Du lịch có trách nhiệm: Gắn kết 3 nhà

Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam vừa công bố định hướng mới trong du lịch Việt Nam - Du lịch có trách nhiệm (Responsible Travel - RT), trong đó, cư dân địa phương - doanh nghiệp - du khách là 3 thành phần trọng tâm tham gia, nhằm phát triển 3 loại hình: du lịch cộng đồng, du lịch gắn với xóa đói, giảm nghèo và du lịch sinh thái - văn hóa.

Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam vừa công bố định hướng mới trong du lịch Việt Nam - Du lịch có trách nhiệm (Responsible Travel - RT), trong đó, cư dân địa phương - doanh nghiệp - du khách là 3 thành phần trọng tâm tham gia, nhằm phát triển 3 loại hình: du lịch cộng đồng, du lịch gắn với xóa đói, giảm nghèo và du lịch sinh thái - văn hóa.

 

Du lịch có trách nhiệm không phải là phát kiến gì mới. Trong tuyên bố Cape Town (Nam Phi) năm 2002, RT được hiểu thống nhất là “những hoạt động và quá trình du lịch trực tiếp hoặc gián tiếp giảm thiểu tác động tiêu cực về kinh tế, xã hội, môi trường; mang lại lợi ích kinh tế nhiều hơn cho cư dân địa phương và nâng cao sự phồn thịnh cho cộng đồng điểm đến du lịch”.

 

Dù muộn, thế nhưng với diễn biến hoạt động du lịch hiện nay tại Việt Nam , RT được đặt ra lúc này là cần thiết và được hầu hết các địa phương, các doanh nghiệp du lịch quan tâm. Cách đây hơn 15 năm, khi Hội An trở thành một điểm du lịch thu hút và ngành nghề kinh doanh du lịch trở nên cực thịnh, Chủ tịch Hội An lúc bấy giờ là ông Nguyễn Sự đã từng đặt vấn đề “Toàn dân hưởng lợi từ du lịch”. Lúc này, Hội An thực hiện phương châm Nhà nước giữ vai trò “bà đỡ” bằng các biện pháp giãn thuế, đầu tư tổ chức lễ hội, nhằm thu hút du khách, đồng thời trùng tu, bảo tồn làm tăng giá trị của di tích... Ngược lại, doanh nghiệp du lịch hưởng lợi có trách nhiệm hỗ trợ lại người dân bằng cách phải mua tất cả các sản phẩm sản xuất trên địa bàn...  Chính nhờ vậy, từ một “thị xã dưỡng già”, Hội An được công nhận là di sản văn hóa thế giới duy nhất có cư dân sinh sống và trở thành điểm du lịch thu hút trên bản đồ thế giới.

 

Với cùng một điểm xuất phát, thậm chí vượt trội so với Hội An, hai di sản văn hóa thế giới láng giềng tại miền Trung là kinh đô Huế và thánh địa Mỹ Sơn lại dường như nan giải hơn. Ví dụ ở Huế, trải qua 5 kỳ festival, có quy mô và kinh phí mang tầm... quốc tế, đến nay thực tế hiệu quả trực tiếp mang lại là một thương hiệu mạnh, nhưng lợi ích kinh tế chỉ quẩn quanh chuyện buồng phòng, lưu trú; phạm vi thụ hưởng lợi ích là người dân trong vùng di sản gần như không bao nhiêu. Những cố gắng mở rộng không gian du lịch ra khu vực nhà vườn, làng cổ qua các lần festival cũng không đủ bù đắp được các tác động tiêu cực đến kiến trúc cũng như đời sống văn hóa tại đây. Ở thánh địa Mỹ Sơn, sự hư hại nghiêm trọng của di tích tăng tỷ lệ thuận theo con số du khách đến tham quan di sản thế giới này. Ngoài vài tỷ đồng /năm thu từ tiền bán vé vào cổng, không một lợi ích đáng kể nào nữa được ghi nhận để xác tín rằng du lịch góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực về kinh tế, xã hội, môi trường; mang lại lợi ích kinh tế nhiều hơn cho cư dân địa phương. Và nhìn rộng ra một chút, không chỉ dừng ở đây, mỗi năm hàng nghìn lễ hội lớn nhỏ khắp nước, ném nhiều tỷ đồng qua “ cửa sổ”, nhưng những gì từ các hoạt động văn hóa này mang lại là đạo đức xã hội tại đây có khuynh hướng suy bại hơn; quan hệ giữa các cá nhân trong cộng đồng ngày càng trở nên lỏng lẻo...

 

Do vậy, RT do ViệnNghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam đề ra còn như một cảnh báo cần phải có một kiểm điểm lại những gì từ du lịch mang đến, có tác động tốt đến môi trường văn hóa, sinh thái và sự tồn vong của các di tích hay ngược lại.

 

Tiếc rằng sau hơn 25 năm mở cửa đón du khách, các ngành liên quan chỉ quan tâm đến con số du khách vào nước ta năm nay là bao nhiêu, tăng - giảm trong doanh thu thế nào… chứ không hề tính toán, đong đếm sự thiệt hại không khôi phục nổi của văn hóa vật thể, phi vật thể đang diễn ra khắp các vùng miền.

 

Vì vậy, định hướng du lịch có trách nhiệm của Viện Phát triển du lịch thay vì như một gợi ý, cơ quan quản lý Nhà nước phải nhanh chóng tổ chức một khảo sát nghiêm túc về lợi ích của ngành công nghiệp không khói cùng với những thiệt hại từ đó mang lại, hầu có một định hướng đúng của hoạt động này trong tương lai.

Đọc thêm