Dự hội thảo có Trần Ngọc Tam phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy, Nguyễn Văn Đức phó Chủ tịch UBND tỉnh, TS. Lê Thanh Phong phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội du lịch ĐBSCL, TS. Trần Ái Cầm phó Hiệu trưởng trường Đại học Nguyễn Tất Thành.
Theo ông Nguyễn Văn Đức phó Chủ tịch UBND tỉnh nhìn nhận, thực tế du lịch Bến Tre phát triển chậm, chưa xứng với tiềm năng hiện có. Lượng khách du lịch đến Bến Tre tăng về số lượng, nhưng doanh thu từ hoạt động du lịch chưa cao. Theo ông Đức nhiều sản phẩm du lịch còn đơn điệu, dịch vụ du lịch còn thấp, chưa kéo dài thời gian lưu trú của du khách khi đến Bến Tre.
Thời gian qua, tuy ngành du lịch Bến Tre có thúc đẩy hoạt động du lịch nhưng chưa mang tính đột phá.
Cũng theo phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, hướng phát triển du lịch của tỉnh là cung cấp các sản phẩm du lịch cho tất cả du khách trong cũng như ngoài nước. Bến Tre tập trung phát triển các sản phẩm du lịch tiềm năng bao gồm: cụm du lịch sinh thái và trải nghiệm văn hóa, cụm du lịch nghỉ dưỡng ven biển, cụm du lịch tâm linh, cụm loại du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm (MICE);….
Trong đó, tỉnh dự kiến sẽ hình thành các khu, điểm du lịch trọng điểm tại huyện Châu Thành; khu du lịch Sân chim Vàm Hồ; khu du lịch tại huyện Chợ Lách và khu du lịch nghỉ dưỡng tại huyện Thạnh Phú.
"Hội thảo là dịp để chúng ta cùng đánh giá thực trạng, tiềm năng và cơ hội để đưa du lịch Bến Tre trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đồng thời, tăng cường hợp tác, kết nối để khơi dậy và phát huy đúng tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực để phát triển. Gắn kết du lịch Bến Tre với du lịch trong khu vực ĐBSCL và các tỉnh, thành khác trên cả nước".
Quang cảnh buổi hội thảo. |
Tại hội thảo, đại biểu đã trình bày tham luận với các nội dung xoay quanh việc phát triển du lịch Bến Tre và ĐBSCL như: Phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch hợp lý để phát triển du lịch Bến Tre có trách nhiệm theo hướng bền vững; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch ĐBSCL; Bến Tre cần làm cuộc cách mạng công nghệ 4.0; xây dựng phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của Bến Tre; kết nối với các tỉnh ĐBSCL để khai thác du lịch đường sông, kết nối tuyến sông Mekong phát triển mạnh du lịch Bến Tre.
Đến năm 2020, tỉnh Bến Tre tiếp tục thực hiện các giải pháp trọng tâm, để cải thiện chất lượng bộ mặt của tỉnh đến năm 2025, các khu du lịch tâm linh đi vào hoạt động. Triển khai đồng bộ giải pháp phát triển nông nghiệp, tạo ra nhiều khu du lịch sinh thái đi vào hoạt động. Nông nghiệp sẽ gắn kết, tích hợp với du lịch để phát triển đồng bộ 2 lĩnh vực trong tổng thể.
Dự kiến đến năm 2045, các khu du lịch nghỉ dưỡng biển đi vào hoạt động, hệ sinh thái du lịch hoàn chỉnh với đa dạng các loại hình giải trí, nghỉ dưỡng, tâm linh thiết lập hội nghị, hội thảo, triển lãm lịch sử văn hóa và du lịch. Các dịch vụ du lịch kèm theo được cải thiện để đưa hình ảnh Bến Tre được rộng rãi đến bạn bè, du khách trong và ngoài nước.
Hội thảo đã diễn ra lễ ký kết hợp tác phát triển du lịch giữa Sở văn hóa, thể thao và du lịch với trường đại học Nguyễn Tất Thành, Hiệp hội Ẩm thực văn hóa Việt Nam, Công ty Vietravel, Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Trọng Điểm - Focus Travel.