Dư nợ tín dụng quý 1 tăng cao: Áp lực lớn trong việc huy động vốn

Quý 1-2011, dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố tăng trưởng, tới 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo lãnh đạo một số chi nhánh ngân hàng thương mại, điều này không đáng lo ngại vì các ngân hàng sẽ tự cân đối trong toàn hệ thống.

Quý 1-2011, dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố tăng trưởng, tới 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo lãnh đạo một số chi nhánh ngân hàng thương mại, điều này không đáng lo ngại vì các ngân hàng sẽ tự cân đối trong toàn hệ thống. Song, dư nợ tín dụng cao, đang tạo áp lực lớn trong việc huy động vốn và áp lực sẽ càng lớn hơn khi Ngân hàng Nhà nước  (NHNN) vừa quyết định tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi ngoại tệ thêm 2%, có hiệu lực thi hành từ tháng 5 tới.

Chênh lệch huy động vốn và cho vay cao
Giám đốc Habubank Hải Phòng cho biết, dư nợ cho vay của ngân hàng tăng cao không phải đột xuất mà tăng từ năm ngoái và trong hai tháng đầu năm do có nhiều dự án đầu tư triển khai, nhiều doanh nghiệp thành lập mới đi vào hoạt động, nhu cầu vốn tăng lên. Các ngân hàng có dư nợ cho vay cao hơn huy động vốn là Habubank Hải Phòng, Eximbank Hải Phòng, LienViet Bank Hải Phòng, Vietcombank Hải Phòng...

Khách hàng gửi tiền tiết kiệm tại Ngân hàng quốc tế VIBank.
                                                                                                             Ảnh: Duy Lê

Tuy nhiên, một số ngân hàng dư nợ cho vay thấp như Vietnam Tinnghia Bank Hải Phòng và SCB Hải Phòng là do chủ yếu huy động vốn trên địa bàn và chuyển về hội sở. Việc dư nợ cho vay tăng cao tạo áp lực lớn cho công tác huy động vốn. Bởi lẽ, các hợp đồng vay vốn được ký kết từ trước, với các hạn mức đủ bảo đảm cho hoạt động bình thường của doanh nghiệp hoặc bảo đảm tiến độ dự án đầu tư. Nay, nếu việc huy động vốn không tăng tương xứng với dư nợ cho vay sẽ rất khó khăn cho ngân hàng trong việc bảo đảm giải ngân các hợp đồng đã ký và cung ứng vốn cho các dự án mới. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng một số ngân hàng thương mại phải “đi đêm” đẩy lãi suất ngầm lên cao, tạo các ưu đãi hơn ngân hàng khác nhằm thu hút vốn, trong bối cảnh NHNN khống chế lãi suất huy động VNĐ 14%/năm. Ngân hàng nào càng gặp khó khăn về nguồn vốn thì càng âm thầm thực hiện chiến thuật này.
Cơ cấu lại tín dụng
Theo thời hạn cho vay, các tổ chức tín dụng hiện chủ yếu cho vay ngắn hạn.  Dư nợ cho vay ngắn hạn là 31.900 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 56% tổng dư nợ, còn lại là dư nợ cho vay trung, dài hạn. Nếu phân theo ngành nghề kinh tế, dư nợ cho vay khu vực nông nghiệp, nông thôn khoảng 9,4% tổng dư nợ trên địa bàn; cho vay đối tượng chính sách chưa đến 3% tổng dư nợ; cho vay chiết khấu giấy tờ có giá để đầu tư, kinh doanh chứng khoán khoảng 0,03%; cho vay bất động sản 8%. Như vậy, dư nợ cho vay các đối tượng trên chưa đến 20% tổng dư nợ, còn lại là cho vay doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng khác.
Để nâng cao chất lượng tín dụng, hiệu quả sử dụng đồng vốn, thay vì tăng dư nợ cho vay, ngành ngân hàng cần rà soát, cơ cấu lại danh mục các ngành nghề, dự án cho vay; tập trung vào các ngành nghề, lĩnh vực, các dự án có khả năng sinh lợi cao, nộp ngân sách lớn…, góp phần cùng thành phố tái cơ cấu lại nền kinh tế cũng như từng ngành nghề, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Mặt khác, các tổ chức tín dụng nên quan tâm tăng đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn. Đây là khu vực rộng lớn chiếm gần 54% dân số toàn thành phố nhưng chỉ được đầu tư khoảng hơn 10% tổng nguồn vốn (nếu tính cả đối tượng chính sách) là chưa thỏa đáng. Có tập trung cao đầu tư cho khu vực này mới đẩy mạnh được công nghiệp hóa, hiện đại hóa khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Theo Chi nhánh NHNN Hải Phòng, đến cuối tháng 3, tổng dư nợ các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố cho vay các thành phần kinh tế đạt 57.300 tỷ đồng, tăng trưởng 32% so với cùng kỳ năm trước; bằng 101% so với tháng trước  và chỉ tăng 3% so với đầu năm. Trong khi đó tổng huy động vốn chỉ đạt 43.500 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2010, tăng 1% so với tháng trước và bằng 100% so với đầu năm. Trong tổng vốn huy động này đã bao gồm cả vốn huy động từ các tỉnh ngoài. Như vậy, dư nợ cho vay vượt 13.800 tỷ đồng so với tổng huy động vốn.

Mai Hương

Đọc thêm