Du lịch y tế: Đòn bẩy phát triển ngành du lịch?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Với tính chất là mô hình du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe bằng các liệu pháp y tế hiện đại, mang lại những trải nghiệm thư giãn, đồng thời phòng ngừa các tác nhân gây bệnh, sử dụng các liệu pháp thẩm mỹ làm đẹp không xâm lấn… du lịch y tế sẽ là đòn bẩy phát triển ngành du lịch Việt?
Bệnh nhân Hàn Quốc tới Bệnh viện TWQĐ 108 chữa bệnh. (Ảnh: An Ngọc)
Bệnh nhân Hàn Quốc tới Bệnh viện TWQĐ 108 chữa bệnh. (Ảnh: An Ngọc)

Lợi thế đón du khách khám phá kết hợp chữa bệnh

Những năm gần đây, bên cạnh việc khám phá thiên nhiên, du khách có xu hướng cải thiện sức khỏe, nâng cao thể chất, tinh thần khi đi du lịch. Theo báo cáo của Grand View Research, doanh thu năm 2030 của ngành du lịch y tế trên toàn cầu sẽ lên đến gần 100 tỷ USD. Xuất hiện và phát triển từ thời Hy Lạp và La Mã cổ đại, ngày nay, du lịch y tế đã trở thành ngành dịch vụ phổ biến toàn cầu, là lựa chọn của hàng triệu người mong muốn được trải nghiệm dịch vụ y tế chất lượng cao với mức chi phí lý tưởng.

Việt Nam đang được coi là “mỏ vàng” thu hút du khách quốc tế bởi có nhiều tiềm năng trong phát triển loại hình du lịch y tế. Du khách đến đây chữa bệnh cũng có thể khám phá di sản văn hóa và lịch sử phong phú, chiêm ngưỡng nhiều kỳ quan thiên nhiên và tận hưởng khí hậu nhiệt đới ấm áp. Hoa trái, thảo dược 4 mùa, ẩm thực được thế giới đánh giá cao. Việt Nam sở hữu bờ biển dài hơn 3.200km cùng nhiều bãi tắm đẹp, hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ phù hợp cho du lịch nghỉ dưỡng, thể thao mặt nước, chữa bệnh. Ngành địa chất đã phát hiện khoảng 400 nguồn nước khoáng nóng, vừa có tác dụng chữa bệnh vừa có thể sản xuất nước uống đóng chai. Điều này càng làm tăng thêm sức hấp dẫn của Việt Nam. Đây là một điểm đến chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp mà ít quốc gia nào có được.

Du khách có thể lựa chọn: chăm sóc sức khỏe định kỳ, phục hồi và nghỉ dưỡng, phẫu thuật và điều trị chuyên sâu, chăm sóc nha khoa, hiếm muộn, các phương pháp thay đổi ngoại hình… Theo nhiều chuyên gia, hiện nay nhu cầu khách du lịch đến Việt Nam để kết hợp giữa du lịch nghỉ dưỡng và khám, chữa bệnh rất cao, có thể đạt doanh thu mỗi năm khoảng 2 tỷ USD. Nền y học Việt Nam được kết hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền cùng trình độ chuyên môn cao của các y bác sĩ nên đây cũng là những thế mạnh của ngành y tế Việt Nam.

Việt Nam cung cấp các dịch vụ y tế giá cả phải chăng với mức giá thấp hơn khoảng 10% so với ở Mỹ. Việt Nam cũng có lợi thế đáng kể so với các điểm đến du lịch y tế khác như Singapore, Thái Lan và Malaysia. Ví dụ, chi phí phẫu thuật bắc cầu tim ở Việt Nam là 10.000 - 15.000 USD, trong khi ở Thái Lan chi phí từ 25.000 - 30.000 USD. Việt Nam đã là một trong những điểm đến được du khách lựa chọn để đến... làm răng. Lý do khá đơn giản. Việt Nam có chi phí làm răng thấp hơn rất nhiều nước trên thế giới. Cụ thể, theo thống kê của tạp chí International Living

