Được chọn là dự án thí điểm của thành phố về tái thiết các khu tập thể cũ, tuy nhiên, việc triển khai dự án xây dựng khu thương mại, văn phòng, nhà ở Nguyễn Công Trứ đã gặp phải sự phản ứng từ nhiều người dân thuộc diện di dời.
|
Khu nhà A1-A2 thuộc khu tập thể Nguyễn Công Trứ sẽ được cưỡng chế khi còn quá nhiều vấn đề chưa được làm rõ? |
Tiếp xúc với phóng viên, nhiều người dân cho hay luôn ủng hộ chủ trương của thành phố. Tuy nhiên, ngay từ đầu quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư và quận Hai Bà Trưng đã “thiếu minh bạch”. “Đa phần ở khu tập thể này là người lao động nghèo, đó là tài sản chúng tôi đã phấn đấu cả đời mới có. Việc thiếu công khai về quyền lợi đối với người dân là điều không chấp nhận được”, một chủ hộ cho hay. Được biết, đến ngày 29/11/2012, còn 29 hộ dân chưa nhận tiền và chưa bàn giao mặt bằng, chỉ chiếm tỷ lệ 14,6% trong tổng số 199 hộ trong phạm vi dự án.
Trả lời với một thái độ quyết tâm, bà Trần Thị Liên (nhà số 19 - A2) cho biết, cả gia đình bà đã sinh sống cả nửa thế kỷ ở khu tập thể này. Bà nói, không thể giao sổ đỏ, ký kết với chủ đầu tư khi “chúng tôi chưa rõ năng lực của họ, chưa rõ bao lâu sau khi giao nhà sẽ được trở về ở nhà mới, diện tích tăng thêm chúng tôi phải mua với giá bao nhiêu tiền mỗi m2,…”.
Ngày 16/11/2012, UBND quận Hai Bà Trưng đã ban hành 18 quyết định cưỡng chế di chuyển (đợt 1) đối với 18 gia đình đã hết thời hạn bàn giao căn hộ, bàn giao mặt bằng nhưng chưa di chuyển. Theo kế hoạch, tổng số 18 hộ sẽ phải áp dụng biện pháp hành chính cưỡng chế thu hồi đất đợt 1 sẽ được thực hiện trong thời gian từ ngày 5 đến ngày 15/12/2012. Trả lời Pháp luật Việt Nam, người dân cho biết đã xem xét việc khởi kiện quyết định cưỡng chế do Phó chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Lâm Anh Tuấn, ký. |
Để thực hiện dự án, phía chủ đầu tư đã có những bước đi vội vàng, bất chấp nguyện vọng của người dân. Theo đó, dù đến tháng 3/2010, UBND Tp. Hà Nội mới ra Quyết định số 1109 cho phép thu hồi đất để thực hiện Dự án công trình thương mại, văn phòng, nhà ở, nhưng trước đó, năm 2009, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng nhà số 7 Hà Nội (Handico7) và UBND phường Phố Huế (quận Hai Bà Trưng) đã tiến hành thủ tục di dời hàng chục hộ dân ở nhà A1-A2. “Người ta bắt di dời trước khi có quyết định thu hồi đất. Từ đó đến nay chúng tôi vẫn sống trong nhà tạm cư và chưa biết tới khi nào mới được ở nhà tái định cư của mình”, bà Đỗ Thị Mai, chủ căn hộ phải di dời, cho hay.
Để “chứng minh” sự vội vàng và thiếu minh bạch từ chủ đầu tư, khi tiếp xúc với phóng viên, nhiều người dân đã đưa ra hồ sơ pháp lý và chỉ rõ cách phối hợp giữa chủ công trình với người dân. Họ so sánh, trong khi các dự án cải tạo chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội cung cấp đầy đủ thông tin, quyền lợi cho người phải di dời, thì dự án ở Nguyễn Công Trứ, theo người dân là “không minh bạch”. Theo đó, những dự án khác trước khi dời chủ đầu tư đều cam kết rất rõ về diện tích căn hộ người dân được nhận, số diện tích phải mua thêm với đơn giá bao nhiêu, thời gian bàn giao căn hộ là khi nào, thì trái lại, chủ đầu tư dự án Nguyễn Công Trứ không đưa cam kết cụ thể.
Một trong những điều mà người dân băn khoăn, đó là tính pháp lý của dự án. Năm 2010, Sở Quy hoạch- Kiến trúc Hà Nội “xếp hạng” dự án chung cư cao tầng tại khu tập thể Nguyễn Công Trứ (nhà N3 với chiều cao 19 tầng) thuộc dự án cao tầng loại 2 được phép tiếp tục triển khai.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội, ông Nguyễn Thế Thảo, ngày 24/11/2011, tại hội nghị triển khai quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 ngày 24/11/2011, đã khẳng định “không cấp phép xây dựng mới cho các công trình cao tầng nào trong các quận nội thành”. Trường hợp đã có quyết định thì sẽ điều chỉnh hợp lý.
“Chúng tôi cũng nghi ngại về năng lực tài chính của chủ đầu, đây là dự án lớn, quy mô, nhưng một doanh nghiệp với nguồn vốn mấy chục tỷ đồng thì liệu có “kham” nổi dự án này?”, một người dân, đặt câu hỏi.
Như Trang