Dự kiến lùi thời gian tắt sóng di động 2G

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cục Viễn thông đang tham mưu với lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông lùi thêm thời gian của quy định tắt sóng 2G Only, để đảm bảo các nhà mạng có thêm khoảng thời gian hỗ trợ người dân cũng như tiếp tục thông tin tới người dân về quy định tắt sóng 2G.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm chủ trì cuộc họp báo. (Ảnh Thảo Anh)
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm chủ trì cuộc họp báo. (Ảnh Thảo Anh)

Đảm bảo người dùng có chất lượng dịch vụ tốt nhất

Tại Họp báo thường kỳ của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) diễn ra chiều 13/9, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Phong Nhã cho biết, hiện nay, các nhà mạng di động đã hết sức nỗ lực để chuyển đổi thuê bao 2G Only. Tính đến 8/9, trên thị trường viễn thông Việt Nam còn khoảng 3,4 triệu thuê bao 2G Only. Như vậy, so với tháng 7/2024, trong vòng hơn 1 tháng, số thuê bao 2G Only đã giảm rất nhanh - được hơn 5,3 triệu thuê bao.

Đây là nỗ lực của các nhà mạng trong việc chuyển đổi thuê bao từ 2G lên 4G trong thời gian vừa qua. Điều này cũng thể hiện sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ TT&TT và sự nghiêm túc của các doanh nghiệp di động thực hiện kế hoạch dừng công nghệ 2G theo Thông tư số 03, Thông tư 04 về quy hoạch các băng tần số.

Cũng theo ông Nguyễn Phong Nhã, căn cứ kiến nghị của các doanh nghiệp viễn thông cũng như tình hình thực tế, Cục Viễn thông đang tham mưu với lãnh đạo Bộ TT&TT lùi thêm thời gian của quy định tắt sóng 2G Only, để đảm bảo các nhà mạng có thêm khoảng thời gian hỗ trợ người dân cũng như tiếp tục thông tin tới người dân về quy định tắt sóng 2G.

Phó Cục trưởng Nguyễn Phong Nhã trả lời tại họp báo. (Ảnh: Thảo Anh)

Phó Cục trưởng Nguyễn Phong Nhã trả lời tại họp báo. (Ảnh: Thảo Anh)

Các nhà mạng cũng mong muốn hỗ trợ 100% thiết bị đầu cuối là máy 4G tới người dân khi chuyển đổi và đảm bảo chất lượng dịch vụ được duy trì ổn định nhất. Ngoài ra, trong thời gian vừa qua, các doanh nghiệp di động cũng tập trung dành mọi nguồn lực để khắc phục hậu quả thiên tai do cơn bão số 3 gây ra nên việc hỗ trợ chuyển đổi 2G bị gián đoạn.

Trong số thuê bao 2G Only chưa kịp chuyển đổi bao gồm những đối tượng yếu thế, các thuê bao thuộc hộ gia đình khó khăn, các thuê bao tại địa bàn khó tiếp cận như vùng sâu, vùng xa, miền núi và một tỷ lệ tương đối lớn thuê bao 2G Only nằm trong khu vực bị ảnh hưởng của bão, lụt, gây khó khăn cho việc liên lạc, tiếp xúc trực tiếp với khách hàng để thực hiện chuyển đổi.

Trước đó, ngày 10/9, Bộ TT&TT đã họp với các doanh nghiệp viễn thông để nắm bắt các khó khăn của doanh nghiệp trong việc triển khai hỗ trợ chuyển đổi thuê bao 2G Only.

Hiện nay, trong giai đoạn “nước rút” các nhà mạng đã và đang triển khai các giải pháp nhằm chuyển đổi các thuê bao 2G Only còn lại trên mạng như hỗ trợ kinh phí máy điện thoại 4G Only kết hợp các gói cước chuyển đổi, đồng thời hỗ trợ lên tới 100% kinh phí máy điện thoại 4G phím bấm. Các nhà mạng đều chuẩn bị một số lượng máy điện thoại 4G để hỗ trợ bù máy (100% kinh phí) cho các thuê bao 2G Only của mình.

Giải đáp băn khoăn của báo chí liên quan đến thời điểm tắt sóng 2G, ông Nguyễn Phong Nhã nhấn mạnh, hiện nay các đơn vị tham mưu của Bộ TT&TT đang trình lãnh đạo Bộ quyết định nên chưa công bố thời điểm điều chỉnh cụ thể. Bộ TT&TT sẽ sớm công bố để người dân nắm được thông tin.

