Du lịch Bạc Liêu đạt hơn 3.200 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bạc Liêu đã xác định du lịch là một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế-xã hội, là khâu đột phá trong phát triển kinh tế, là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội. Với sự phục hồi và bức phá mạnh mẽ trong năm 2022, trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bạc Liêu này đang ngày càng vững chắc hơn, trên hành trình trở thành một trong những trung tâm du lịch của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Thu hút 3.500 lượt khách Quốc tế

Du lịch Bạc Liêu đang từng bước được khôi phục và khởi sắc trở lại sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, góp phần tích cực thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển. Đồng thời, Bạc Liêu có 10 điểm du lịch tiêu biểu được Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long công nhận, tạo điểm nhấn cho du khách đến tham quan và đưa vào khai thác kết nối tour, tuyến du lịch với khu vực và cả nước.

Năm 2022, doanh thu dịch vụ, du lịch có bước tăng trưởng khá: Ước Doanh thu dịch vụ, du lịch đạt khoảng 3.250 tỷ đồng đạt 108% kế hoạch, tăng 155% so cùng kỳ; đón tiếp được khoảng 3.670.000 lượt khách đạt 111% kế hoạch, tăng 153% so cùng kỳ; trong đó có 1.650.000 lượt khách sử dụng dịch vụ lưu trú đạt 103% kế hoạch, tăng 184% so cùng kỳ; khách quốc tế ước đạt 3.500 lượt khách.

Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu diễn ra vừa qua, lượng khách đến Bạc Liêu tăng gấp hơn 10 lần so với những ngày bình thường.

Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu diễn ra vừa qua, lượng khách đến Bạc Liêu tăng gấp hơn 10 lần so với những ngày bình thường.

Đặc biệt, trong thời gian diễn ra Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu ( từ 27 - 29/11) , lượng khách đến Bạc Liêu tăng gấp hơn 10 lần so với những ngày bình thường, đạt khoảng 50.000 lượt khách đến tham quan, trong đó có trên 5.000 lượt khách sử dụng dịch vụ lưu trú.

Liên kết phát triển bền vững Tiểu vùng bán đảo Cà Mau

Ông Phan Thanh Duy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Du lịch Bạc Liêu có bước phát triển khá trong những năm vừa qua, lượng khách tăng trung bình khoảng 22%, tổng thu từ khách du lịch tăng trung bình khoảng 20%. Xét về quy mô số lượng khách hàng năm và tổng thu từ du lịch, Bạc Liêu hiện đang đứng thứ 5 so với các tỉnh, thành phố trong khu vực.

Hiện nay, Bạc Liêu có 10/43 điểm du lịch tiêu biểu được Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long công nhận (nhiều nhất so với các tỉnh, thành phố trong Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long). Bên cạnh việc phát triển các du lịch đặc thù thì Bạc Liêu đang quan tâm, quảng bá, hướng đến nâng cao thương hiệu, tạo sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh cao như: sản phẩm du lịch văn hóa gắn với giá trị đặc sắc của Bản Dạ cổ hoài lang và nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ; sản phẩm du lịch gắn liền với thương hiệu Công tử Bạc Liêu; sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh; thì hiện nay loại hình du lịch nông nghiệp - nông thôn, du lịch cộng đồng hướng đến thiên nhiên, trải nghiệm văn hóa bản địa nơi đến, đang là xu thế tìm kiếm hàng đầu của du khách”.

Bạc Liêu có 10/43 điểm du lịch tiêu biểu được Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long công nhận, trong đó có Chùa Xiêm Cán (nhiều nhất so với các tỉnh, thành phố trong Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long).

Bạc Liêu có 10/43 điểm du lịch tiêu biểu được Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long công nhận, trong đó có Chùa Xiêm Cán (nhiều nhất so với các tỉnh, thành phố trong Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long).

