Du lịch nhà cổ - di sản “ngủ quên”?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhiều hệ thống nhà cổ có giá trị được công nhận là Di sản Văn hoá thế giới, nay lại rơi vào tình cảnh “kêu cứu” vì tình trạng xuống cấp trầm trọng. Bảo tồn và phát huy hệ thống nhà cổ là cách để khai phá tiềm năng cho du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.
 Nhà cổ là một trong những điểm nhấn tạo nên dấu ấn du lịch Hội An.
Nhà cổ là một trong những điểm nhấn tạo nên dấu ấn du lịch Hội An.

Tiềm năng còn bỏ ngỏ

Nước ta không thiếu những căn nhà cổ nổi tiếng và gắn liền với tên tuổi địa điểm du lịch như nhà cổ Đường Lâm, nhà cổ Hội An hay nổi bật nhất là hệ thống nhà phố cổ Hà Nội. Nhà cổ ở Việt Nam không chỉ đa dạng về nguồn gốc, kiểu cách, kiến trúc, vật liệu mà còn gắn với từng câu chuyện hình thành khác nhau.

Hệ thống nhà cổ của Việt Nam không chỉ là những căn nhà 3 - 5 - 7 gian cổ truyền mà còn là những công trình nhà cổ được xây dựng theo lối kiến trúc Pháp, gắn với tên tuổi của những thủ phủ miệt vườn. Đến nay, nhiều công trình vẫn lưu giữ được những giá trị lịch sử, vừa là giá trị văn hoá, tiềm năng lớn để phát triển các hoạt động du lịch.

Chẳng hạn, ngôi nhà cổ Bình Thủy ở thành phố Cần Thơ là ngôi nhà gỗ năm gian hai mái, được gia đình họ Dương xây dựng vào năm 1870. Ngôi nhà được thiết kế theo phong cách Pháp nhìn từ bên ngoài nhưng bên trong lại được xây dựng theo kiểu truyền thống với cách bài trí mang đậm bản sắc gia đình Việt. Trong khi đó, tại Bạc Liêu, theo báo cáo kiểm kê di sản văn hóa của Bảo tàng tỉnh, có 1 quần thể công trình kiến trúc phố chợ và 21 công trình kiến trúc đơn lẻ được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.

Tuy đa dạng nhưng điểm hạn chế trong việc phát triển du lịch làng cổ là chưa khai thác thành công các giá trị văn hoá gắn với phát triển du lịch. Mặt khác, nhà cổ du lịch cũng phải đối mặt với tình trạng xuống cấp và thiếu vốn để tu sửa. Chẳng hạn, trong số 40 ngôi nhà cổ ở Bạc Liêu, nhiều căn chưa phát huy được tiềm năng để đưa vào phục vụ du lịch, một số căn đã xuống cấp nghiêm trọng. Điển hình là ngôi nhà cổ số 59 (kề bên phủ thờ dòng họ Cao Triều).

Mặt khác, hệ thống du lịch nhà cổ hiện nay mới chỉ khoanh vùng trong riêng mỗi làng, xã, thậm chí thu hẹp hơn trong từng không gian nhà cổ riêng biệt mà thiếu đi tính kết nối cộng đồng. Du lịch sinh thái đa phần vẫn là trải nghiệm hoạt động trong nhà cổ, khám phá kiến trúc qua nghe – nhìn là chủ yếu, dịch vụ du lịch kém phát triển. Trong khi đó, nhà cổ đô thị lại chịu cảnh bị không gian đô thị xây dựng lấn chiếm, cảnh quan xung quanh bị xâm phạm nặng nề. Nhiều căn nhà "lọt thỏm" trong khu dân cư xây dựng mới không quy hoạch, xóa sạch cả di tích không gian vườn tược, ao hồ.

