Năm vàng của du lịch nội địa
Ngành du lịch Việt Nam - sau một thời gian dài đối mặt với khó khăn do sự sụt giảm lượng khách quốc tế và cơ sở hạ tầng xuống cấp, đang bắt đầu có những bước chuyển mình trong chiến dịch “Ấn tượng Việt Nam”. Sau khi chiến dịch kích cầu này chính thức được áp dụng với sự tham gia đồng bộ của hơn 300 đơn vị trên phạm vi toàn quốc, ngành du lịch có những dấu hiệu phục hồi khả quan. Trong 6 tháng đầu năm 2009, lượng khách quốc tế giảm 19% so với cùng kỳ năm 2008 nhưng 6 tháng cuối năm con số này chỉ còn 11%. Du lịch nội địa tăng 20% góp phần đáng kể vào việc cải thiện doanh thu của ngành du lịch năm 2009 (tăng 10% với tổng mức thu đạt 68.000 tỷ đến 70.000 tỷ đồng).
Theo nhiều chuyên gia trong ngành công nghiệp không khói thì năm 2010, với hàng loạt các sự kiện lớn được tổ chức trong nước, mà tiêu điểm là năm du lịch quốc gia 2010 hướng tới đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, được coi là một “cơ hội vàng” đối với ngành du lịch Việt Nam. Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam: “Năm 2010 là năm “điểm nhấn” của du lịch Việt Nam, là cơ hội để du lịch Việt Nam tạo ấn tượng và có một vị thế tốt trên bản đồ du lịch thế giới”.
Hà Nội với tâm điểm là Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội cùng hàng loạt sự kiện văn hóa, thể thao lớn sẽ được tổ chức ngay từ đầu năm 2010 như lễ hội Phố Hoa, triển lãm “Nghề gốm Bát Tràng - cổ truyền và hiện đại”, liên hoan thả diều 3 miền...trở thành tâm điểm thu hút du khách từ khắp các quốc gia trên thế giới. Hưởng ứng năm Đại lễ, các địa phương trên cả nước cũng tổ chức nhiều chương trình du lịch gắn với dấu ấn 1000 năm. Nổi bật trong số đó là tua du lịch quốc tế leo núi cắm cờ “Thăng Long-Hà Nội 1000 năm tuổi” trên đỉnh Phan-xi-păng; Festival hoa Đà Lạt, Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng (Phú Thọ), lễ hội Lam Kinh (Thanh Hóa); Festival Huế 2010…
Năm 2010 cũng được coi là thời điểm tạo sức bật, tạo đà phát triển đối với các doanh nghiệp ngành du lịch. Ngay từ giữa năm 2009, nhiều doanh nghiệp xây dựng và chào bán các tua du lịch tìm hiểu các di tích gắn với lịch sử Thăng Long ngàn năm như: 10 tuyến tham quan Hà Nội, Hoàng Thành Thăng Long, làng nghề, phố nghề, làng cổ-phố cổ, di tích Đền Đô-Chùa Phật Tích, Việt Phủ Thành Chương, tham quan Ninh Bình, Vịnh Hạ Long, du lịch trên sông Hồng-các làng ngoại thành Hà Nội ven sông Hồng (Công ty Hanoitourist), “Truy tìm bí kíp Lý triều” khám phá những di tích lịch sử nghìn năm của đất Rồng bay (Công ty Vietnam Mice Services…)
Nỗi lo khi chiến dịch giảm giá kết thúc
Căn cứ tình hình thực tế thì mục tiêu năm 2010 của ngành du lịch Việt Nam không dễ thực hiện. Theo dự báo, mặt bằng giá dịch vụ du lịch có xu hướng sẽ tăng cao sau khi chiến dịch “Ấn tượng Việt Nam” kết thúc vào cuối tháng 3 này. Trái lại, các cường quốc về du lịch trên thế giới trong đó có các nước trong khu vực như: Thái Lan, Xingapo, Trung Quốc, Lào, Campuchia…tiếp tục giảm giá mạnh, khuyến mại hấp dẫn để thu hút khách.
Theo dự kiến của Tổng cục Du lịch, trong năm 2010, ngành du lịch cả nước sẽ đón khoảng 4,5 đến 4,6 triệu lượt khách quốc tế, tăng từ 18 đến 21% so với năm 2009. Lượng khách nội địa trong năm 2010 sẽ đạt khoảng 28 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt 4 tỷ đến 4,5 tỷ USD, đưa tổng sản phẩm du lịch năm 2010 chiếm 5,3% GDP. |
Mặc dù đã nhanh chóng triển khai các biện pháp đón đầu trong năm 2009 như: miễn thị thực cho một số đối tượng, giảm thuế VAT, …nhưng đó là những ưu đãi được thực thi trong chiến dịch kích cầu. Do đó, trước thời điểm chiến dịch kết thúc, để tạo đà nắm bắt cơ hội kích cầu du lịch nội địa, ngành du lịch đang gấp rút hoàn thiện cơ sở vật chất, quốc tế hóa, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch trong nước.
Năm 2010, cùng với cả nước, du lịch Hải Phòng đang đứng trước cơ hội lớn với những lễ hội sôi động chào mừng các ngày lễ lớn của dân tộc. Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội này, du lịch thành phố sẽ phải đứng trước một thách thức lớn về sự thay đổi, đa dạng hóa và tăng tính hấp dẫn của các loại hình sản phẩm du lịch đồng thời nâng cấp chất lượng dịch vụ, hướng tới chuyên nghiệp hóa hơn nữa. Nỗi lo về sự sụt giảm du lịch nội địa trong phạm vi nhỏ đối với thành phố biển tại các khu du lịch nổi tiếng như Đồ Sơn và Cát Bà sẽ còn kéo dài bởi tính chất mùa vụ của hoạt động du lịch Hải Phòng. Sức cạnh tranh từ các thành phố với những lễ hội lớn như: Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, TP Hồ Chí Minh cũng tạo ra áp lực không nhỏ về nguy cơ…mất khách đối với Hải Phòng. Trong suốt gần 1 năm không mấy mặn mà với chiến dịch “Ấn tượng Việt Nam”, có lẽ du lịch Hải Phòng trong thời điểm này cần áp dụng chiến dịch giảm giá kích cầu tương tự để nắm bắt cơ hội bứt phá năm 2010.
Huệ Vũ