Cùng với đó, Bạc Liêu có nhiều công trình văn hóa, di tích lịch sử và phong tục tập quán hình thành từ sự gắn bó hòa quyện của cộng đồng 03 dân tộc Kinh - Khmer – Hoa, với các điểm du lịch nổi tiếng như: Nhà Công tử Bạc Liêu, khu Quán Âm Phật Đài, Chùa Xiêm Cán, Nhà thờ Tắc Sậy, Khu lưu niệm Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, cánh đồng điện gió trên biển... là những lợi thế đặc biệt, riêng có của du lịch Bạc Liêu; hiện đang trên đà phát triển rất tốt, là tiền đề đưa du lịch Bạc Liêu trở thành ngành kinh tế quan trọng, phấn đấu trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

“Trong thời gian tới, tỉnh Bạc Liêu tiếp tục đẩy mạnh đầu tư hạ tầng du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch. Tích cực mời gọi đầu tư, phát triển các khu, điểm du lịch, nhất là du lịch sinh thái ven biển, kết hợp với điện gió và dịch vụ giải trí cao cấp ven biển. Nâng cao tính chuyên nghiệp và chất lượng các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của tỉnh; xử lý dứt điểm tình trạng chặt chém, chèo kéo khách. Khuyến khích phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo, ấn tượng, mang dấu ấn riêng của tỉnh để thu hút khách du lịch. Đẩy mạnh triển khai thực hiện tốt liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long, liên kết phát triển bền vững Tiểu vùng bán đảo Cà Mau và mở rộng hợp tác với các tỉnh, thành trong cả nước” - ông Phan Thanh Duy thông tin.

Nâng cao thương hiệu, sản phẩm du lịch văn hóa gắn với giá trị đặc sắc của Bản Dạ cổ hoài lang và nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ.

Nâng cao thương hiệu, sản phẩm du lịch văn hóa gắn với giá trị đặc sắc của Bản Dạ cổ hoài lang và nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ.

Phát triển kinh tế - xã hội xanh, nhanh và bền vững

Mới đây, trong chương trình công tác tại Bạc Liêu vào ngày 4/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bạc Liêu về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, nhiệm vụ năm 2023 và những năm tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ rõ, với nhiều tiềm năng, lợi thế và cơ hội nổi trội trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bạc Liêu có đầy đủ yếu tố để phát triển kinh tế - xã hội xanh, nhanh và bền vững, đặc biệt về nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo và thương mại, dịch vụ, du lịch.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đồng tình, đánh giá cao, biểu dương Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, doanh nghiệp tỉnh Bạc Liêu đã nỗ lực, phát huy tiềm năng, thế mạnh đạt nhiều thành tựu rất quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Diện mạo và tiềm lực kinh tế của tỉnh có chuyển biến đáng kể, từng bước khẳng định vị thế trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần ngày càng quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước.

Bạc Liêu có đầy đủ yếu tố để phát triển kinh tế - xã hội xanh, nhanh và bền vững, đặc biệt về nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo…

Bạc Liêu có đầy đủ yếu tố để phát triển kinh tế - xã hội xanh, nhanh và bền vững, đặc biệt về nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo…

Ông Phạm Văn Thiều – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, nhấn mạnh: “Đặc biệt, với kết quả trên, là được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ và sự giúp đỡ của các Bộ, Ngành Trung ương, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; sự phối hợp giám sát chặt chẽ của HĐND tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, tinh thần đoàn kết, quyết tâm, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực đóng góp, giúp đỡ của các tổ chức, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã góp phần quan trọng và tạo động lực cho sự phát triển của Bạc Liêu”.

“Năm 2023, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh nền kinh tế. Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả 05 trụ cột phát triển tế - xã hội đã được xác định. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy; thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh; huy động các nguồn để đầu tư kết cấu hạ tầng. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy mới, sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số… mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh” - ông Phạm Văn Thiều cho biết.

Bạc Liêu xác định đến năm 2025 sẽ đón trên 7 triệu lượt khách, tổng doanh thu đạt trên 10.000 tỷ đồng, đóng góp 7-9% GRDP của tỉnh, giải quyết việc làm cho 30.000 lao động (trong đó 12.000 lao động trực tiếp); có 15 điểm du lịch, một khu du lịch cấp tỉnh được công nhận và nằm trong danh mục các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch quốc gia. Đến năm 2030, Bạc Liêu có ngành du lịch phát triển bền vững với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại và chuyên nghiệp; là một trong những trung tâm du lịch của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cả về quy mô và chất lượng; đón 12 triệu lượt khách, tổng doanh thu du lịch đạt 28 nghìn tỷ đồng, đóng góp 10,9% GRDP của tỉnh, giải quyết việc làm cho 50.000 lao động (20.000 lao động trực tiếp).