Ông Huỳnh Chí Trung du khách từ TP. HCM chia sẻ: “Phần lớn khách du lịch đến Bạc Liêu vào dịp cuối tuần. Ngoài việc tìm hiểu các điểm du lịch tiêu biểu khác thì những ngôi nhà cổ cũng gợi sự hiếu kỳ, hấp dẫn du khách. Nhưng nhiều ngôi nhà là trụ sở của các cơ quan lại đóng cửa, còn nhà cổ của người dân thì ngại cho khách tham quan. Rất khó khăn để tìm được địa chỉ của các nhà cổ, song đến nơi thì chúng tôi phải “tay không ra về”. Ông Châu Ngọc Sinh - Phó trưởng Ban Quản lý di tích tỉnh Bạc Liêu: cho biết: “Nhiều căn nhà cổ do người dân quản lý và ở tại đó, người dân cứ nghĩ Nhà nước bỏ tiền ra trùng tu, tôn tạo thì Nhà nước sẽ quản lý luôn, nên bà con không thiết tha”.

Sự xuống cấp của nhà cổ du lịch thể hiện rõ ràng trong hệ thống nhà phố cổ Hà Nội, vốn không phải là điều mới. Những căn nhà này trải qua biến thiên của lịch sử, giờ đây thường ở trong tình trạng đa sở hữu tức là nhiều gia đình sống cùng trong một ngôi nhà, số nhà. Nhiều ngôi nhà đã cũ kỹ, không được sửa chữa hay nâng cấp tạo phần nhếch nhác cho bộ mặt của phố cổ.

Bảo tồn kịp thời, đúng cách

Mới đây, câu chuyện về việc bảo tồn nhà cổ thuộc ngôi làng Naganeupseong tại Hàn Quốc đã được truyền thông Việt Nam đưa tin như là một bài học của việc bảo tồn những kiến trúc cổ. Những ngôi nhà có kiến trúc hình nấm độc đáo tồn tại đã 700 năm từ thời vua vẫn còn nguyên vẹn cho đến nay.

Thay vì bảo tồn và tránh xâm hại hiện vật như những bảo tàng, những ngôi nhà cổ ở đây được bảo tồn gắn liền với đời sống sinh hoạt của người dân. Ngày nay, tại đây có khoảng 85 hộ dân với 200 nhân khẩu sinh sống và kiến trúc không gian nhà cổ với mái tranh, đá không vữa vẫn nguyên vẹn. Du khách khi đến đây được trải nghiệm cảm giác hoàn toàn khác lạ. Những ngôi nhà mái tranh màu xám bạc, tường đất, phía trước có một khoảng sân đất nện nhỏ..., tất cả đều mang một màu hoài cổ nhắc nhớ về giá trị lịch sử của ngôi làng.

Để hoạt động du lịch nhà cổ nổi bật hơn, cần đa dạng hóa sản phẩm du lịch tại nhà cổ gắn với không gian làng, xã, bản sắc văn hoá như: Trải nghiệm làm nghề truyền thống, giao lưu văn hóa thông qua các lễ hội truyền thống, các “telling story – tour” từ các hướng dẫn viên du lịch bản địa như già làng, nghệ nhân.

Theo ông Trần Long - Công ty cổ phần du lịch Việt, hiện rất thiếu những điểm tham quan cho du khách, đặc biệt là du khách quốc tế, dẫn đến việc thời gian lưu trú của khách rất ngắn. Nếu có thêm điểm tham quan như khai thác nhà cổ sẽ vừa có thêm những sản phẩm du lịch đậm chất văn hóa, vừa hiệu quả về mặt kinh tế vì kéo được khách lưu lại thêm tuy nhiên phải chú ý đến việc gìn giữ những nét đặc trưng, tinh hoa của không gian cổ; đào tạo, tập huấn các nghệ nhân, già làng về kỹ năng truyền đạt, hướng dẫn, giao tiếp với khách du lịch, đặc biệt là ngoại ngữ thông dụng.

Trong xu thế mới, việc ứng dụng công nghệ số để phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch nhằm cung cấp tiện ích và gia tăng trải nghiệm cho khách du lịch tại nhà cổ và khu vực lân cận sẽ góp phần bảo tồn và phát huy tiềm năng cho du lịch. Thái Ngân