“Năm 2011, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón khoảng 5,3 triệu lượt khách du lịch quốc tế và từ 30 đến 31 triệu lượt khách du lịch nội địa, doanh thu đạt 110.000 tỷ đồng. Nếu không đầu tư mạnh mẽ hơn cho hoạt động xây dựng thương hiệu, quảng bá, xúc tiến thì chúng ta khó đạt được mục tiêu mong đợi”, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Văn Tuấn khẳng định.
Thách thức lớn
Theo Tổng cục Du lịch, năm 2011, ngành du lịch có những thuận lợi cơ bản. Đó là tiếp tục phát huy đà tăng trưởng của năm 2010, phát huy nguồn lực của Bộ đa ngành, đa lĩnh vực cho sự phát triển du lịch. Năm 2011 là “Năm du lịch quốc gia tại Phú Yên và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ”, là động lực quan trọng đối với phát triển du lịch biển. Bên cạnh những thuận lợi, năm 2011 ngành du lịch vẫn gặp những thách thức và trở ngại. Đó là tình hình kinh tế thế giới chưa ổn định, những bất ổn về chính trị trong khu vực còn tiềm ẩn, cạnh tranh thu hút khách du lịch ngày càng gay gắt giữa các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Trong nước, thiên tai, bão lũ do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày một tăng, dịch bệnh có nhiều mầm mống phát triển, kinh tế trong nước nhiều khó khăn.
|
Khách du lịch Nhật Bản đến tham quan Cát Bà Ảnh: Linh Nga |
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, một quốc gia du lịch phát triển cần ba yếu tố: cơ sở vật chất lưu trú, hạ tầng kỹ thuật và sản phẩm du lịch đặc thù. Việt Nam có sản phẩm du lịch là nguồn tài nguyên thiên nhiên và nhân văn phong phú với nhiều di sản văn hóa được UNESCO công nhận, nhưng Việt Nam còn hạn chế về điều kiện giao thông nên muốn thu hút khách quốc tế đến với Việt Nam quả thật là khó. Hiện nay, 80% khách đến Việt Nam chủ yếu bằng đường hàng không và Việt Nam phải tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng mới có thể tạo đà cho du lịch phát triển. Nhìn sang nước láng giềng Thái Lan, mỗi năm đón 40 triệu lượt khách du lịch quốc tế bằng đường hàng không thì tổng lượng khách du lịch bằng phương tiện này của Việt Nam chưa bằng lượng khách ở một sân bay của họ.
Ngoài ra, du lịch Việt Nam còn hạn chế về nhân lực do số nhân lực ngành du lịch qua đào tạo trực tiếp chiếm tỷ lệ thấp, mặc dù đây là tỷ lệ mà Việt Nam đã cố gắng rất nhiều (từ 0% đến nay đạt 40%). Hiện nay, du lịch là ngành hội nhập theo sự phát triển của thế giới nên không thể cho phép dừng ở tỷ lệ này. Việt Nam cần có nhiều cán bộ du lịch qua đào tạo về chuyên môn, giao tiếp và quảng bá. Vấn đề thứ ba là chúng ta phải tạo dựng một số sản phẩm riêng vì Việt Nam có bờ biển dài trên 3.000 km; một vùng dự trữ sinh quyển lớn nổi tiếng trên thế giới, nhiều đặc thù được thiên nhiên ưu đãi và cần khai thác để tạo sản phẩm du lịch hấp dẫn riêng.
Tập trung quảng bá thương hiệu
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Du lịch Việt Nam Hà Văn Siêu, cho biết: đón vị khách quốc tế thứ 5 triệu vào cuối năm 2010, được coi là sự kiện quan trọng, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của ngành du lịch trong giai đoạn 2005-2010; đồng thời khẳng định sức hấp dẫn, vị thế của du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch khu vực và thế giới. Tuy nhiên, để giữ vững và đạt được mục tiêu năm 2011, đón khoảng 5,3 triệu lượt khách du lịch quốc tế và từ 30 đến 31 triệu lượt khách du lịch nội địa, vấn đề đặt ra trước mắt cho toàn ngành du lịch là phải khắc phục những thiếu sót, hạn chế, sự thiếu đồng bộ về cơ sở vật chất, quy mô đầu tư manh mún, quy hoạch chồng chéo, liên kết lỏng lẻo, nhân lực yếu kém, thiếu nhận thức du lịch của người dân, không chú trọng bảo vệ môi trường, sản phẩm du lịch thiếu đặc thù, không đáp ứng yêu cầu. Để thực hiện thành công chiến lược, đạt mục tiêu đề ra, các chuyên gia du lịch cũng cho rằng, cần xem xét và dự đoán những biến động của tình hình kinh tế - chính trị thế giới để điều chỉnh một số mục tiêu sao cho hợp lý, khả thi cho từng thời điểm. Bên cạnh đó, chiến lược phát triển sản phẩm du lịch, ưu tiên du lịch biển là vấn đề hết sức quan trọng. Đây vốn là một thế mạnh truyền thống của du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch văn hóa phải gắn với di sản, du lịch làng nghề, du lịch cộng đồng..., kèm theo đó là dịch vụ du lịch cao cấp như: du thuyền, làm đẹp, dưỡng bệnh kết hợp đẩy mạnh nâng cao chất lượng dịch vụ ẩm thực đặc sắc của Việt Nam.
