Tại kỳ họp vừa qua, QH đã quyết định lùi thời gian thông qua dự án Luật Đặc khu từ Kỳ họp thứ 5 sang Kỳ họp thứ 6. Ông đánh giá như thế nào về việc này?
- Có thể nói, việc lùi thời gian thông qua dự án Luật thể hiện sự cầu thị của cơ quan soạn thảo - tức Chính phủ và cơ quan xem xét quyết định là Quốc hội. Nó thể hiện sự tôn trọng ý kiến của một số ĐBQH, của cử tri và nhân dân cả nước nhằm tạo sự đồng thuận đối với một chính sách phát triển kinh tế - xã hội lớn của đất nước, có liên hệ tới đời sống của nhân dân.
Đây là một việc làm bình thường nhằm giúp chúng ta xem xét cho đầy đủ để quy định cho chặt chẽ, giống như việc chúng ta đã dừng hiệu lực của Bộ luật Hình sự năm 2015 để sửa đổi, bổ sung vào năm 2017 nhằm đảm bảo tính khoa học, khả thi cao hơn và tạo sự đồng thuận giữa QH với cử tri và nhân dân.
Thưa ông, thời gian qua, trên mạng xã hội có những thông tin không chính xác về dự án Luật này, ví dụ như thông tin cho rằng dự án Luật mở đường cho người Trung Quốc thuê đất lâu dài, bán đất cho nước ngoài… Hiểu sai về dự án Luật nên không ít người dân ở một số địa phương đã bị kẻ xấu lợi dụng, kích động biểu tình, gây rối gây nên tình trạng mất an ninh trật tự. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Việc nêu ý kiến của một bộ phận nhân dân có thể nói là việc làm rất đáng hoan nghênh, chứng tỏ người dân ngày càng quan tâm đến các vấn đề lớn của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến có tính xây dựng, những ý kiến tâm huyết, sự đóng góp có thể nói là có trách nhiệm thì đã tồn tại một số thông tin bịa đặt, thậm chí là cố tình bóp méo sự thật, dựng chuyện và kích động người dân hoang mang.
Nhân dân ta có truyền thống yêu nước và họ đã lợi dụng, kích động vào đúng điểm này để lôi kéo người dân. Trong số đó có những kẻ rất xấu, thậm chí không loại trừ những phần tử phản động đã kích động tụ tập biểu tình trái pháp luật, thực hiện những hành vi tấn công lực lượng chấp pháp của chúng ta rồi cố ý phá hoại và hủy hoại nhiều tài sản của Nhà nước và của người dân. Có một số người nước ngoài cũng tham gia gây rối trong khi họ không có trách nhiệm, không có quyền gì ở nước ta, chứng tỏ có vấn đề tổ chức gây rối, gây bạo loạn.
Quan điểm của tôi đối với vấn đề này là các cơ quan chức năng phải vào cuộc, xem xét, điều tra để nghiêm trị. Đồng thời cũng phải làm thế nào để người dân hiểu được sự thật, bản chất của vấn đề xây dựng các đặc khu kinh tế. Ở đây chúng ta phải hết sức lưu ý rằng vấn đề đặc khu thể hiện đường lối của Đảng ta được đề ra từ năm 1997, từ Hội nghị T.Ư 4 khóa VIII và hiện đã có 7 văn kiện của T.Ư Đảng và Bộ Chính trị. Nó thể hiện đường lối phát triển kinh tế - xã hội có tính nhất quán, liên tục của Đảng, là chỉ đạo của các Đại hội cho đến nay chứ không phải là chỉ đạo nhất thời hay chỉ đạo riêng của Bộ Chính trị.
Bên cạnh đó, người dân đã đồng thuận thông qua Hiến pháp năm 2013 với Điều 110 và 111 của Hiến pháp ghi rõ chúng ta có “đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt”. Ở đây, chúng ta xây dựng đường lối, chủ trương và chính sách phát triển dựa trên cơ sở đã có sự nghiên cứu, đánh giá tất cả các vấn đề kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại chứ không phải của một nhóm lợi ích hay cá nhân nào. Đây là vấn đề mà chúng ta đã nghiên cứu sâu sắc, có tham khảo quốc tế. Do đó, cần phải tuyên truyền để người dân hiểu được giá trị và tính đúng đắn của việc triển khai đường lối này.
|
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng. |
Cá nhân ông đánh giá như thế nào về vai trò, ý nghĩa của dự án Luật Đặc khu với sự phát triển của đất nước? Theo ông, QH có nên thông qua dự án Luật này tại kỳ họp tới hay tiếp thu cho đến khi các quy định chín muồi thì mới thông qua?
- Tôi cho rằng, việc thông qua không chỉ dự án Luật này mà là cả với tất cả các dự án luật khác đều phụ thuộc vào 2 vấn đề chính. Một là nó đã đáp ứng được sự cần thiết của việc ban hành chưa, có đối tượng, phạm vi điều chỉnh rõ ràng hay không, có mang lại lợi ích cho đất nước không? Thứ hai là về mặt hình thức, nó phải đáp ứng được các điều kiện theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nếu dự án luật đã đảm bảo cả 2 vấn đề này thì chúng ta xem xét thông qua.
Cho nên vừa qua, Chính phủ đã đề nghị UBTVQH, và UBTVH đã trình QH để chuyển sang Kỳ họp thứ 6 mới xem xét thông qua dự án Luật Đặc khu. Điều này có nghĩa là trong khoảng thời gian từ nay đến kỳ họp tới, chúng ta sẽ rà soát lại lần cuối các vấn đề để bổ khuyết. Nếu dự luật đưa ra đáp ứng được 2 yêu cầu thì QH có thể xem xét thông qua. Tôi nghĩ chúng ta cũng chỉ cần giải quyết một số vấn đề vướng mắc thôi, ví dụ hiện nay là sự hiểu lầm là chúng ta cho Trung Quốc thuê đất thì chúng ta khẳng định là không có, làm gì có câu chuyện đó.
Thứ hai là chúng ta kiểm tra lại các điều kiện cho thuê đất, các vấn đề về phát triển các khu chức năng, các khu công nghệ cao như thế nào, du lịch kết hợp nghỉ dưỡng có liên quan đến cạnh tranh quốc tế có đảm bảo được không?… Nếu đã đáp ứng được cả về mặt nội dung và hình thức thì việc chúng ta thông qua được đạo luật để triển khai là bình thường. Bây giờ cũng đã có những nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài, kể cả châu Âu cũng đã rục rịch chuẩn bị nên tôi nghĩ việc này có khả quan. Dĩ nhiên chúng ta đang thí điểm về thể chế quản lý, tạo ra sự đột phá trong kinh tế thì cũng có những khó khăn, nhưng cái gì cũng thế, không thể có cái gì đến một cách dễ dàng được.