Dự án Luật Phòng không nhân dân: Bộ Quốc phòng sẽ quản lý các thiết bị bay

(PLVN) - Xây dựng, ban hành Luật Phòng không nhân dân (PKND) nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về quân sự, quốc phòng, có ý nghĩa thiết thực bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) trong tình hình mới.
Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giải trình về dự án Luật PKND. (Ảnh: Lam Hạnh)
Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giải trình về dự án Luật PKND. (Ảnh: Lam Hạnh)

Sáng 27/6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật PKND. Việc xây dựng Luật PKND nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về PKND, tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, huy động, tổ chức hoạt động PKND, quản lý các hoạt động liên quan tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không; xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước, giữ vững hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội để phát triển kinh tế; bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc.

Dự thảo Luật PKND được xây dựng gồm 8 chương với 54 điều, gồm các quy định về: Nguyên tắc tổ chức hoạt động PKND; chính sách Nhà nước về PKND; nhiệm vụ PKND; trọng điểm PKND; hành vi bị nghiêm cấm trong xây dựng, huy động, hoạt động PKND; xây dựng, huy động lực lượng PKND; hoạt động PKND.

Dự thảo Luật dành riêng 1 chương quy định về việc quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không; quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, DN, cá nhân với PKND và quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ…

Dự Luật nêu rõ nhiệm vụ PKND là phối hợp với lực lượng phòng không quốc gia, phòng không lục quân sẵn sàng chiến đấu, phòng, chống địch tiến công đường không và quản lý, bảo vệ vùng trời ở độ cao dưới 5.000m.

Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (BQP) cho biết: Về cấp phép bay, Bộ Công an (BCA) sẽ cấp phép bay cho các phương tiện bay siêu nhẹ, phương tiện bay không người lái của BCA; BQP cấp phép cho các phương tiện bay của BQP. Các phương tiện bay đăng ký ở BCA nhưng trách nhiệm quản lý ở BQP, do BQP có các trang bị, phương tiện bảo đảm và được Chính phủ giao nhiệm vụ này.

Hiện nay, do số lượng phương tiện bay siêu nhẹ, phương tiện bay không người lái nhiều nên BQP sẽ tính toán quy định cấp nào sẽ cấp phép bay, đến cấp tỉnh, cấp Quân khu, Quân chủng, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội. Khi thấy cần thiết đình chỉ chuyến bay nào đó thì Bộ trưởng BQP, Bộ trưởng BCA có quyền này.

Bộ trưởng BQP nhấn mạnh, bảo vệ vùng trời là nhiệm vụ rất quan trọng do có nhiều lực lượng phối hợp thực hiện ở các độ cao khác nhau, từ xa đến gần, ở các tầng, ở nhiều hướng. Luật PKND quy định bảo vệ vùng trời ở độ cao dưới 5.000m, tầm Quân khu lớn hơn, tầm chiến lược lớn hơn nữa do BQP phụ trách. Trong phạm vi vùng trời dưới 5.000m, hoạt động của các phương tiện bay kể cả có người lái hay không người lái đều đạt được mục tiêu rất cao, do vậy, xác định khu vực này cực kỳ quan trọng trong tác chiến.

Về quyền bắn khi thực hiện chế áp, Bộ trưởng BQP giải thích, đã có chỉ thị và thông tư quy định “trường hợp nào chế áp để hạ cánh, nếu không chấp hành thì có quyền bắn bỏ”, “máy bay cất cánh lên, khi yêu cầu hạ cánh nếu không hạ cánh thì ép, tới mức cần phải tiêu diệt”, để bảo đảm an toàn an ninh vùng trời.

Về quản lý thiết bị bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ, có Đại biểu Quốc hội nói “có nước sử dụng thiết bị bay có thể bay được hàng nghìn km”, Bộ trưởng BQP thông tin, hiện nay phương tiện này đang được các nước trên thế giới sử dụng rộng rãi. Các loại phương tiện này cần được quản lý cụ thể. BQP được giao nhiệm vụ bảo vệ, quản lý vùng trời, do vậy, BQP sẽ thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao để bảo đảm vùng trời được an toàn nhất. Vì vậy, ông cho rằng, việc quản lý các thiết bị bay phải giao cho BQP.

Về vấn đề xây dựng lực lượng PKND, Đại tướng Giang nhấn mạnh, hoạt động tác chiến PKND là nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Ngày nay, các phương án tác chiến mới trong chiến tranh hiện đại, tiến công đường không, phòng ngừa tiến công đường không trở thành yếu tố hết sức quan trọng. Việc chủ động xây dựng lực lượng PKND ngay từ thời bình là hết sức cần thiết, góp phần BVTQ từ sớm, từ xa, tiếp tục xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước…

“Việc quy định xây dựng lực lượng PKND trong dự thảo Luật sẽ bảo đảm tổ chức thực hiện PKND rộng khắp, đáp ứng yêu cầu quản lý, bảo vệ vùng trời thời bình; đồng thời, chủ động chuẩn bị lực lượng khi có tình huống, chiến tranh xảy ra”, Bộ trưởng BQP nhấn mạnh.

Đọc thêm