Ông Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, nếu năm 2011, ngành du lịch được đầu tư thêm 5 triệu USD (tương đương khoảng 100 tỷ đồng) để thực hiện quảng bá, xúc tiến thì những chiến dịch quảng bá du lịch Việt Nam sẽ được nâng tầm lên rất nhiều. Hoạt động xúc tiến, quảng bá cũng sẽ chủ động hơn chứ không dồn hết về cuối năm như hiện nay trong khi kế hoạch đi du lịch của khách quốc tế được bố trí trước cả năm. Nhiều nước trên thế giới thực hiện việc này để tăng cường quảng bá và đầu tư cho quảng bá du lịch của các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaixia cũng cao hơn con số này nhiều. Hiện nay, ngành du lịch đã xây dựng lôgô, khẩu hiệu, biển hiệu mới cho chương trình xúc tiến du lịch Việt Nam giai đoạn năm 2011-2015, thay thế cho khẩu hiệu, biển hiệu cũ là “Việt Nam vẻ đẹp tiềm ẩn” bằng “Việt Nam - Sự khác biệt Á Đông” nhằm thể hiện rằng, Việt Nam hiện nay chủ động khai thác lợi thế để bứt phá và tự giới thiệu mình với bạn bè thế giới.
Tháng 1-2011, Việt Nam đón 470 nghìn khách quốc tế, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2010. Một số quốc gia và vùng lãnh thổ có lượng khách đến Việt Nam trong tháng này là Trung Quốc với 79,8 nghìn lượt, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2010. Đứng thứ hai là Hàn Quốc đạt 45 nghìn lượt người, tăng 4,6%. Xếp thứ ba là Hoa Kỳ. Khách từ Nhật Bản, Đài Loan Trung Quốc, Campuchia... cũng tăng đáng kể. Đây là khởi đầu tốt đẹp cho Du lịch Việt Nam bước vào năm mới đầy thách thức. |
Tổng cục Du lịch thể hiện quan điểm “quảng bá quy mô lớn, có chiều sâu với những sản phẩm du lịch có khả năng cạnh tranh” chứ không dàn trải kiểu cuộc hội chợ, triển lãm, hội nghị quốc tế nào cũng tham gia nhưng hiệu quả không cao. Khách ở những thị trường mục tiêu, thị trường mới như Trung Đông cũng được chú trọng quảng bá với tần suất cao, quy mô lớn. Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, những gì đạt được trong năm 2010 là chưa từng có của du lịch Việt Nam nhưng so với các nước khác trong khu vực thì chúng ta vẫn còn thua kém, đặc biệt là những yêu cầu về tính chuyên nghiệp, bài bản, có chiều sâu trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch. Ngành du lịch đã đề xuất cơ chế, mỗi khách du lịch đến Việt Nam sẽ dành 1 USD để đầu tư trở lại cho hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam ở trong và ngoài nước.
Để cạnh tranh trong môi trường quốc tế khắc nghiệt, vấn đề đặt ra đối với ngành du lịch Việt Nam là phải xác lập cho mình những thế mạnh nhất định trên cơ sở nâng cao những lợi thế cạnh tranh quốc gia bền vững song song với việc không ngừng tư duy, định vị những lợi thế cạnh tranh quốc gia mới và tìm cách khắc phục những bất lợi cạnh tranh quốc gia của ngành. Chỉ bằng cách đó, ngành du lịch Việt Nam mới có thể phát triển trong dài hạn từng bước đưa du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của cả nước.
Đỗ Thảo Nguyên