Du lịch mùa lũ - làm sao cho an toàn?

(PLVN) - Mùa lũ đến, nhiều điểm du lịch miền Trung trở nên lạ lẫm hơn khi ngập trong nước. Du lịch một lần nữa rơi vào cảnh đình trệ. Người dân lại nảy những sáng kiến về các tour du lịch kiểu “sống chung với lũ”. 
Tour du lịch Hội An mùa lũ. (Ảnh B.D).
Tour du lịch Hội An mùa lũ. (Ảnh B.D).

Những tour này không chỉ giúp người dân kiếm thêm thu nhập trải qua giai đoạn khó khăn, mà còn khiến du khách thấm thía hơn cuộc sống nơi đây. Dù vậy, những ngày qua, cộng đồng đã bày tỏ nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến loại hình này.

“Cái khó ló cái khôn”

Những ngày qua, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh nhiều điểm đến nổi tiếng, trong đó có phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam), bị ngập trong nước do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài. Những nơi ngập sâu, người dân ra khỏi nhà phải dùng ghe, thuyền để di chuyển. Đối với người dân nơi đây, mỗi mùa mưa lũ, hình ảnh này đã trở nên quá quen thuộc.

Các tuyến phố lớn như Trần Hưng Đạo, Trần Phú, Lê Lợi, Hai Bà Trưng... mênh mông nước, còn có thể thấy cá bơi. Sau khi nước rút, còn có thể thấy các tuyến đường tràn ngập bùn đất, cây cối nghiêng ngả, hàng dừa ven biển bị sóng đánh phơi gốc. 

Tuy nhiên, trong con mắt của nhiều khách du lịch, đây lại là một trải nghiệm lạ lẫm, thậm chí là thú vị. Bởi lẽ chỉ khi được chứng kiến và trải qua những điều này họ mới thấm thía sâu sắc được nỗi khó khăn của những người dân sống ở vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Không ít khách du lịch, gồm cả khách trong và ngoài nước, đã bỏ tiền để thuê ghe, thuyền hoặc lội bộ để được trải nghiệm cảm giác du lịch mùa mưa lũ ở Hội An. Nhiều du khách Hà Nội chia sẻ họ còn cố tình nán lại Hội An để được chứng kiến thêm về cảnh tượng hiếm thấy ở đô thị mình sinh sống, chứ không hề bị “mắc kẹt” lại. 

Người dân nơi đây cũng tranh thủ dịp này để kiếm thêm thu nhập vượt qua giai đoạn khó khăn. Cái giá cho trải nghiệm này khoảng từ 40.000 - 200.000 đồng một người. Nhiều du khách chia sẻ rằng sau trải nghiệm họ cảm thấy “khác lạ”, “trầm mặc”, hoặc “bình yên nhưng buồn bã” trước cảnh tượng “biển trời giao thoa” này.

Tài khoản Facebook Trang Phạm chia sẻ: “Chúng ta có thể nghe nhiều, xem nhiều trên báo đài về những thành phố hàng năm phải gồng gánh vượt qua thiên tai, bão lũ nhưng không phải ai cũng có cơ hội được trải qua điều này”.

Trên thực tế, du lịch kiểu “sống chung với lũ” không hề mới. Người dân An Giang cũng đã quen với thiên tai gối vụ, dần hình thành thói quen và thái độ tích cực khi mùa lũ về, cũng như tìm hướng mưu sinh để “bám đất, bám đồng”.

Được biết, mùa lũ ở An Giang mỗi năm kéo dài từ 2-3 tháng (từ tháng 8-10), khiến các rừng tràm nước ngập ngang thân cây, các con đường cũng trở thành các dòng sông, nước ngập trắng cả đồng ruộng. Lúc này, người nông dân An Giang lại “biến mình” thành những ngư dân và những hướng dẫn viên du lịch. Họ ra kênh rạch bắt tôm cá, thu lượm các loại rau cỏ sống được trong nước thay vì thu hoạch hoa màu.

