Sơ đồ dự báo đường đi bão số 2. |
Sau những ì xèo xung quanh việc dự báo chính xác về cơn bão số 9 năm 2009, đến lượt bão số 1 vừa qua có tên quốc tế là Conson (tên Việt Nam là Côn Sơn) cũng tạo ra những quan ngại về dự báo bão to hóa nhỏ.
Không thể phủ nhận sự tích cực trong việc dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương về tốc độ, hướng di chuyển phức tạp của bão Conson để các Bộ, các ngành vào cuộc, công tác phòng chống bão và sơ tán dân được hoàn tất. Tuy nhiên, bão không mạnh cấp 11, 12, giật trên cấp 12 và mưa không lớn như dự báo khiến người ta cảm giác là “bão hụt”. Đồng ý rằng, dự báo chỉ là dự báo, mang tính chất phòng bị và đương nhiên có tỷ lệ không chính xác. Điều đáng lo là từ đó sẽ sinh ra tâm lý chủ quan cho người dân, trong khi tính trung bình hằng năm thì còn phải đối phó với ít nhất 9 cơn bão nữa.
Trong cơn bão số 9, tỉnh Quảng Ngãi “khiếu nại” rằng, theo dự báo tỉnh này chỉ nằm trong vùng ảnh hưởng chứ không phải nằm trong tâm bão. Nhưng thực tế, Quảng Ngãi lại là tâm của “siêu bão” này. Lý giải cho những thiệt hại nặng nề nhất trong 6 tỉnh hứng chịu cơn bão số 9 với 33 người chết, thiệt hại ước tính 4.500 tỷ đồng, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi kiên quyết cho rằng, chính dự báo sai đã đặt cả tỉnh vào thế bị động trong việc phòng chống, bởi phòng chống một cơn bão đổ bộ trực diện hoàn toàn khác với việc đón một cơn bão chỉ nằm trong tầm bị ảnh hưởng. Sự đôi co, quy trách nhiệm qua lại sau bão không giải quyết được mọi sự đã rồi. Điều cần và cấp thiết hơn hết là nâng cao công tác dự báo bão để bảo đảm tính chính xác hơn, bởi người dân luôn mong muốn dự báo phải đúng ở mức cao nhất. Hơn nữa, ngành Khí tượng thủy văn nước ta trong điều kiện hiện nay có những thuận lợi: Thông tin dự báo ở cấp độ toàn thế giới luôn được cập nhật, có mối liên kết chặt chẽ giữa các đài khí tượng khu vực cũng như thế giới, thì không thể không tiến tới được việc dự báo chính xác và dự báo cả những biến động của thời tiết mang tính bất ngờ.
Chiến lược phát triển ngành Khí tượng Thủy văn đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nêu rõ: Công tác dự báo khí tượng thủy văn phải bảo đảm dự báo thời tiết hằng ngày đạt độ chính xác 80-85%; tăng thời hạn dự báo bão, không khí lạnh đến 3 ngày với độ chính xác ngang mức tiên tiến của khu vực châu Á; tăng thời hạn dự báo, cảnh báo lũ cho các hệ thống sông lớn ở Bắc Bộ lên đến 2-3 ngày, ở Trung Bộ lên đến 2 ngày, ở Nam Bộ lên đến 10 ngày với độ chính xác 80-85% (Website Chính phủ).
Có những ý kiến cho rằng, việc người dân tham gia phòng chống bão và sơ tán là vì chính bản thân mình và dự báo bão to hóa nhỏ còn hơn là ngược lại. Nhưng điều này lại gây ra tình trạng lãng phí và người dân có thể không tin vào dự báo nữa. Thế thì những lần tới, bão to thật và dù dự báo chính xác, các Bộ, các ngành và địa phương hô hào, kêu gọi như thế nào đi nữa nhưng cũng sẽ không tránh khỏi tâm lý chủ quan của người dân. Dải đất miền Trung khô cằn năm nào cũng oằn mình trong bão lũ nên cần lắm sự dự báo kịp thời, chính xác để giảm thiểu thiệt hại về người và của.
VĨNH AN