Những đài tưởng niệm của đau thương và tội ác
Ở Belfast - thủ phủ của Bắc Ailen, du khách sẽ không khỏi ngạc nhiên khi thấy những chiếc taxi màu đen đi lại trên đường phố. Những chiếc taxi màu đen này có lộ trình đặc biệt, được biết tới với cái tên “The black taxi tour” (tạm dịch: tua du lịch trên chiếc taxi màu đen), sẽ đưa du khách tới những địa điểm tưởng niệm lịch sử đau thương ở thành phố và đất nước này.
Chiếc taxi màu đen đi qua những bức bích họa được những họa sĩ tự do vẽ trên tường các ngôi nhà ghi lại lịch sử đất nước này; ví như nạn đói Gorta Mór xảy ra năm 1845 do dịch bệnh khoai tây hoành hành ở Châu Âu thời đó, hơn một triệu người nông dân Ailen thiệt mạng nhưng đối ngược với đó là hình ảnh người Anh vẫn sống thoải mái và no đủ, dẫn đến cuộc nổi dậy của người dân Ailen chống lại thực dân Anh sau đó, đến Cuộc Xung đột vũ trang tại Bắc Ailen năm 1960 – 1968.
Chiếc xe cũng đi qua những con phố, ngõ hẻm từng xảy ra ngày Chủ nhật đẫm máu hay còn gọi vụ thảm sát Bogside năm 1972; hoặc đưa khách tới thăm mộ những người tình nguyện của Đảng Cộng hòa đã hi sinh và được chôn cất tại nghĩa trang Milltown; hay đến Vườn tưởng niệm RUC – nơi “ghi lại” những hi sinh của lực lượng cảnh sát Hoàng gia Ulster qua các cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước; hoặc bảo tàng Titanic - nơi tái hiện lại vụ đắm tàu kinh khủng năm 1912…
Không chỉ ở Ailen mà từ lâu, những địa điểm từng xảy ra những thảm họa, những tội ác đã được nhiều quốc gia bảo tồn như là đài tưởng niệm về những đau thương, mất mát và sai lầm trong quá khứ. Những điểm đến này cũng thu hút sự quan tâm của du khách trong nhiều năm gần đây, được nhiều nước quan tâm bởi ý nghĩa to lớn của loại hình du lịch này – không chỉ mang đến cho du khách sự hiểu biết về lịch sử, bảo tồn những giá trị nhân văn nhân đạo của quá khứ, giúp thúc đẩy kinh tế qua du lịch; mà còn là một công cụ giáo dục cho các thế hệ tương lai sự hiểu biết, lòng biết ơn, lòng bao dung.
Đơn cử, hầm mộ La Mã được coi là một điểm du lịch đáng kính trong nhiều thế kỷ, mà nhiều blog du lịch, báo đài, tạp chí đưa lên hàng đầu danh sách những điểm đến rùng rợn mà các du khách nên thăm quan một lần. Mặt khác, chỉ riêng trong thế kỷ 20 cũng có thể soạn ra một danh sách dài những nơi mà chiến tranh, tội ác hoặc mất mát đã từng hoặc đang xảy ra.
Từ các điểm đến như nơi mà tổng thống Mỹ John F. Kennedy đã bị ám sát, nhà tù Alcatraz và Robben ở San Francisco (Mỹ), đến các chiến trường của Thế chiến I và Thế chiến II, hoặc vết tích của những cuộc diệt chủng loài người ở Auschwitz-Birkenau (Ba Lan), Tuol Sleng (Phnom Penh, Campuchia).
Đặc biệt, các trại tập trung và các địa điểm gắn liền với cuộc tàn sát của Đức quốc xã với người Do Thái luôn có một sức hấp dẫn lớn. Chỉ riêng trại tập trung Auschwitz (Ba Lan) ghi nhận hơn một triệu du khách mỗi năm; hay trại tập trung Sachsenhausen ở phía bắc Berlin (Đức) cũng đạt gần 400.000 du khách mỗi năm.
Ở châu Phi, nổi bật nhất là chuyến du lịch tham quan các nhà tù ở đảo Robin (Cộng hòa Nam Phi) – nơi vị lãnh tụ Nelson Mandela đã trải qua 18 năm giam cầm với nhiều người tù khác, trong đó trình bày rõ ràng cách thức người tù bị giam cầm bởi một chế độ chính trị lũng đoạn và phân biệt đối xử chủng tộc như thế nào và con đường đấu tranh vì hòa bình.
Hay các tour du lịch tới thị trấn Soweto ở Johannesburg (Cộng hòa Nam Phi) nơi xảy ra cuộc biểu tình của gần 20.000 học sinh da đen và kết thúc bằng sự đàn áp thô bạo, cũng đóng vai trò như một phương tiện để qua đó các thế hệ người Nam Phi sau này có thể hiểu rõ hơn về đất nước của họ trong quá khứ đen tối. Đó là sự thật không thể chối bỏ, đồng thời cũng là nền tảng để thiết lập sự thấu hiểu và hòa giải cho tương lai.
“Xu hướng du lịch này là sự ảnh hưởng của một xã hội truyền thông đại chúng mạnh mẽ và nền kinh tế tin tức 24 giờ” - Neil Robinson, giảng viên tại Đại học Salford (Anh) cho ý kiến với tờ The Conversation - “Internet, Facebook, hay Twitter đã giúp nâng cao nhận thức của mọi người về những điểm đến lịch sử cũng như niềm đam mê của họ đối với vấn đề chiến tranh, xung đột và thảm họa.