Ông Nhã cho biết thêm, với đặc điểm của việc dừng công nghệ 2G là hạ tầng kỹ thuật mạng 2G vẫn tiếp tục phát sóng trong 2 năm tới để duy trì các dịch vụ IoT; mạng 2G sẽ dùng cho các thuê bao 4G chưa có tính năng Voice Over LTE, do đó phương thức tắt sóng 2G sẽ hơi khác với dừng analog của lĩnh vực truyền hình. Các doanh nghiệp viễn thông có đội ngũ chăm sóc khách hàng, hỗ trợ kỹ thuật ở 63 tỉnh thành tới từng huyện, xã. Mỗi doanh nghiệp sẽ có kế hoạch đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. Việc dừng 2G sẽ đảm bảo sao để người dùng có chất lượng dịch vụ tốt nhất.

Xuất hiện nhiều tin giả, tin đồn thất thiệt liên quan đến bão số 3

Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Thanh Huyền trả lời báo chí. (Ảnh: Thảo Anh)

Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Thanh Huyền trả lời báo chí. (Ảnh: Thảo Anh)

Cũng tại buổi họp báo, trả lời nội dung liên quan đến xử lý tin giả trong thời điểm bão số 3 vừa qua, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) Nguyễn Thị Thanh Huyền cho biết: Trong thời gian diễn ra bão số 3, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương và hệ thống thông tin cơ sở thông tin về công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền. Các cơ quan báo chí đã thông tin 24/24h, cũng như cập nhật thông tin 1-2 giờ/lần về thông tin cảnh báo, cứu trợ của các cấp, ngành.

Trong thời điểm diễn ra bão số 3, đã xuất hiện nhiều tin giả, tin đồn thất thiệt. Hệ thống xử lý tin giả của Cục PTTH&TTĐT đã tiếp nhận nhiều thông tin về tin giả, tin sai sự thật. Hiện 9 địa phương cũng đã hình thành hệ thống xử lý tin giả. Ngoài ra, Cổng thông tin các Bộ, ngành, địa phương đã chủ động cung cấp thông tin về công tác phòng, chống bão lũ, cũng như bác bỏ các tin giả, tin đồn, tin sai sự thật liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý.

Cục PTTH&TTĐT đã yêu cầu Facebook gỡ bỏ 36 thông tin giả, thông tin sai sự thật; Tik Tok gỡ bỏ 51 thông tin sai. Hệ thống xử lý tin giả cũng đã tiếp nhận 45 tin báo và đã phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý; đưa thông tin bác bỏ các thông tin giả, thông tin bịa đặt, sai sự thật.

Có thể kể đến việc xuất hiện Fanpage giả mạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Lâm Thao (tỉnh Phú Thọ) để lừa đảo bằng cách kêu gọi quyên góp, ủng hộ cho các gia đình bị ảnh hưởng bởi sự cố sập cầu Phong Châu. Hay Fanpage mạo danh Hội Chữ thập đỏ Quảng Ninh lừa đảo kêu gọi quyên góp ủng hộ người dân vùng bão. Cùng đó, nhiều đối tượng đã sử dụng mạng xã hội để đăng tải thông tin sai lệch về tình hình bão lũ tại các địa phương...

Hiện, lực lượng chức năng đã xác minh, làm rõ đối tượng giả mạo; đồng thời kịp thời tuyên truyền, đăng tải các thông tin chính thống về tình hình mưa lũ, các chỉ đạo; đăng thông tin cảnh báo về nội dung giả mạo trên Fanpage chính thống và Cổng thông tin điện tử của địa phương...

Mỗi dịp thiên tai, bão lụt, dịch bệnh, nhiều đối tượng lợi dụng để phát tán thông tin, người dân rất dễ cảm xúc, chia sẻ các thông tin này. Phó Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT cảnh báo người dân cần hết sức tỉnh táo, xác thực các thông tin được chia sẻ thông qua các nguồn thông tin chính thống; xác minh từ chính quyền địa phương..., nếu không vô hình trung sẽ trở thành người phát tán các thông tin giả, thông tin sai sự thật, tham gia vào việc vi phạm pháp luật.

Đọc thêm