Bán đảo Triều Tiên đã trở thành vũ đài chính trị, trên đó hình thành thế đối đầu quân sự giữa Washington và Bắc Kinh…
[links()]
Do vấp phải sự phản đối kịch liệt từ Bắc Kinh, tập trận chung Mỹ – Hàn dự kiến triển khai từ cuối tháng 6 trên biển Hoàng Hải bị lùi lại đến ngày 25/7 vừa qua và diễn ra trên biển Nhật Bản phía Đông Hàn Quốc.
Nhiều nhà quan sát quốc tế nhận định rằng hai cường quốc Trung – Mỹ đang cạnh tranh bá quyền trên thế giới và lần này lấy bán đảo Triều Tiên làm vũ đài hình thành thế đối đầu quân sự.
|
Tập trận chung giữa liên quân Mỹ - Hàn Quốc được khởi động từ hôm 25/7/2010 vừa qua.
|
Trong cuộc tập trận chung kéo dài 4 ngày, Mỹ đã điều động hầu hết các đơn vị chiến đấu tinh nhuệ nhất của mình, phô trương sức mạnh với tàu sân bay George Washington, tuần dương hạm lớp Aegis, tàu khu trục và tàu ngầm hạt nhân.
Điểm nhấn của cuộc tập trận này còn phải kể đến 4 chiếc F-22, chiến đấu cơ tối tân nhất của Mỹ với biệt hiệu “Mãnh cầm” lần đầu tiên xuất hiện trên bầu trời bán đảo Triều Tiên và có thừa khả năng chọc thủng lưới lửa phòng không không chỉ của Bình Nhưỡng mà ngay cả của Bắc Kinh.
Động thái Mỹ đưa lực lượng hải – không quân hùng hậu nhất của mình đến trước cửa ngõ Trung Quốc là lần đầu tiên trong lịch sử, Trung Quốc vì thế không khỏi lo ngại và cảnh giác cao độ.
Nhật báo Chosun IIbo – Hàn Quốc ngày 27/7 nhận định rằng, giới chức Trung Quốc và quân đội nước này đang đặc biệt quan tâm theo dõi mọi động thái diễn biến của cuộc tập trận này. Bắc Kinh đã điều động tối đa các loại máy bay trinh sát, máy bay cảnh báo, tàu ngầm, thậm chí là vận hành vệ tinh để thu thập các thông tin tình báo.
Trước đó ngày 19/7, đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) lần đầu tiên “phá lệ” đưa tin huấn luyện bắn đạn thật tên lửa đạn đạo tàu ngầm đang diễn ra trên vùng biển gần tỉnh Sơn Đông.
Trong hai ngày 18, 19/7 Bắc Kinh đã triển khai huấn luyện ứng phó với các tình trạng khẩn cấp giao thông quân sự thời chiến trên biển Hoàng Hải. Lần này Bắc Kinh không ngần ngại kéo ra cả tên lửa hành trình “Sát thủ hàng hải” và khu trục hạm loại 8 nghìn tấn.
Mặc dù quan hệ quân sự Trung – Mỹ từ năm 2001 đến nay cứ trồi sụt liên tục và phần lớn thời gian hai bên trong tình trạng “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt”, nhưng đây là lần đầu tiên Trung – Mỹ hình thành thế đối đầu trên bán đảo Triều Tiên kể từ sau chiến tranh lạnh. Giới phân tích cho rằng vũ đài cạnh tranh Trung – Mỹ đã bao trùm bán đảo Triều Tiên.
Theo Lee Sang-hyun, chuyên viên Trung tâm nghiên cứu an ninh Sejong – Hàn Quốc, những động thái vừa qua của Bắc Kinh bao gồm cả việc diễn tập trên biển Hoàng Hải, Trung Quốc dường như muốn thể hiện bán đảo Triều Tiên nằm trong tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh. Trung Quốc càng lớn mạnh thì nước này sẽ càng có nhiều quyền phát ngôn trên vấn đề căng thẳng bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, không phải đến lúc cục diện Đông Á đã rõ mười mươi như hiện tại người ta mới biết ý đồ ấy của Bắc Kinh. Ngay trong báo cáo tình hình quân sự Trung Quốc năm 2008 mà Lầu Năm Góc trình ra Quốc hội đã nói rõ: “Từ hoạt động tăng cường sức mạnh quân sự và xu thế chiến lược gần dây có thể thấy Trung Quốc không chỉ coi trọng eo biển Đài Loan mà bao gồm cả xung đột quân sự ở các khu vực có tranh chấp khác”.
