Dư âm Đại lễ Ngàn năm Thăng Long - Hà Nội

Cuộc diễu binh, diễu hành kỳ vĩ sáng 10 tháng 10 tại Quảng trường Ba Đình được đánh giá là quy mô, hoành tráng nhất từ trước đến nay đã qua rồi. Và đêm hội Thăng Long lung linh ánh sáng trên sân vận động Mỹ Đình đầy ấn tượng cũng đã khép lại 10 ngày Đại lễ. Vậy mà âm hưởng của ngày hội vẫn ngỡ ngàng, xao động trong mỗi người. Đâu đó từ một ngã ba, ngã tư vang lên khúc hát quen thuộc như thầm lưu lại trong cảm giác “Nghìn năm Thăng Long - Hà Nội”.
Cuộc diễu binh, diễu hành kỳ vĩ sáng 10 tháng 10 tại Quảng trường Ba Đình được đánh giá là quy mô, hoành tráng nhất từ trước đến nay đã qua rồi. Và đêm hội Thăng Long lung linh ánh sáng trên sân vận động Mỹ Đình đầy ấn tượng cũng đã khép lại 10 ngày Đại lễ. Vậy mà âm hưởng của ngày hội vẫn ngỡ ngàng, xao động trong mỗi người. Đâu đó từ một ngã ba, ngã tư vang lên khúc hát quen thuộc như thầm lưu lại trong cảm giác “Nghìn năm Thăng Long - Hà Nội”.

Khối Thiếu nhi rước ảnh Bác Hồ diễu hành qua lễ đài. (Ảnh: TTXVN)
“Ta đi trên đường Hà Nội rực rỡ chiến công
Đường thênh thang Ba Đình rực rỡ
Đường tấp nập Hoàn Kiếm  Đồng Xuân
Nghe nao nức trong lòng…”

Nhìn các đơn vị mạnh mẽ, trẻ trung rầm rập bước đi trên con đường Hùng Vương rộng lớn, người lính già đứng bên tôi bật khóc. Tôi hiểu lắm. Bác xưa là chiến sĩ Trung đoàn 94 của Khu 5,  được phiên chế vào Sư 350, bảo vệ Thủ đô. Năm 1960 đơn vị bác vinh dự được thay mặt bộ đội tập kết, tham gia duyệt binh, kỷ niệm Quốc khánh. Cũng tại Quảng trường Ba Đình này, cũng trên con đường Hùng Vương này… năm đó bác mới 24 tuổi.

Các đơn vị hùng dũng diễu qua lễ đài trong tiếng nhạc “Vì nhân dân quên mình”. Khi khối nữ dân quân tự vệ tiến đến, nét mặt người lính già Khu 5 bỗng tươi roi rói. Nhìn quần áo đen, chiếc khăn quen thuộc miền Nam, bác như reo lên, du kích Củ Chi, Bến Tre đó. Nhìn chiếc khăn mỏ quạ, áo chàm, quần thâm truyền thống, bác chỉ trỏ, du kích làng Nguyễn Thái Bình, dân quân Nam Ngạn - Hàm Rồng, dân quân Châu Yên, tự vệ Đỏ, v.v… Tôi liếc qua bác, nét mặt người lính già rạng rỡ như thể có con cháu bác trong đội quân đủ sắc tộc ấy.

Dấu ấn Mỹ Đình

“Thăng Long - Hà Nội -Thành phố Rồng bay”, thoạt nghe, thật khó hình dung ra 1.000 năm được thể hiện qua 80 phút trong một không gian rộng lớn, sân vận động Mỹ Đình. Nhưng Tổng đạo diễn, các nhà thiết kế, kịch bản… dường  như coi đó như một cơ hội thú vị, kích thích cảm hứng sáng tạo của nghệ sĩ. Theo Tổng đạo diễn Trọng Đài, từ kịch bản văn học lên  sân khấu là một quá trình biến đổi để cuối cùng tạo dựng nên ba chương đầy ý nghĩa: Chương 1, Quyết định trọng đại, kể về Thăng Long thời sơ khai khi Lý Công Uẩn hạ chiếu dời đô và dựng đô. Chương 2, Thăng Long - Thủ đô ngàn năm Văn hiến từ thời Trần tới trước ngày Đảng Cộng sản thành lập. Và chương 3, Thăng Long-Hà Nội-Thời đại Hồ Chí Minh-Thành phố vì Hòa bình.

Khối nữ CSGT diễu hành trên đường phố Thủ đô. (Ảnh tư liệu)
Huyền thoại đầy lãng mạn quyện vào hiện thực sâu nặng, hào hùng suốt chiều dài lịch sử sóng gió dựng nước, giữ nước. Tính ước lệ ngỡ như mơ hồ, được hiện thực hóa bằng những áng thiên cổ hùng văn đầy hào khí: “Chiếu dời đô” của Lý Công Uẩn, “Bạch Đằng Giang phú” của Trương Hán Siêu, “Tuyên ngôn độc lập” của Hồ Chủ tịch. Âm nhạc hào sảng, âm thanh thúc giục, màu sắc và ánh sáng rạng rỡ. Ngay trong sự náo động, ồn ã, ta vẫn nghe rõ bước chân của cả một đoàn quân tiến bước. Lắng trong sâu xa trái tim, hồn Đất nước vọng về. Có khi trái tim như se lại, da diết, dạt dào yêu thương để rồi trong phần kết, cả vạn người, lòng như có ngọn cờ trước cơn gió lớn, bay lên, kiêu hãnh.

