Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, trong 3 tháng tới, ước tính thiệt hại của ngành du lịch sẽ vào khoảng 5,9 - 7 tỷ USD vì Covid-19 gây ra. Nhiều doanh nghiệp bị mất hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng doanh thu vì lượng khách sụt giảm. Các doanh nghiệp du lịch hiện đang phải gồng mình vừa phòng chống dịch, vừa phục vụ, giải quyết các tình huống phát sinh, từng bước vượt qua “cơn đại địa chấn”.
Chao đảo vì dịch bệnh
Tại Hội nghị “Giải pháp hạn chế tác động của dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona đối với du lịch Việt Nam”, ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho biết: Dịch bệnh theo dự báo có thể sẽ kéo dài và khó có thể khắc phục trong vòng vài tháng. Do vậy, có thể xem đây là một cuộc khủng hoảng tác động tiêu cực tới nhiều doanh nghiệp du lịch và người lao động trong lĩnh vực du lịch.
Đánh giá về tác động với ngành du lịch Việt Nam, ông Mauro Gasparotti - Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương nhận định ba tác động đến du lịch Việt Nam, thông qua sự sụt giảm nguồn khách du lịch Trung Quốc, khách quốc tế đến châu Á cũng như Đông Nam Á và sụt giảm nguồn cầu du lịch trong nước.
Trung Quốc vốn là thị trường khách nguồn lớn nhất của du lịch Việt Nam. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy năm 2019 Việt Nam đón 18 triệu lượt khách quốc tế thì du khách Trung Quốc hơn 5,8 triệu, chiếm 32%. “Nha Trang - Khánh Hòa dự kiến chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do tỷ trọng khách Trung Quốc lớn nhất, chiếm 70% tổng số khách quốc tế năm 2019”, Savills nhận định.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Tổng Giám đốc Công ty lữ hành Vietravel cho biết, hiện khoảng 70% khách hàng tại Việt Nam và 6 quốc gia Vietravel đặt văn phòng đã hủy tour hoặc dời ngày khởi hành vì e ngại dịch bệnh. Không riêng các tour đi Trung Quốc, các tour du lịch nội địa cũng chịu chung số phận.
“Du lịch vốn dĩ là một lĩnh vực kinh tế tổng hợp, liên quan tới nhiều nhóm ngành khác như vận chuyển, lưu trú, dịch vụ ăn uống..., vì vậy bất kỳ tác động nào tới những nhóm ngành khác, du lịch sẽ bị ảnh hưởng”, ông Kỳ nhận định. Không chỉ Vietravel, các ngành du lịch, hàng không, logistics và xuất nhập khẩu là những nhóm ngành đang chịu ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh do Covid-19 gây ra.
Ông Hoàng Văn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Khánh Hòa cho biết, dịch do Covid-19 gây ra khiến ngành du lịch Khánh Hòa ảnh hưởng nghiêm trọng. Lượng khách đến Khánh Hòa giảm hẳn, đặc biệt là khách Trung Quốc. Nhiều khách sạn chủ yếu phục vụ khách Trung Quốc công suất buồng phòng hiện dưới 20%.
Còn ở Quảng Ninh, lượng khách tham quan Vịnh Hạ Long ngày 4/2/2020 chỉ còn 3.000 khách, trong khi đó năm 2019, trung bình mỗi ngày di sản này đón tới 12.000 lượt khách, có thể thấy du lịch của riêng địa phương này cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Bà Nguyễn Thị Trực, Giám đốc Vietravel Chi nhánh Quảng Ninh cho hay: Khách trong nước đi Trung Quốc, Công ty đã chủ động hủy tour và hoàn lại tiền cho khách. Đến nay, Công ty cũng không tổ chức tour nào cho khách từ Trung Quốc đến Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng.