Giới quan sát Seoul cho rằng, gắn kết những sự kiện gần đây ở Đông Á, đặc biệt là trên bán đảo Triều Tiên có thể thấy rất rõ sự xung đột giữa “thế lực đại lục” bao gồm Trung Quốc, Nga, Bắc Triều Tiên và “thế lực hải dương”, tức Mỹ và 2 đồng minh Hàn Quốc, Nhật Bản.
Chỉ xét riêng sự kiện nổ tàu Cheonan được Seoul đưa ra Liên Hợp Quốc cũng đủ thấy 2 luồng quan điểm đối nghịch giữa Hàn – Mỹ – Nhật với Trung Quốc – Bắc Triều Tiên – Nga. Cho đến tập trận chung Mỹ – Hàn bắt đầu từ ngày 25/7, Nhật Bản đã phái các quan sát viên tham dự.
Điều đó cho thấy mặc dù quan hệ đồng minh Mỹ – Nhật thời kỳ này không được “mặn nồng” như những gì Mỹ đang thể hiện với Hàn Quốc nhưng quan hệ song phương vẫn là đồng minh chiến lược bất chấp những biểu hiện khó hiểu bề ngoài.
Hội nghị cấp cao “2+2” diễn ra tại Seoul vừa rồi khiến nhiều người có cảm giác Mỹ nhiệt tình với Seoul bao nhiêu thì lại “lạnh nhạt” với Tokyo bấy nhiêu nhưng họ lại quên mất rằng lực lượng quân sự Mỹ đồn trú tại Nhật Bản (Okinawa) không những giảm đi hoặc bị di chuyển theo yêu cầu của người dân địa phương mà còn được tăng cường thêm 12 chiếc F-22 nữa.
Việc giữ được lực lượng quân sự Mỹ đồn trú tại Nhật Bản là vấn đề không hề dễ dàng nhưng nay đã được giải quyết bất chấp sự phản đối dữ dội từ dư luận người dân Okinawa và đánh đổi bằng việc cựu Thủ tướng Nhật Yukio Hatoyama phải từ chức.
Đó là thắng lợi rất lớn của Nhà Trắng trong việc tái cơ cấu sức mạnh quân sự tại Đông Á nói riêng, châu Á – Thái Bình Dương nói chung nhưng thắng lợi này lại được bao phủ bởi bầu không khí u ám trong quan hệ song phương chỉ nhằm mục đích lái dư luận chú ý sang hướng khác.
Trong một động thái khác khá bất ngờ, ngày 26/7 tờ Tin tức Yomiuri dẫn nguồn tin Chính phủ Nhật Bản cho hay, một cơ quan tư vấn Nội các Nhật Bản đang gấp rút hoàn thành bản báo cáo “An ninh thời đại mới và năng lực phòng vệ” dự kiến sẽ trình Nội các Nhật Bản trong tháng sau.
Nội dung báo cáo này có hai điểm đáng chú ý, một là tái bố trí lực lượng phòng vệ Nhật Bản từ chỗ dàn đều toàn quốc sang tập trung về phía Tây Nam (đảo Okinawa và các đảo khác án ngữ cứa ngõ từ Trung Quốc ra Thái Bình Dương vốn vẫn do Mỹ phụ trách), hai là giải thích khái niệm “Quyền tự vệ tập đoàn” ghi trong Hiến pháp Nhật Bản theo hướng cho phép lực lượng phòng vệ nước này được đánh chặn các tên lửa nhằm vào Mỹ mà bay qua không phận Nhật Bản và nới rộng “3 nguyên tắc xuất khẩu vũ khí”.
Cục diện Đông Á, châu Á – Thái Bình Dương vẫn đang tiếp tục có những vận động biến đổi khá mạnh, tuy có chỗ diễn ra âm thầm, có nơi triển khai rầm rộ nhưng đều nhằm tới một mục đích xác lập địa vị chiến lược cho mình trên bàn cờ Đông Á.
Trong những biến động đó, nổi bật hơn cả vẫn là bóng dáng của Mỹ và Trung Quốc và hai cường quốc này sẽ vẫn tiếp tục chi phối, thậm chí quyết định đến tương lai của khu vực.
Theo Hồng Vũ
VTCnews