Ví dụ, thập kỷ vừa qua chúng ta đã thấy sự gia tăng vượt bậc về số lượng du khách tới nhà máy điện nguyên tử Chernobyl (Ukraina), hướng dẫn viên đưa du khách đi thăm quan thành phố Pripyat từng hưng thịnh nay đã bị bỏ hoang kể từ vụ nổ năm 1986, trong phạm vi những nơi mức độ phóng xạ cho phép người vào. Thậm chí, ngày kỷ niệm 30 năm cũng trở thành một sự kiện du lịch, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách quốc tế.”
Đảo Alcatraz ( San Francisco) cũng là một địa điểm du lịch nóng |
“Thương mại hóa” nỗi đau và chết chóc – nên không?
Nhiều người cho rằng hình thức du lịch này có thể phi đạo đức, phản cảm khi nỗi đau, cái chết và sự hủy diệt được coi như một dạng hàng hóa được tiêu thụ. Trong khi đó, ít người tham quan suy nghĩ về những người đã mất và thức tỉnh bản thân mình theo hướng thiện. Bên cạnh đó, nhiều điểm đến cũng có xu hướng trầm trọng hóa những gì xảy ra trong quá khứ để thu hút du khách. Mặt khác, đối với người nhà của những người đã mất hoặc những nạn nhân còn sống sót, việc xoáy sâu và khai thác những ký ức đau thương trong quá khứ cũng là một hành động thiếu nhạy cảm đối với cảm xúc của họ và những gì họ đang cố gắng trải qua để quên đi.
Ví dụ, từng gây nhiều tranh cãi ở Bắc Ailen năm 2013 là kế hoạch đã được quy hoạch và cấp phép chuyển đổi địa điểm nhà tù Mê cung (Maze) thành Trung tâm quốc tế về hòa giải xung đột, cho phép du khách thăm quan các nhà tù cổ xưa, trong đó có nhà tù khét tiếng H-block và bệnh viện trong nhà tù. Không lâu sau, kế hoạch này đã sụp đổ bởi vướng nhiều chỉ trích của người dân và các chuyên gia rằng đây là một hình thức tôn vinh chế độ độc tài khủng bố.
Theo giải thích của Cheryl Lawther, Giảng viên khoa Tội phạm học - Đại học Queen’s Belfast: “Xung đột bạo lực không phải là vấn đề đen trắng, hoặc là nạn nhân hoặc là thủ phạm. Phân loại nạn nhân và thủ phạm có thể là “lối thoát” dễ dàng để khắc họa một tội ác trong quá khứ, như nạn nhân thì vô tội, còn thủ phạm thì có tội bởi đưa ra các yêu sách chính trị, biện pháp đàn áp...
Cách tiếp cận này có thể động chạm tới nhạy cảm chiến tranh hoặc nhạy cảm chính trị do xác định không đúng ai là nạn nhân, ai là thủ phạm, đồng thời không chạm tới bản chất của những cuộc xung đột bạo lực. Điều thách thức đối với những người khai thác lịch sử là hiểu được vai trò của những người được cho là ‘nạn nhân’ và ‘thủ phạm’ này, để nhận ra sự phức tạp của những cuộc xung đột vũ trang và tại sao các cá nhân tham gia vào các cuộc xung đột đó.
Mặt khác, câu hỏi hóc búa nhất cần giải quyết là làm sao để người của thời nay không nên quên quá khứ nhưng cũng không để nỗi kinh hoàng của nó lấn át hiện tại; thay vào đó, họ có thể sống với sự phức tạp và mâu thuẫn của những ký ức đó”.
Đồng quan điểm, nhà sử học Gillian O’Brien - Đại học Liverpool John Moores, với vai trò là cố vấn lịch sử cho dự án đảo Spike – pháo đài cũ và nhà tù ngoài khơi bờ biển County Cork (Ailen), nơi đã được mệnh danh là điểm thu hút khách du lịch hàng đầu châu Âu trên World Travel Awards, cho biết: “Đảo Spike có một lịch sử hấp dẫn. Nằm ở cảng Cork, một trong những bến cảng tự nhiên lớn nhất thế giới, nó từng là nơi định cư của một tu viện, một pháo đài quân sự và một nhà tù. Du khách tìm kiếm một thứ gì đó rùng rợn hơn so với chuyến đi truyền thống tại các bờ biển khác. Kể từ khi pháo đài mở cửa trở lại cho du khách vào tháng 6/2016, nó đã trở thành một điểm du lịch nổi tiếng, thu hút hơn 45.000 du khách trong năm đầu tiên. Hòn đảo đã đánh bại sự cạnh tranh từ Cung điện Buckingham, Tháp Eiffel và Đấu trường La Mã Rome để giành được “Giải Oscar của ngành du lịch”, đánh dấu một sự chiến thắng của xu hướng du lịch đến nhứng điểm đen tối của lịch sử thế giới”.
Nhà sử học Gillian O’Brien cũng nhận định: “Các địa điểm du lịch kiểu này thường bị cám dỗ cung cấp các chi tiết rùng rợn, tàn bạo, đẫm máu trong các vụ hành quyết, trừng phạt và giam cầm, để làm nội bật nỗ lực trốn thoát của người tù, sự tàn bạo của các quản tù, tạo nên những trải nghiệm giật gân cho du khách. Nhưng, với vai trò là người cố vấn, tôi thấy rằng lịch sử nhiều khi không được hào nhoáng hoặc giật gân như mô tả. Khi yếu tố thương mại được đặt lên cao, việc phóng đại những chi tiết như vậy có thể làm bóp méo lịch sử”.