Du lịch cửa khẩu - dư địa phát triển rộng mở

(PLVN) - Hầu hết các cửa khẩu quốc tế Việt Nam nằm ở các địa phương biên giới sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh, giao thoa văn hoá, ẩm thực đặc sắc, tạo điều kiện cho các hoạt động thương mại, du lịch quốc tế sôi động giữa nước ta và nước bạn. Mới đây, việc cho vận hành thí điểm qua lại Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc) đã thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách trong và ngoài nước, góp phần thêm đa dạng cho các sản phẩm du lịch qua cửa khẩu hiện có.
Du khách qua lại tại Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc). (Ảnh: PV)
Du khách qua lại tại Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc). (Ảnh: PV)

Mô hình du lịch xanh qua biên giới

Việt Nam có đường biên giới đất liền dài, tiếp giáp với 3 nước Trung Quốc, Lào và Campuchia với hàng chục cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính. Hầu hết các cửa khẩu quốc tế của Việt Nam nằm ở các địa phương biên giới sở hữu lợi thế về giao thông, tiềm năng du lịch phong phú. Bên cạnh đó, sự giao thoa văn hoá giữa hai quốc gia và những danh lam thắng cảnh, nét đặc sắc văn hoá ở địa phương biên giới nước bạn cũng là điều thu hút đông đảo du khách Việt Nam đến với những cửa khẩu quốc tế.

Sản phẩm du lịch cửa khẩu đáng chú ý mới đây là vận hành thí điểm cho du khách qua lại Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc). Thời gian vận hành thí điểm là 1 năm, bắt đầu từ 9h00 giờ Hà Nội (10h00 giờ Bắc Kinh) ngày 15/9/2023 đến 16h00 giờ Hà Nội (17h00 giờ Bắc Kinh) ngày 14/9/2024. Du khách hai bên qua lại Khu cảnh quan tại lối qua lại khu vực Mốc 834/1. Du khách đi vào Khu cảnh quan hai bên sử dụng hộ chiếu (không cần visa), giấy thông hành xuất, nhập cảnh. Trong thời gian vận hành thí điểm, du khách từ phía Trung Quốc qua Khu cảnh quan phía Việt Nam và du khách từ phía Việt Nam qua Khu cảnh quan phía Trung Quốc phải tuân thủ lộ trình nhất định. Thời gian dừng chân của mỗi đoàn tại phía đối phương không được vượt quá 5 giờ, nghiêm cấm du khách lưu trú trái phép.

Trao đổi với truyền thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Trịnh Trường Huy cho biết, mô hình hợp tác bảo vệ tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc) là mô hình mới, chưa có tiền lệ. Việc hai nước hoàn thành ký kết Hiệp định Hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc) mang ý nghĩa to lớn trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, thể hiện sự thiện chí và quyết tâm của cả hai nước xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị hợp tác và phát triển. Theo đó, đây là sẽ mở đầu cho những hợp tác cấp cao, có trình độ cao giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc; tiếp tục hợp tác phát triển du lịch xanh qua biên giới, thúc đẩy phát triển kinh tế thương mại, giao lưu văn hóa, đáp ứng nhu cầu tốt hơn của nhân dân hai nước... Việc thí điểm mô hình du lịch qua biên giới mới góp phần thúc đẩy du lịch nội địa đến với tỉnh Cao Bằng và du lịch quốc tế giữa hai quốc gia.

Nhiều tiềm năng phát triển

Điểm danh các cửa khẩu quốc tế hiện nay của Việt Nam, tỉnh Quảng Ninh là một điểm đến nổi bật của loại hình du lịch cửa khẩu, với đường biên giới giáp với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) qua 3 cửa khẩu: Móng Cái (thành phố Móng Cái), Hoành Mô (huyện Bình Liêu), Bắc Phong Sinh (huyện Hải Hà). Bên cạnh đó, tỉnh còn có hệ thống giao thông phát triển, thúc đẩy kết nối du lịch. Điển hình như tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái được đưa vào hoạt động đã rút ngắn thời gian di chuyển từ Thủ đô tới các điểm đến di sản thiên nhiên thế giới và cửa khẩu bằng đường bộ. Sân bay Vân Đồn được đưa vào khai thác đã kết nối Quảng Ninh với các địa phương du lịch trọng điểm như TP Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và các quốc gia khác.

Ngoài ra, trên tuyến biên giới Việt - Lào, các cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị), Cha Lo (Quảng Bình), Bờ Y (Kon Tum) là những điểm nhấn với tiềm năng phát triển du lịch rất đa dạng, bao gồm các loại hình như tour caravan khám phá thiên nhiên, tour tham quan di tích lịch sử, tour nghỉ dưỡng ven biển... Với tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, cửa khẩu quốc tế Hà Tiên (Kiên Giang) từ lâu cũng trở thành điểm tham quan, du lịch nổi tiếng bởi sở hữu nhiều danh thắng và bãi tắm đẹp.

Khai thác các lợi thế sẵn có với hệ thống cửa khẩu trải dài cả nước, cảnh quan thiên nhiên đẹp, nền văn hóa đặc sắc, Việt Nam còn nhiều tiềm năng để phát triển các mô hình du lịch cửa khẩu mới, nhằm thúc đẩy du lịch nội địa và quốc tế. Tuy nhiên, đây cũng là mô hình cần sự quản lý, giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng, đơn vị dẫn tour, sự phối hợp giữa hai địa phương nước ta và nước bạn, nhằm ngăn ngừa những bất cập như: lợi dụng du lịch nhập cảnh trái phép, du lịch tự phát không được kiểm soát gây ảnh hưởng hình ảnh du lịch giữa hai địa phương...

Đọc thêm