Dự kiến ngày 01/6/2025 sẽ khai trương Cổng Pháp luật quốc gia

(PLVN) -Ngày 23/5, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh đã làm việc với Ban Chỉ đạo phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi số và Đề án 06 về xây dựng Cổng Pháp luật quốc gia. Tại buổi làm việc, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị hoàn thiện các công việc với quyết tâm cao, nỗ lực lớn để dự kiến ngày 01/6 tới đây sẽ khai trương Cổng.
Toàn cảnh buổi làm việc.
Toàn cảnh buổi làm việc.

Theo báo cáo của Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý tại buổi làm việc, Cổng Pháp luật Quốc gia được xây dựng với mục tiêu trở thành điểm truy cập chính thống, phục vụ người dân và doanh nghiệp trong việc tìm hiểu, hỏi đáp pháp luật, đảm bảo tính công khai, minh bạch và hiệu quả.

Đến ngày 01/6/2025, Cổng Pháp luật quốc gia sẽ chính thức khai trương với các tính năng cơ bản như: Phục vụ kịp thời, đầy đủ chính xác việc tra cứu thông tin pháp luật của người dân, doanh nghiệp; Giải đáp các câu hỏi của người dân, doanh nghiệp về các nội dung, tình huống pháp luật mà người dân, doanh nghiệp quan tâm và thực hiện việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về văn bản quy phạm pháp luật trên môi trường số bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, chính xác và phân định rõ trách nhiệm, nội dung, thời gian giải quyết của các cơ quan tổ chức, cá nhân có liên quan.

Sau ngày 01/6,Cổng Pháp luật Quốc gia tiếp tục được hoàn thiện các tính năng theo yêu cầu thực tiễn và chỉ đạo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Giao diện của Cổng pháp luật quốc gia sẽ gồm các chuyên mục như: Giới thiệu; Hệ thống văn bản pháp luật; Hỏi đáp pháp luật (giải đáp các khó khăn, vướng mắc cơ bản của người dân và doanh nghiệp; chat Chatbot AI); Phản ánh - Kiến nghị; Hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp; Hỏi đáp trực tuyến; Xây dựng chính sách, VBQPPL… Cổng Pháp luật quốc gia sẽ tích hợp với nền tảng VNeID để định danh, hỗ trợ người dân tiếp cận thông tin chính thống hai chiều.

Cổng Pháp luật Quốc gia không chỉ là kho dữ liệu, mà còn là công cụ hỗ trợ tương tác, phản hồi chính sách và nâng cao năng lực pháp lý cho doanh nghiệp. Khi được triển khai hiệu quả, Cổng Pháp luật quốc gia không chỉ góp phần tháo gỡ “điểm nghẽn” về thể chế, mà còn trở thành một hạ tầng pháp lý chiến lược, thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển lành mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh cùng các đơn vị có liên quan đã nghe đại diện Công ty công nghệ OSP báo cáo về việc xây dựng và tính năng của Cổng; trực tiếp xem Công ty cổ phần truyền thông Luật Việt Nam giới thiệu về việc vận hành ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để giải đáp các câu hỏi của người dân, doanh nghiệp; nghe Cục Kiểm tra văn bản và Quản lý xử lý vi phạm hành chính báo cáo tình hình vận hành thí điểm Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về văn bản quy phạm pháp luật.

Trao đổi tại buổi làm việc, Bộ trưởng ghi nhận khả năng xử lý khá hiệu quả của AI đối với những câu hỏi mà Bộ trưởng và các đại biểu đặt ra. Với dữ liệu được chuẩn hóa, khá đầy đủ và cập nhật của Luật Việt Nam, chatbot AI bước đầu đã thể hiện tiềm năng trở thành công cụ tương tác pháp luật, trả lời hiệu quả. Theo Bộ trưởng, đây là tiền đề quan trọng để Cổng Pháp luật quốc gia có thể phát huy vai trò là “trợ lý số” đáng tin cậy của người dân và doanh nghiệp trong thời đại chuyển đổi số.

Bộ trưởng gợi ý tên miền chính thức của Cổng là phapluat.gov.vn cho phiên bản tiếng Việt, vietnamlaw.gov.vn cho phiên bản tiếng Anh và giao Cục Công nghệ thông tin đăng ký tên miền. Giao diện phải được thiết kế lại theo hướng hiện đại, thân thiện với người dùng, trong đó các chức năng cốt lõi cần được làm nổi bật, không bị lấn át bởi các banner phụ. Khẩu hiệu của Cổng sẽ là: “Đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp bước vào kỷ nguyên mới” – thể hiện tinh thần cải cách, hướng đến phục vụ người dùng một cách thiết thực, hiệu quả.

Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh trao đổi tại buổi làm việc.

Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh trao đổi tại buổi làm việc.

Về nội dung, Bộ trưởng chỉ đạo xây dựng cấu trúc Cổng bao gồm nhiều chuyên mục quan trọng. Mục “Giới thiệu” được bố trí ở vị trí đầu giao diện, cung cấp thông tin về các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật; thư ngỏ từ Bộ trưởng Bộ Tư pháp; tin tức nổi bật liên quan đến hoạt động xây dựng pháp luật của lãnh đạo Đảng, Nhà nước – giao Báo Pháp luật Việt Nam chọn lọc, biên tập và cập nhật nội dung.

Bộ trưởng cũng cho ý kiến về các chuyên mục khác gồm hệ thống văn bản pháp luật; Phản ánh – Kiến nghị; Chính sách, văn bản mới; hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp; Lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013... Đồng thời đề nghị, Cổng sẽ có chuyên mục cập nhật hàng ngày về chính sách và văn bản mới, trong đó có các clip ngắn hoặc audio tóm tắt nội dung những văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, tác động lớn đến đời sống người dân, doanh nghiệp.

Ngoài ra, Bộ trưởng đề nghị bổ sung việc tích hợp các đường dẫn đến những trang thông tin điện tử quan trọng như Cổng thông tin Đảng Cộng sản Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam và Cổng thông tin Nghị quyết 57 về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Vũ Quang - Phương Mai

Đọc thêm