(Australia), chi phí làm răng tại Việt Nam thấp hơn một số quốc gia như Mỹ, Canada, Australia từ 6 đến 10 lần. Còn so với một số quốc gia lân cận như Thái Lan, Malaysia thì chi phí làm răng ở Việt Nam cũng rẻ hơn từ 30% đến 50%. Dù chi phí rẻ nhưng tại Việt Nam, chất lượng tay nghề của các nha sỹ cũng như việc đầu tư trang thiết bị, máy móc chữa trị cũng không thua kém so với bất kỳ quốc gia có nền nha khoa tiên tiến nào. Năm 2018, International Living đã bình chọn Việt Nam là một trong 3 quốc gia hàng đầu Đông Nam Á được du khách Australia ưa chuộng vì có dịch vụ nha khoa chất lượng cao và chi phí thấp.

Thẩm mỹ bằng phẫu thuật cũng được nhiều du khách quan tâm. Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Phan Thúy - Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu TP.HCM cho biết, lượng khách hàng đến điều trị thẩm mỹ tại Khoa Thẩm mỹ da ngày càng gia tăng, đặc biệt có nhiều du khách quốc tế, khách hàng Việt kiều đến làm đẹp. Năm 2020, khoa tiếp nhận 41.490 lượt khách hàng đến làm đẹp thì đến năm 2022, con số này tăng lên 58.622 lượt.

Còn tại Viện Tim TP.HCM, những năm gần đây, viện đã cung cấp các gói dịch vụ du lịch y tế chuyên sâu như can thiệp mạch máu, tim mạch... thu hút sự chú ý của du khách quốc tế đến thăm khám, điều trị. Hiện bệnh viện đã xây dựng khu khám bệnh dành cho du khách quốc tế.

Việt Nam sau 5 năm triển khai mô hình du lịch y tế, năm 2023 được đánh giá là năm thành công nhất với nhiều thành tựu, sản phẩm du lịch y tế đáng ghi nhận, nhiều hoạt động được triển khai thực hiện mang lại hiệu quả cao. Có thể kể đến như: TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng 30 combo chương trình tour kết hợp du lịch y tế, chăm sóc sức khỏe phù hợp với thị trường khách nội địa và quốc tế; ra mắt video clip giới thiệu, quảng bá về sản phẩm du lịch y tế trên địa bàn thành phố; cập nhật, bổ sung và điều chỉnh “Cẩm nang du lịch y tế” bằng 6 thứ tiếng với nội dung ngắn gọn, rõ ràng, hiệu quả; tổ chức xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch y tế để thu hút khách du lịch tại thị trường Campuchia và khảo sát, học tập kinh nghiệm phát triển các mô hình du lịch y tế tại Thái Lan...

Cần phát huy tiềm năng

Năm 2023, tổng số khách du lịch quốc tế ước đạt 12,5 triệu lượt khách, vượt mục tiêu đề ra (8 triệu lượt). Tổng thu từ du lịch ước đạt 672 nghìn tỷ đồng, vượt 3,38% so với kế hoạch năm 2023. Trung bình, mỗi năm Việt Nam tiếp nhận khoảng 300.000 người nước ngoài đến khám ngoại trú, 57.000 người điều trị nội trú. Trong đó có tới 40% lượng khách tập trung tại TP.HCM.

Du khách nước ngoài đến khám chữa bệnh. (Ảnh: Bệnh viện Hữu Nghị Lạc Việt)

Du khách nước ngoài đến khám chữa bệnh. (Ảnh: Bệnh viện Hữu Nghị Lạc Việt)