Phải chăng đó là cảm xúc mạnh mẽ mà đêm diễn hoành tráng ở Mỹ Đình đã dâng tặng, khép lại 10 ngày Đại lễ với nhiều ấn tượng sâu đậm, nhiều cảm xúc đan xen. Và đọng lại trong sâu xa mỗi người, đó là hình ảnh sáng chói Thăng Long - Hà Nội như một ngọn lửa bừng sáng trước thời đại mới, là trái tim ấm áp, tự hào của cả Dân tộc.

Vòng tay bè bạn

Nhiều khách Quốc tế đã có mặt trong ngày Đại lễ. Nhiều đoàn nghệ thuật đến từ các nước. Và có mặt trong những ngày Đại lễ còn có hơn 100 nhà báo nước ngoài. Ngay sau mỗi sự kiện, đặc biệt là ngày cuối cùng chính hội, nhiều hãng Thông tấn - báo chí đã nhanh chóng đưa tin và bình luận với những tình cảm ấm tình bè bạn.

Dấu ấn Mỹ Đình. (Ảnh tư liệu)
Trên tờ Voice of Russia (Nga) đã giới thiệu khá kỹ về lịch sử dựng đô Thăng Long và những truyền thuyết thú vị xung quanh vị vua anh minh Lý Công Uẩn: “Tương truyền, một lần, trời quang mây tạnh, nhà vua đi chơi thuyền trên con sông rộng lớn, đỏ ngầu phù sa, chợt thấy một con Rồng xuất hiện phía chân trời, vút bay lên. Rồng là tổ tiên của người Việt. Ngay sau hình ảnh như điềm báo kỳ diệu đó, nhà vua lập tức cho xây Kinh đô mới bên bờ con sông Cái và đặt tên là Thăng Long”. Hãng Tân Hoa Xã (Trung Quốc) viết: “Sự kiện này có ý nghĩa sâu sắc, thể hiện sinh lực của Hà Nội, Thủ đô lịch sử nghìn năm văn hiến, khuyến khích người dân Việt Nam chung tay xây dựng Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung…”.
Hãng AFP quan sát và nhận xét: “Tôi nhìn thấy những người nông dân đi giữa đường phố Hà Nội rất hân hoan, vui vẻ. Cái lớn làm nên lễ hội là sự tham gia của nhân dân. Họ mới là động lực”. Trên tờ Le Monde của Pháp, dành đầy đặn 6 trang báo với tựa đề: “Hà Nội - Giấc mơ thiên niên kỷ”. Bài báo đi sâu vào lịch sử xây dựng Thăng Long, bề dày chống giặc ngoại xâm. Sau bao thế kỷ thăng trầm của lịch sử, hai mươi năm qua, Hà Nội đã phát triển vượt bậc. Bài báo Pháp cũng bày tỏ cảm xúc trước vẻ đẹp như hút hồn của thành phố nghìn năm tuổi này: “Buổi sớm mai, bên bờ hồ Gươm, Hà Nội thật quyến rũ với những con đường rợp bóng cây, những ngõ nhỏ, những công trình kiến trúc và những công viên…
Khu phố Cổ luôn là điểm thu hút du khách đến khám phá nơi “kho báu” bình yên…”. Một tờ báo lớn của Ấn Độ, New Kerala, sau khi nhắc lại lịch sử 1.000 năm của Thủ đô Việt Nam, đã viết: “Sự kiện kỷ niệm trọng thể thành phố 1.000 năm tuổi sẽ tạo ra cho người Việt Nam và du khách nước ngoài một cơ hội hiểu thêm về lịch sử Hà Nội. Cơ hội này cũng giúp tăng cường hình ảnh và sức hấp dẫn của Việt Nam và Hà Nội với cộng đồng quốc tế.” …

Buổi sớm mùa thu trải một lớp sương sớm mỏng và dịu trên những hàng cây dọc con phố xuyên suốt thành phố. Theo bước chân “Ngàn Năm”, nhiều công trình đã ra đời và đó là dấu ấn đọng lại sau những ngày tưng bừng Lễ hội. Một bảo tàng mới, mang tên “Bảo tàng Hà Nội” với kiến trúc độc đáo đã ra đời. Một tượng đài Thánh Gióng bằng đồng, đồ sộ xứng tầm.
Một đại lộ mới, dài rộng hàng đầu Việt Nam đã ra đời mang tên Đại lộ Thăng Long. Và Hà Nội còn những công trình đang dang dở, nghĩa là Hà Nội còn nhiều việc phải làm. Nhưng trong buổi sáng nay, di dọc con đê sông Hồng, lướt nhìn con đường Gốm sứ, đi qua cây cầu mới Vĩnh Tuy, nhìn xuống dòng sông Hồng dâng đầy. Bầu trời, từng gợn mây trắng, trong veo, chớm nắng. Hà Nội đã bước vào một ngày mới ấm áp, trong trẻo sắc thu, màu trời thu. Lời bài hát “Hà Nội Mùa thu” của nhạc sĩ Vũ Thanh vang lên đâu đó: Anh bên em/ Ta bước đi, trong lòng nghĩ suy gì…

Như Nguyễn

Đọc thêm