Theo Chủ tịch QH, việc xây dựng dự án Luật hiện tại chưa đúng tinh thần chỉ đạo chung là “xây dựng Luật Quy hoạch có phạm vi điều chỉnh chung cho các loại quy hoạch phát triển trên phạm vi cả nước”, Chính phủ chỉ đạo rà soát chưa toàn diện. Vì “việc ban hành luật này mang tính đột phá, dài hạn, khắc phục quy hoạch rải rác, luật nào cũng có quy hoạch, bộ nào cũng làm quy hoạch. Ý kiến khác nhau là không tránh khỏi, vì liên quan đến nhiều bộ, ngành quản lý, nằm trong nhiều luật chuyên ngành” - Chủ tịch QH nhấn mạnh.
Bà Ngân cũng lưu ý, nếu dự án Luật Quy hoạch không kịp thông qua tại Kỳ thứ 4 thì sẽ lỡ, mất thời gian, mất chi phí cho đất nước và mất cơ hội cho xã hội, do vậy, “cố gắng hoàn chỉnh để trình ra QH, không lý do gì mà không trình tại Kỳ họp thứ 4”.
Trước đó, nêu ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Khắc Định đánh giá cao phương án “một luật sửa nhiều luật và chỉ sửa những thứ liên quan đến quy hoạch thôi” khi xây dựng dự án Luật Quy hoạch (sửa đổi). “Chúng tôi thấy, nếu 24 luật mà sửa cả thì không khả thi và luật này không thể thông qua một kỳ họp được”, ông Định nói.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng tỏ ra băn khoăn về chủ trương, không biết hệ thống pháp luật phát triển theo hướng nào? Do cần sửa nhiều luật, theo bà Nga, từ luật này, cần phải cân nhắc thống nhất trong Chính phủ, xem hệ thống pháp luật đi theo hướng nào? Bà cũng chỉ ra tình trạng mỗi khi làm một luật lại kéo theo nhiều luật khác phải sửa đổi cho phù hợp.
Ví dụ, riêng Kỳ họp thứ 4, nhiều luật như Luật về Đơn vị kinh tế hành chính đặc biệt, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Thể dục thể thao, Luật Cạnh tranh… cũng phải sửa nhiều luật liên quan. Bà Nga cho rằng, “mỗi một luật, dưới góc độ chuyên ngành, một ông Bộ trưởng nhìn về góc độ luật này mà chưa nhìn ở góc độ luật khác. Đây là câu chuyện Thường vụ phải có câu trả lời chứ không thể để hệ thống pháp luật bất ổn định làm cho các nhà đầu tư không thể yên tâm kinh doanh”.