Ông Nguyễn Văn Hoàng, chủ Nhà hàng Ngọc Lục Bảo tại phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long cho biết: Từ khi có thông tin về dịch Corona, đặc biệt là từ sau kỳ nghỉ Tết đến nay, lượng khách đến với nhà hàng sụt giảm mạnh. Nhiều nhà hàng khác ở khu vực Bãi Chãy cũng chung tình trạng. Các dòng khách quốc tế truyền thống như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc,… và cả khách nội địa cũng rất ít. Khối nhà hàng hoạt động gần như cầm chừng.
Tại Móng Cái, khu vực trọng điểm trong việc phòng chống dịch của Quảng Ninh, ông Bùi Ngọc Thế, Giám đốc điều hành của Khách sạn Biển Bắc cho biết: “Chỉ tính từ ngày 23/01-31/01/2020, khách sạn đã nhận hủy đặt phòng của hơn 500 phòng lưu trú và đều chấp nhận hoàn tiền lại cho du khách. Hiệu suất phòng đang từ 80% về gần 0%, gần như không có doanh thu. Hiện khách sạn chỉ có duy nhất 5 khách lưu trú từ trước Tết và khách sạn cũng chủ động thực hiện các biện pháp để những du khách này được cách ly theo dõi, nếu có biểu hiện bất thường sẽ báo cáo cơ quan y tế ngay lập tức”.
Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, trong 3 tháng tới, ước tính thiệt hại của ngành du lịch sẽ vào khoảng 5,9 - 7 tỷ USD vì Covid-19. Nhiều doanh nghiệp bị mất hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng doanh thu vì lượng khách sụt giảm.
Sau dịch, 101 cách kích cầu du lịch Việt
Để vượt qua khủng hoảng, các cơ quan quản lý du lịch, hiệp hội du lịch trung ương và địa phương đã liên tục có những cuộc họp bàn về các biện pháp để ứng phó với dịch bệnh Covid-19, sẽ chuẩn bị chương trình kích cầu lớn để thu hút du khách quay lại sau dịch. Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP HCM cho biết: “Một chương trình kích cầu là cần thiết để thúc đẩy du khách đi du lịch trở lại nhưng phải giảm giá thật sâu, ít nhất phải 30-50%”.
Các đại biểu ngành du lịch cũng đưa ra kiến nghị Chính phủ xem xét khả năng miễn lệ phí, đơn giản thủ tục visa cho khách du lịch trọn gói đi theo đoàn do các công ty lữ hành quốc tế phục vụ, cho phép triển khai cấp visa tại cửa khẩu.
Thêm vào đó, cần kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố xem xét giảm giá, miễn phí vé, phí tham quan từ 1- 2 tháng sau khi hết dịch để kích cầu du lịch. Cùng với chính sách kích cầu dành cho du khách, doanh nghiệp cũng cần hỗ trợ bằng các hình thức như giãn thuế, giảm thuế, giãn lãi suất cho doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, vận chuyển bị thiệt hại do dịch bệnh.
Để không quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, bà Nguyễn Thị Huyền - đại diện Vietrantour đưa ra giải pháp, nhiều đơn vị lữ hành đang gấp rút xây dựng các gói sản phẩm phù hợp nhu cầu và tâm lý của du khách, nỗ lực tiếp thị sang các thị trường thay thế Trung Quốc, trong đó bao gồm các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Ấn Độ, Nga, Đông Âu, Mỹ...
Vietravel, Fiditour cũng có phương án tập trung khai thác mới và đẩy mạnh thêm nguồn khách đến từ các nước Trung Đông và Ấn Độ. Đối với tour nước ngoài, công ty sẽ kích cầu, phát triển thêm các tuyến Đông Bắc Á, châu Âu, Mỹ vào mùa hoa anh đào, tulip, hay du lịch kết hợp thăm thân vào mùa hè tại Mỹ, Canada. Riêng thị trường nội địa, Vietravel sẽ đẩy mạnh xây dựng, bổ sung các điểm đến như miền Trung, Tây Nguyên, miền Tây Nam Bộ… là những vùng nắng ấm, an toàn cho du khách.
Mục tiêu của các doanh nghiệp là xoay chuyển sản phẩm và thị trường nhanh chóng, linh hoạt, tăng cường các giá trị tiện ích, trong đó ưu tiên hàng đầu là sự an toàn của du khách.
Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho rằng hiện khách du lịch vẫn đến Hà Nội, do đó các đơn vị cần bảo đảm đón tiếp chu đáo, tạo sự an toàn, yên tâm cho du khách. Đội ngũ hướng dẫn viên cần được tập huấn các cách phòng chống dịch đúng cách.
Bà Nguyễn Việt Hà, Giám đốc kinh doanh của khách sạn Metropole Hà Nội cũng chia sẻ quan điểm này khi nhìn nhận nếu các cơ sở lưu trú tạo sự an toàn, bảo đảm khách sẽ yên tâm lưu lại và còn muốn quay trở lại những lần tiếp theo.
Thị trường nội địa cũng cần chú trọng. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch yêu cầu tổ chức liên kết các nhà cung cấp dịch vụ để hình thành những chương trình du lịch trọn gói với giá ưu đãi cho khách Việt Nam.
Việt Nam còn rất nhiều điểm đến an toàn, ngoài vùng dịch cho du khách lựa chọn. Du khách muốn khám phá dạng phượt tự túc thì có các địa điểm lân cận trung tâm thành phố Hồ Chí Minh như Bình Phước, Long An, Bình Thuận, Kê Gà, Phan Thiết…
Du khách muốn chinh phục những cung đường xa hơn, có khí hậu mát mẻ se lạnh thì thử tìm đến vùng cao nguyên như Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, khu du lịch Măng Đen để trải nghiệm cảm giác hòa cùng thiên nhiên trong lành cùng những món ăn đặc sản của núi rừng như cơm lam, rượu cần…
Gần Hà Nội, du khách có thể đi phượt có Tam Đảo, núi Trầm, Đồng Mô, Hồ Quan Sơn, xa hơn chút nữa là Sapa, Mộc Châu, Mã Pì Lèng, Lũng Cú, Hà Giang… đẹp không tưởng vào mùa hoa cải, hoa đào nở cùng non nước hữu tình, khí trời thoáng đãng.
Nói về đảo thì Việt Nam may mắn được tạo hóa ban tặng cho rất nhiều vùng đảo đẹp từ lớn tới nhỏ, mỗi nơi mang một vẻ đẹp riêng biệt như Côn Đảo, đảo Phú Quý (Phan Thiết), đảo Nam Du ( Kiên Giang), đảo Bình Ba, Bình Hưng, đảo Côn Sơn, Lý Sơn… Có một điểm đến khi nghe đến cái tên thì người ta đã cảm nhận được một làn gió bình yên, cổ kính, đó chính là Huế.
Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam - ông Vũ Thế Bình nhấn mạnh, đây là thời điểm các doanh nghiệp cần tập trung để “xốc” lại doanh nghiệp của mình, cụ thể là quan tâm đào tạo nâng cao trình độ nhân lực, đây là vấn đề quan trọng mà lâu nay nhiều doanh nghiệp xem nhẹ, bỏ trống mảng đào tạo nguồn nhân lực, đây là lúc nên tranh thủ.
Thứ hai là sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất các điểm du lịch, thực tế thời gian qua rất nhiều nơi xuống cấp từ điểm tham quan đến các cơ sở đón khách, về đường sá, hạ tầng giao thông … nhưng chưa được quan tâm sửa chữa, có thể do thời kỳ cao điểm đông khách nên chưa có thời gian sửa chữa nâng cấp, thì thời điểm này nên chú trọng.
Ngoài việc cơ cấu thị trường khách, ngành du lịch phải tổ chức lại nguồn lực để tạo hiệu quả cao trong các hoạt động roadshow, hội chợ quốc tế... Những sự kiện này sẽ giúp quảng bá, xúc tiến du lịch và hút khách quốc tế đến Việt Nam.
Ngoài ra, ngành du lịch cũng cần phối hợp với các hãng hàng không, tổ chức kích cầu cho những thị trường hàng đầu ngay sau dịch bệnh được khống chế.