Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đề ra mục tiêu đến năm 2020, thu hút 1,5 triệu lượt khách, du lịch cơ bản thành ngành kinh tế mũi nhọn với sự phát triển có trọng tâm, trọng điểm, chuyên nghiệp, hiện đại; sản phẩm du lịch chất lượng, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa.
Đến nay, mục tiêu này đã được ngành du lịch tỉnh Hà Giang hoàn thành suất sắc. Theo đó, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 16%/năm; năm 2016, khách du lịch đến tỉnh mới đạt 853.746 lượt người, doanh thu đạt 795 tỷ đồng; năm 2020 con số này tăng lên trên 1,5 triệu lượt người, doanh thu đạt trên 1.500 tỷ đồng.
Toàn tỉnh 717 cơ sở lưu trú với gần 6.600 phòng, trong đó có 1 khách sạn 4 sao, 3 khách sạn 3 sao, 13 khách sạn 2 sao, 671 khách sạn, nhà nghỉ du lịch và homestay đạt tiêu chuẩn; một số khu du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao như: P’apiu resort xã Yên Định (Bắc Mê), H’Mông Village xã Đông Hà (Quản Bạ).
Ngoài ra, trong 5 năm qua, tỉnh Hà Giang đã giải ngân 23,7 tỷ đồng cho các tổ chức, cá nhân vay vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ du lịch. Đồng thời, tập trung phát triển mô hình du lịch homestay, khai thác giá trị văn hóa, làng nghề truyền thống. Đặc biệt, sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch đã tạo ra nhiều sinh kế, giúp người dân có thêm việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Cũng trong 5 năm qua, tỉnh đã tổ chức thành công các Hội nghị xúc tiến du lịch tại Nhật Bản; Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Cần Thơ; Châu Văn Sơn (Vân Nam, Trung Quốc); nâng cấp cổng thông tin điện tử du lịch bằng 2 ngôn ngữ Anh – Việt; quảng bá hình ảnh du lịch trên các phương tiện truyền thông; thực hiện hiệu quả Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và 6 tỉnh Việt Bắc; xây dựng và định vị thương hiệu du lịch gắn với hình ảnh Cao nguyên đá Đồng Văn, hoa Tam giác mạch, con đường Hạnh phúc.
Là tỉnh vùng cao khó khăn nhưng Hà Giang được thiên nhiên ưu đãi nguồn tài nguyên du lịch đa dạng với cảnh quan hùng vĩ, thơ mộng, đặc biệt là Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn có nhiều điểm đến hấp dẫn như: Núi đôi Quản Bạ, Cột cờ Quốc gia Lũng Cú, đèo Mã Pì Lèng, sông Nho quế, Dinh thự họ Vương.
Ngoài ra, tỉnh có dãy Tây Côn Lĩnh được ví như nóc nhà vùng Đông Bắc; Di sản Quốc gia Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì. Hà Giang cũng là vùng đất có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội độc đáo, đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, tỉnh đã xây dựng và phát triển nhiều sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn, chất lượng: du lịch trải nghiệm, khám phá, mạo hiểm, sinh thái, nghỉ dưỡng, lịch sử, tâm linh. Khám phá các làng văn hóa du lịch cộng đồng với sự trải nghiệm cùng cuộc sống người dân đồng bào dân tộc thiểu số.
“Phát triển du lịch gắn với phát triển bền vững” là 1 trong 5 chương trình trọng tâm, nhằm đưa du lịch Hà Giang trở thành địa bàn trọng điểm du lịch của vùng miền núi phía Bắc năm 2020. Đến năm 2030 du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Với các giải pháp đồng bộ và hữu hiệu, tỉnh Hà Giang tiếp tục phấn đấu đạt mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần nâng cao thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân. Đồng thời, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc của đồng bào các dân tộc nơi đây./.