Quận 10 là địa phương đầu tiên của TP.HCM và trên cả nước thí điểm triển khai “Phố sức khỏe” và cung cấp sản phẩm dịch vụ du lịch y tế, từ tháng 7/2023. Quận 1 có 18 bệnh viện, 23 phòng khám đa khoa, 562 phòng khám chuyên khoa, 396 cơ sở dịch vụ làm đẹp - thẩm mỹ, 467 nhà thuốc, 1.181 cơ sở dịch vụ ăn uống. Đặc biệt, một trung tâm thương mại dược phẩm cung cấp tất cả các nguồn vật tư, thiết bị y tế, dược phẩm và một bảo tàng y học cổ truyền cùng hệ thống trung tâm thương mại dịch vụ, khách sạn trên địa bàn là tiềm lực rất lớn nếu phát triển thành chuỗi, để phục vụ du khách vừa du lịch tham quan mua sắm, vừa chăm sóc sức khỏe, làm đẹp. Sau 5 tháng hoạt động, “Phố sức khỏe” đã có những kết quả sơ khai ban đầu, được truyền thông quảng bá nhiều hơn, bắt đầu có sự liên kết giữa các cơ sở ngành y tế và du lịch.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết: “Xu hướng du lịch chăm sóc sức khỏe là một trong những xu hướng mới mà TP.HCM đang rất quan tâm và hiện TP.HCM đang cùng với các doanh nghiệp hoàn thiện các tour chăm sóc sức khỏe. Không những có tour phục vụ nhu cầu khách du lịch đến TP.HCM mà còn liên kết với Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và các tỉnh Đông Nam Bộ để ra mắt những tour liên kết theo xu hướng này”.

Từ năm 2024, ngành y tế TP.HCM định hình phát triển thành trung tâm y tế chuyên sâu, hiện đại và là trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN. Du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe cũng là một trong những mục tiêu lớn không chỉ của ngành y tế TP.HCM mà còn của ngành du lịch và các đơn vị lữ hành.

Việc khai thác tài nguyên để phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe đã góp phần đa dạng hóa sản phẩm, kéo dài thời gian lưu trú, tăng chi tiêu của khách du lịch ở Việt Nam.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, một trong những điểm yếu của du lịch y tế ở Việt Nam hiện nay là còn quá ít thông tin về các dịch vụ du lịch kết hợp chữa bệnh, còn ít hãng du lịch lữ hành tổ chức các tour kết hợp chăm sóc sức khỏe. Không ít bệnh viện chưa đạt các tiêu chuẩn quốc tế như JCI hay ISO nên du khách nước ngoài còn ngần ngại đăng ký dịch vụ khám, chữa bệnh. Trên website các bệnh viện chưa có nhiều thông tin, thậm chí còn không có cả tiếng Anh để tra cứu, cũng như chưa có các dịch vụ hỗ trợ kèm theo nên người nước ngoài khó tìm kiếm một dịch vụ du lịch y tế trọn gói để sử dụng. Ngoài ra, ngoại ngữ của y tá, điều dưỡng còn hạn chế. Bên cạnh đó, sự hợp tác giữa các địa phương, cơ quan y tế, các cơ sở có điều kiện phát triển du lịch y tế với các hãng du lịch lữ hành còn thiếu đồng bộ và về cơ bản.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ với truyền thông, hiện Việt Nam chưa có những nghiên cứu đầy đủ về tiềm năng, những yếu tố cần thiết, cũng như chưa có định hướng, chính sách cụ thể để phát triển loại hình du lịch này. Đặc biệt, Bộ Y tế chưa chuẩn hóa quy trình chăm sóc sức khỏe, điều này khiến phần lớn cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch như: resort, khách sạn, homestay chăm sóc sức khỏe chỉ ở mức đáp ứng nhu cầu cơ bản cho du khách.

Tại châu Á, du lịch y tế đang mở rộng nhanh chóng. Một số nước như Thái Lan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Malaysia… đang là điểm đến du lịch y tế của lượng lớn du khách Mỹ và các nước châu Âu. Năm 2019, Thái Lan đón hơn 3 triệu lượt khách chữa bệnh, tạo doanh thu hơn 700 triệu USD. Cùng năm, Ấn Độ cán mốc 3 tỷ USD, Malaysia đạt 1,7 tỷ USD doanh thu. Khách hàng du lịch y tế tại các quốc gia châu Á có nhu cầu chủ yếu gồm thẩm mỹ, chăm sóc nha khoa, chỉnh hình…

Đọc thêm