của cả miền Trung và Tây Nguyên đang vươn mình bứt phá đi lên trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Những nghệ sĩ nhiếp ảnh của khu vực cũng nhân dịp này đóng góp thành quả sáng tạo của mình chào mừng kỷ niệm 65 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, hướng đến Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội và chào mừng thành công của Đại hội Liên đoàn Nghệ thuật nhiếp ảnh Quốc tế (FIAP) lần thứ 30 vừa được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam.

 

Với giới văn học nghệ thuật nói chung, Liên hoan lần này cũng là hoạt động chào mừng Đại hội Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam sẽ diễn ra vào cuối tháng 9-2010 sắp tới. Đây đồng thời cũng là cơ hội để anh chị em làm nghệ thuật nhiếp ảnh trong khu vực gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao tay nghề theo hướng chuyên nghiệp hóa hoạt động nghệ thuật, kết hợp tư duy sáng tạo theo khuôn khổ truyền thống và những sáng tạo mang tính cách tân.

 Liên hoan diễn ra với nhiều hoạt động phong phú, có những điểm mới trong nội dung và hình thức tổ chức. Cách chấm giải công khai với sự chứng kiến của tất cả các nghệ sĩ có tác phẩm tham gia đã tạo sự giao cảm giữa từng thành viên Hội đồng Giám khảo với tác giả; đồng thời, những người chứng kiến trực tiếp cũng có điều kiện góp ý tại chỗ với Ban tổ chức những điểm cần bổ khuyết, điều này là minh chứng sinh động cho tính dân chủ công khai trong hoạt động nghệ thuật của chúng ta.

Ngay sau lễ chấm giải là Hội thảo về nâng cao chất lượng nghệ thuật nhiếp ảnh khu vực Nam Trung bộ – Tây Nguyên. Có thể nói, nếu như cuộc chấm giải và Triển lãm ảnh là bề nổi của Liên hoan thì Hội thảo với nội dung nâng cao chất lượng ảnh nghệ thuật Nam miền Trung-Tây Nguyên chính là chiều sâu làm nên thành công của Liên hoan lần này.

Tại Hội thảo diễn ra vào tối 21-8-2010, với tinh thần thẳng thắn nhưng chân tình, các nghệ sĩ đã có những ý kiến đối thoại sôi nổi, thậm chí trái chiều để dần dần đi đến sự đồng thuận trên từng tác phẩm được giải. Đã có một cuộc đối thoại đầy thú vị giữa các vị “cầm cân nẩy mực” với các tác giả tham gia Liên hoan. Những câu hỏi đặt ra như: Vì sao tác phẩm này đoạt giải mà không phải là tác phẩm kia đã được các thành viên Hội đồng Giám khảo trao đổi trực tiếp, phần nào giải tỏa những bức xúc có thể có của những người mang nặng đẻ đau những đứa con tinh thần của mình.

Tính chuyên nghiệp của các cuộc thi buộc người nghệ sĩ căng sức ra mà sáng tạo, tất nhiên vẫn biết “học tài thi phận”, nhưng với một Ban giám khảo làm việc nghiêm túc, có chủ ý định hướng cho những sáng tạo mới mẻ độc đáo thì những bức ảnh có góc nhìn mới lạ, không lặp lại vẫn là những tác phẩm không dễ gì bị bỏ sót hoặc phủ nhận. Giờ đang là buổi giao thời, nghe nói một số Ban tổ chức vẫn quy định là chấm theo từng địa phương để “ai cũng có giải”, vui vẻ cả.

 

Nhưng liên hoan lần này xáo trộn tất cả các tác phẩm dự thi. Một cuộc “tỉ thí” thật sự. Kết quả chung cuộc, có 24 tác phẩm đoạt giải, trong đó  2 Huy chương Vàng, 4 Huy chương Bạc, 8 Huy chương Đồng, 10 giải khuyến khích cho 2 loại ảnh màu và đen trắng, cộng với  3 giải tập thể. Thành phố Đà Nẵng được Giải đồng đội và một số giải cá nhân trong đó có 1 giải bạc cho bức ảnh phản ánh nhịp điệu thành phố trong đêm Lễ hội thi trình diễn pháo hoa quốc tế. 1.179 tác phẩm, mà chỉ có 24 giải thôi. 24 người vui, còn những hơn một nghìn người buồn.

Tôi nghe một anh bạn động viên nghệ sĩ tỉnh mình như thế, khi người nghệ sĩ này không có tác phẩm được vào giải. Còn một nghệ sĩ trong Ban Giám khảo nói vui, khi cuộc chấm đã vào những vòng trong quyết liệt: Có khi người ngoài theo dõi cuộc chấm lúc này còn căng thẳng hơn Ban Giám khảo! Nhưng tôi biết là anh chỉ nói vui vậy thôi. Chứng cứ là mọi người đều nhận thấy sức nặng của tư duy đang đè lên cân não của từng thành viên giám khảo.

Tấm phiếu chấm điểm bằng nhựa mỏng như thể phập phồng, nhấp nhỏm trong tay các anh. Gieo tấm phiếu nhựa đó vào bức ảnh nào, thật là nặng nề như một quả tạ. Sự công nhận tác phẩm này đồng nghĩa với chưa công nhận tác phẩm kia – tôi muốn nói là chưa chứ không phải là không. Bởi, như nghệ sĩ Duy Anh, Chánh chủ khảo, đã tâm sự: Thật là tiếc cho anh em mình, có những bức rất đẹp nhưng không phải ai cũng vào giải được, đành bó đũa chọn cột cờ.

Ngay sau Lễ tổng kết bế mạc cuộc thi là Triển lãm 152 bức ảnh được chọn lọc từ các tác phẩm tham dự Liên hoan. Người xem như đi từ miền cảm xúc này đến miền cảm xúc khác. Có lúc thăng hoa cùng những chùm pháo bông rực rỡ, điệu nghệ, có lúc lại thâm trầm với một bức chân dung đầy tâm trạng. Có lúc hồ hởi với một đoàn thiếu nhi khuôn mặt rạng rỡ, sáng láng, có khi xót lòng với cận cảnh khuôn hình đặc tả một bàn chân không tròn vẹn của một vận động viên khuyết tật cố rướn mình về đích trong một cuộc thi; có lúc chói chang với những bức ảnh đầy sắc màu rực rỡ, có khi lại nao nao cùng bức ảnh bến vắng chiều hôm được người nghệ sĩ diễn tả như một bài thơ thật sự.

Tôi có cảm giác như lúc chụp khuôn hình này, người nghệ sĩ dường như chỉ đủ dũng cảm chạm nhẹ ngón tay của mình lên phím bấm, bởi sợ cảnh trí này bỗng dưng bay đi mất. Trong khuôn khổ của Liên hoan, Triển lãm ảnh nghệ thuật lần này đã đem đến cho công chúng Đà Nẵng cơ hội được thưởng thức tài năng nghệ thuật của các nghệ sĩ nhiếp ảnh trên khắp dải đất Nam Trung bộ và Tây Nguyên, nó như một thông điệp kết nối những vùng đất khác nhau, kết nối những tài năng nghệ thuật và công chúng yêu nghệ thuật của cả khu vực chúng ta, tạo nên chất xúc tác cho sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền Trung-Tây Nguyên.

 

NẠI HIÊN

Đọc thêm