Ra mắt nhiều sản phẩm du lịch độc đáo
Hà Nội đón 23,83 triệu lượt khách du lịch, tăng 9% so với năm 2016; khách quốc tế đạt 4,95 triệu lượt, tăng 23% so với năm 2016. Công suất sử dụng buồng phòng bình quân đạt 62,28%, tăng 3,26% so với năm 2016; tổng thu từ khách du lịch đạt 70.958 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2016, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ đạt 68%.
Du lịch Hà Nội được đánh giá, xếp hạng cao của các báo chí quốc tế. Cụ thể, du lịch Hà Nội xếp thứ 7 trong top 10 thành phố có lượng khách tăng nhanh nhất thế giới, đứng thứ 6 trong top những điểm đến hấp dẫn nhất thế giới, đứng thứ 3 trong top 20 điểm đến du khách muốn ghé thăm và xếp thứ 9/10 điểm đến dẫn đầu xu thế du lịch 2018.
Trong năm 2017, du lịch Hà Nội ra mắt hàng loạt sản phẩm du lịch đặc sắc. Đó là, tour đi bộ “Đi tìm dấu ấn phố nghề Thăng Long”. Các tour đi bộ miễn phí theo chủ đề là một trong những sản phẩm du lịch văn hóa ấn tượng, “Tuyến du lịch vàng Hà Nội” được kết nối từ các khách sạn lớn với nhiều điểm đến nổi bật như: Khu phố cổ, Hồ Hoàn Kiếm, Di tích nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Quảng trường Ba Đình, Chùa Một Cột, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hoàng thành Thăng Long, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam…
Sản phẩm du lịch với chủ đề “Truyền thống hiếu học”, với sản phẩm này, sau khi đến thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám, du khách sẽ tham quan Bảo tàng Mỹ thuật để cảm nhận những giá trị truyền thống hiếu học qua nhiều tác phẩm. Tour tham quan Nhà hát Lớn Hà Nội mang tên “Lịch sử, kiến trúc và nghệ thuật truyền thống”. Trong khoảng thời gian 90 phút, du khách sẽ được tham quan nhà hát và xem biểu diễn nghệ thuật. Ngoài ra còn có tour “Cảm xúc Hà Nội”, “Hành trình qua các kinh đô Việt cổ”…
Những chuyến hành trình văn hóa- lịch sử độc đáo này đang góp phần tạo nên sự đa dạng cho du lịch Thủ đô. Đây cũng sẽ là mô hình thí điểm trong việc xây dựng chuỗi các tour du lịch độc đáo hơn cho du khách khi tới thăm mảnh đất ngàn năm văn hiến.
Sở Du lịch Hà Nội cũng tích cực tham mưu cho UBND thành phố kêu gọi đầu tư, đôn đốc tiến độ các dự án, sản phẩm du lịch tiêu biểu như: Công viên văn hóa, du lịch, vui chơi Kim Quy đạt tiêu chuẩn quốc tế; Dự án xây dựng Trung tâm Hội nghị Triển lãm Quốc tế tại Đông Anh; Quy hoạch trục Nội Bài - Nhật Tân với khu công viên, vui chơi giải trí, hồ điều hòa; Khu công viên thể thao thuộc dự án du lịch, vui chơi giải trí, đô thị sinh thái Tuần Châu (huyện Quốc Oai).
Phê duyệt nhiệm vụ thực hiện dự án bảo tồn, phát huy giá trị làng nghề gốm sứ Bát Tràng, làng nghề dệt lụa Vạn Phúc thành điểm du lịch đạt tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế; đầu tư xây dựng 20 khách sạn cao cấp 4- 5 sao trên địa bàn thành phố. Đồng thời trên cơ sở ký kết hợp tác với các địa phương trong các nước tiến hành phối hợp khảo sát, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lữ hành xây dựng các sản phẩm tour du lịch liên kết, kết nối các điểm đến du lịch của Hà Nội với các tỉnh, thành: Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Hà Tĩnh...
Năm 2017, Sở Du lịch Hà Nội đã triển khai chương trình hợp tác với mạng tin tức truyền hình cáp CNN. Hiện du lịch Hà Nội đã hoàn thành sản xuất và phát sóng 2 phim quảng cáo 30 giây quảng bá thành phố Hà Nội; Chương trình chuyên đề “My Ha Noi/Hà Nội của tôi”; chương trình “CNN EcoSolution/Nội dung Hà Nội”, phát sóng trên kênh CNN quốc tế tại 4 khu vực trên thế giới.
Đưa làng nghề thành điểm du lịch đạt chuẩn quốc tế
Năm 2018, Hà Nội đặt ra mục tiêu đón 25,4 triệu lượt khách du lịch, tăng 7% so với năm 2017, trong đó lượng khách quốc tế đạt 5,5 triệu lượt, tăng 11% so với năm 2017. Tổng thu từ khách du lịch phấn đấu đạt 75.783 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2017.
Theo đó, thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội sẽ phối hợp với Sở Quy hoạch- Kiến trúc Hà Nội và các địa phương thực hiện nghiên cứu lập phương án quy hoạch kiến trúc khu vực xung quanh và mặt nước hồ Tây để tiến tới phát triển các sản phẩm du lịch tại đây. Sở Du lịch Hà Nội vẫn phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục triển khai dự án bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại làng gốm sứ Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc, làng cổ Đường Lâm, đưa những nơi này thành điểm du lịch đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế. Sở Du lịch Hà Nội đang lựa chọn các nhà đầu tư chiến lược để cùng phát triển các sản phẩm du lịch tại khu vực bãi giữa và hai bên sông Hồng, khu vực Nhật Tân- Nội Bài, Khu du lịch Ba Vì - Suối Hai…
Du lịch Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh phát triển các sản phẩm trên cơ sở các điểm đến đặc trưng, độc đáo, riêng có của Hà Nội để quảng bá, thu hút khách như: Khu Di sản thế giới Hoàng Thành Thăng Long, Khu di tích Văn Miếu- Quốc Tử Giám, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, du lịch phố cổ…
Bên cạnh đó, Sở Du lịch Hà Nội sẽ hỗ trợ các đơn vị nghệ thuật của trung ương và thành phố xây dựng một số điểm cố định biểu diễn nghệ thuật truyền thống như ca trù, múa rối, hát chèo, chầu văn… nhằm kết nối tour, tuyến du lịch tham quan di tích và thưởng thức nghệ thuật chất lượng cao. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác quảng bá xúc tiến như hợp tác quảng bá du lịch Hà Nội trên kênh truyền hình CNN với 3 clip quảng bá thời lượng 30 giây trong năm 2018.
Ông Trần Đức Hải - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho hay, du lịch Hà Nội sẽ triển khai thực hiện hiệu quả Luật Du lịch 2017, Nghị quyết số 08-NQ/TƯ ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 26/6/2016 của Thành ủy Hà Nội về phát triển du lịch Thủ đô giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo.