Dù ở nội thành hay ngoại thành, nơi đâu cũng dễ dàng cảm nhận không khí tưng bừng mở hội và dòng người dập dìu du xuân. Đến với Đồ Sơn, mỗi du khách thỏa ước nguyện “lên rừng, xuống biển”, hòa vào dòng người tham quan, lễ đền, chùa cầu mong một năm may mắn.
Đình, chùa, miếu mạo ở Đồ Sơn khá nhiều, trải dài từ phường Vạn Hương đến phường Ngọc Hải. Xuân năm nay, người Đồ Sơn cũng như du khách thập phương chọn tuyến hành hương theo quan niệm truyền thống “lên rừng, xuống biển”. Ngày 4 tháng Giêng, hàng nghìn người hành trình “lên rừng” vãn cảnh và lễ chùa Tháp Tường Long trên đỉnh núi Ngọc (phường Ngọc Xuyên), với ngôi chùa mới đang được hoàn thành, khang trang, bề thế và công trình thời Lý tháp Tường Long đang được phỏng dựng. Có thể chọn một trong hai đường để lên chùa Tháp. Người đi bộ có thể men theo đường bậc thang từ khu vực đình Ngọc Xuyên để lên chùa và người đi mô tô, ô tô có thể theo đường công vụ xuất phát từ đường Lý Thánh Tông thuộc khu vực phường Vạn Sơn. Đường này chưa hoàn thiện nên khó đi và là thử thách với những xe gầm thấp hoặc người mới tập lái.
|
Đền Bà Đế (Đồ Sơn) luôn tấp nập du khách vào dịp đầu Xuân. Ảnh: Duy Lân |
Từ chùa Tháp, du khách “hạ sơn” để “xuống biển” tham gia lễ hội đền Bà Đế (Đông ngạc Đế bà Trịnh chúa phu nhân) tại phường Ngọc Hải. Ở Đồ Sơn, đây là nơi du khách thập phương đến nhiều nhất. Lễ hội đền Bà Đế được mở trong những ngày đầu xuân thu hút hàng nghìn lượt khách đến tham quan vãn cảnh và cầu cho năm mới làm ăn phát đạt. Năm nay khu vực cổng đền được làm mới khang trang, bề thế. Trong sân đền mới xây dựng nhà sắp lễ, khu vực nghỉ chân cho khách thập phương và các công trình vệ sinh công cộng. Ban tổ chức sử dụng hệ thống loa hướng dẫn để người dân và khách thập phương tiện việc vào ra, sắp lễ, tham quan cũng như phòng ngừa những bất trắc, mất trộm có thể xảy ra, hạn chế tối đa hiện tượng ăn xin, chèo kéo khách mua hàng. Tuy nhiên, việc thu phí trông giữ mỗi xe mô tô 5 nghìn đồng và người bán lễ, hàng hóa tràn ra lối đi vẫn còn, gây bất tiện và khó chịu cho du khách. Điều này cần được chấn chỉnh để lễ hội thật sự là điểm đến an toàn, đem lại nhiều niềm vui và may mắn đầu năm cho du khách.
Một hoạt động văn hoá- thể thao lớn tại Đồ Sơn cũng thu hút hàng nghìn người tham dự là hội đua thuyền rồng trên biển mở đầu cho mùa cá mới. Trong nhịp trống dồn, những chiếc thuyền rồng lướt trên mặt biển như khẳng định sức mạnh của con người trước thiên nhiên bao la. Lễ hội này cũng là dịp để ngư dân Đồ Sơn cầu cho mưa thuận gió hoà, người đi biển gặp nhiều may mắn.
|
Chùa Tháp Tường Long (quận Đồ Sơn) mới được đầu tư xây dựng, thu hút đông đảo du khách dịp đầu xuân. Ảnh: Duy Lân |
Du xuân với lễ hội ở các địa phương, trong đó có các điểm cầu may, cầu phúc ở Đồ Sơn là nét đẹp văn hoá của người dân Đồ Sơn cũng như du khách trong và ngoài thành phố từ bao đời nay. Đến Đồ Sơn, nhân dân và du khách không quên tìm về phường Vạn Hương- nơi có đền Nghè thờ Lục vị Tiên công của Đồ Sơn, nơi khởi thủy của lễ hội chọi trâu Đồ Sơn. Chính vì vậy, nhiều người ví rằng, đến Đồ Sơn mà chưa đến đền Nghè thì coi như chưa đến Đồ Sơn. Bên cạnh đó, nhân dân và du khách còn đến với đền Dấu ở Hòn Dấu thờ Nam Hải đại vương hay gọi là Lão đảo thần vương. Lễ hội của đền Dấu chính thức sẽ diễn ra vào các ngày 8,9,10 tháng 2 âm lịch, nhưng ngay những ngày sau Tết, nhân dân và du khách thập phương đã về thăm đền. Ngoài ra, trong những ngày xuân, ở Đồ Sơn, các lễ hội cũng được tổ chức ở nhiều đền chùa như đền Mẫu (Vạn Sơn) đình Ngọc (Ngọc Xuyên), đền Cô Chín (Ngọc Xuyên), chùa Hang (Vạn Sơn).
Trưởng Phòng Du lịch- Văn hóa và Thông tin Đồ Sơn Đỗ Văn Viết cho biết, ngay từ mồng 2 Tết, các cơ quan chức năng ở quận đã vào cuộc để quản lý các hoạt động lễ hội nền nếp, văn hoá và đúng với phong tục tập quán. Do vậy, trong những ngày đầu xuân, tuy lượng người đến đông, song đều bảo đảm an toàn, không xảy ra cháy nổ hay hành nghề mê tín dị đoan....
Văn Lượng