Họ chèo ghe, thuyền để vận chuyển, mua bán hàng hoá, thức ăn cho sinh hoạt và công việc hàng ngày. Nhiều năm nay, đây đã trở thành một thương hiệu của xứ sở miền Tây này, hấp dẫn nhiều du khách đến trải nghiệm du lịch mùa nước nổi, thưởng thức những món ăn đậm phong vị vùng miền như cá linh, bông súng, điên điển…

Nhìn nhận tiềm năng từ du lịch sông nước mùa nước nổi kết hợp với du lịch cộng đồng, ông Phạm Thế Triều – Phó Giám đốc Sở VHTT&DL An Giang cho biết: “An Giang là nơi dòng sông Mê Kông chảy vào thành 2 nhánh sông Tiền và sông Hậu, vì vậy đây chính là nơi thích hợp để xây dựng những sản phẩm du lịch vào mùa nước nổi. Mùa lũ về kéo theo 2 mặt, nếu như không chuẩn bị kỹ nó sẽ tàn phá và gây hại nặng nề tới cuộc sống của người dân, nhưng nếu tính toán tốt thì sẽ là mùa làm giàu”. 

An toàn là trên hết

Du lịch mùa mưa lũ không dành cho tất cả mọi người, bởi không phải kiểu du lịch trải nghiệm cảm giác mạnh hay du lịch nghỉ dưỡng. Khi hình ảnh du khách dạo quanh phố cổ Hội An bằng ghe thuyền trong mùa lũ, nhiều cư dân mạng đã bày tỏ sự phản đối, cho rằng điều này rất nguy hiểm. 

Hội An mùa lũ.
Hội An mùa lũ. 

Đơn cử, tài khoản Tommy Đỗ bình luận: “An toàn là trên hết, từ đầu mùa lũ đến giờ đã xảy ra nhiều việc đau lòng. Quảng bá và khôi phục du lịch nhưng cần cân nhắc kỹ lưỡng”. Tài khoản Y Thanh bất bình: “Sự cố xảy ra thì ai chịu trách nhiệm! Cái áo phao chỉ là cọng cỏ đối với lũ!”.

Tài khoản Lannguyen cho hay: “Tôi thấy phản cảm. Lũ lụt ở miền Trung không phải kiểu mùa nước nổi ở miền Tây” … Cũng như rất nhiều ý kiến đánh giá “hoàn toàn không ổn” với loại hình du lịch này. 

Mặt khác, cũng có những ý kiến cho rằng đây là một dạng trải nghiệm cùng cộng đồng địa phương để chia sẻ và thấu hiểu thêm khó khăn của họ. Nhiều du khách gọi đây là kiểu “du lịch tình thế” bởi sự thay đổi thời tiết tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe doạ an toàn nếu không được chuẩn bị kĩ lưỡng.

Do đó, người dân cũng như du khách phải theo dõi kỹ lưỡng những khuyến cáo và thông tin chính thống từ báo đài, chính quyền địa phương, đặt an toàn là yếu tố tiên quyết. Việc chia sẻ này phần nào cũng tiếp thêm động lực cho người dân địa phương vượt qua giai đoạn bão lũ.

Thiết nghĩ, với đặc thù khí hậu của các vùng miền, việc xác định sản phẩm du lịch đặc trưng đều cần được xem xét kỹ lưỡng về tính an toàn, tính khả thi cũng như tác động về mặt kinh tế, xã hội. Có thể ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hàng năm mùa lũ về có thể khiến phong cảnh thiên nhiên trở nên độc đáo hơn mà những tỉnh, thành khác không có được, trở thành một lợi thế thu hút các công ty lữ hành và du khách thập phương. 

Tuy nhiên muốn khai thác được lợi thế này, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân cần có sự hợp tác trên mọi mặt để vừa có thể ứng phó kịp thời với thay đổi thời tiết vừa làm tốt du lịch. Ở các tỉnh miền Trung, đặc thù khí hậu khác biệt, việc khai thác các sản phẩm du lịch mùa lũ cũng cần được xem xét, tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo sự an toàn của du khách và người dân lên hàng đầu. 

Vấn đề khai thác du lịch trong mùa lũ không phải bây giờ mới được nhắc đến. Cách đây không lâu có một nhóm các nhà khoa học trẻ do TS. KTS Nguyễn Thu Hạnh – Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững (STDe) đứng đầu đã hình thành dự án “Phát triển sản phẩm du lịch từ mưa, bão, lụt tại miền Trung Việt Nam”.
Trong đó, ngoài sản phẩm du lịch từ lũ lụt tại Hội An (Quảng Nam), còn có ý tưởng độc đáo về mưa ở Huế, bão ở Đà Nẵng. Vào mùa mưa bão, Huế, Đà Nẵng và Hội An cũng là 3 địa bàn thu hút lượng du khách đông nhất. 

Đọc thêm