Tuyệt đối không được tiếp đương sự một cách phi chính thức ngoài trụ sở Tòa án
Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, TANDTC Chu Thành Quang cho biết, dự thảo Bộ Quy tắc đạo đức Thẩm phán gồm 5 chương, 21 điều; quy định về phạm vi, đối tượng điều chỉnh; về những chuẩn mực đạo đức của Thẩm phán; những quy tắc ứng xử của Thẩm Phán; khen thưởng, kỷ luật…
Trong đó, yêu cầu chung với Thẩm phán phải là người trung thành với Tổ quốc, gương mẫu chấp hành Hiến pháp và pháp luật; giữ bí mật nhà nước và bí mật công tác theo quy định của pháp luật; là tấm gương về phụng công, thủ pháp, chí công vô tư; liêm chính, độc lập, khách quan, công bằng, tận tụy và chỉ tuân theo pháp luật khi thi hành nhiệm vụ, công vụ.
Thẩm phán phải xử sự bản lĩnh,đúng mực, khoan dung, nhân ái, lịch thiệp và thận trọng khi thực hiện nhiệm vụ cũng như trong đời sống cá nhân để gìn giữ sự tin tưởng, tôn trọng của người dân và xã hội đối với Thẩm phán và Tòa án; không được làm những việc ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng, địa vị cao quý của Thẩm phán. Thẩm phán phải không ngừng học tập, nghiên cứu để nâng cao kiến thức, trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ.
Khi giải quyết vụ việc, Thẩm phán không được có bất cứ phát biểu hay bình luận nào tại phiên tòa, phiên họp, trước công chúng hoặc truyền thông làm ảnh hưởng tới việc giải quyết vụ việc một cách vô tư, khách quan.
Thẩm phán không được lợi dụng địa vị Thẩm phán của mình để thúc đẩy lợi ích của mình hoặc của người khác; không được và không cho phép các thành viên trong gia đình, cán bộ, công chức Tòa án dưới quyền quản lý của mình yêu cầu hoặc chấp nhận bất cứ món quà, khoản thừa kế, khoản vay hay quyền lợi nào khác liên quan đến bất cứ điều gì mà Thẩm phán đã làm hoặc sẽ làm hoặc cố ý không làm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của Thẩm phán.Thẩm phán chỉ có thể nhận món quà lưu niệm, giải thưởng hay khoản tiền phù hợp với sự kiện được tổ chức, với điều kiện món quà, giải thưởng hay khoản tiền đó không bị coi là thể hiện sự thiếu vô tư, khách quan hoặc là một hình thức có thể ảnh hưởng tới quá trình thực hiện nhiệm vụ của Thẩm phán…
Đồng tình với nhiều quy định của dự thảo, song theo PGS.TS Phạm Duy Nghĩa – Đại học Fulbright Việt Nam lưu ý, thẩm phán cần tránh trao đổi không chính thức với các bên và luật sư của họ, các cuộc gặp cần có triệu tập công khai và tiếp tại Tòa, tốt nhất nên quy định cụ thể hơn, ví dụ như: Nếu có nhu cầu cần thêm thông tin từ một đương sự, Thẩm phán phải triệu tập công khai đương sự đó đến Tòa và phải thông báo để các bên còn lại cùng biết; tuyệt đối không được tiếp đương sự một cách phi chính thức ngoài trụ sở Tòa án.
Không nên có những quy định mang tính bắt buộc
Còn theo PGS.TS Hoàng Thế Liên - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, với tư cách là Bộ quy tắc đạo đức, cần mang tính yêu cầu, hướng dẫn, khuyến nghị là chủ yếu. Không nên quy định trách nhiệm này, nghĩa vụ kia mà nên thể hiện theo hướng: việc gì Thẩm phán cần làm, việc gì không nên làm, việc gì nên tránh; trong các mối quan hệ nên xử sự như thế nào cho phù hợp với chuẩn mực của chức danh tư pháp cao quý là Thẩm phán. Cũng không nên có những quy định mang tính bắt buộc mà nên đề cao tính ràng buộc bởi nghề nghiệp. Đã vào nghề Thẩm phán thì buộc phải chấp nhận những ràng buộc, thậm chí những hạn chế vì nghề, rất tự nhiên và tự nguyện.
PGS,TS Trần Văn Độ - Nguyên Phó Chánh án TANDTC cho rằng, nên quy định Thẩm phán không được nhận quà biếu và lợi ích khác liên quan đến địa vị của mình; mà không giới hạn trong việc làm hay không làm một việc cụ thể. Ngoài năng lực, trình độ, Thẩm phán cần có bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng, dũng cảm ra phán quyết khi đúng đắn và thừa nhận sai sót nghề nghiệp của mình để tránh oan, sai, bảo vệ lẽ phải, công lý. Cũng nên chăng quy định lòng trắc ẩn, tính cảm thông, nhân đạo như là một phẩm chất của Thẩm phán. Thiếu những phẩm chất này phán quyết của Thẩm phán dễ khô cứng, được lý nhưng sẽ thiếu tình trong những trường hợp cần thiết.
Trước quy định thẩm phán được viết báo, viết sách, nghiên cứu khoa học, giảng dạy hoặc các hoạt động có thu nhập khác theo quy định của pháp luật nhưng tổng thu nhập của những hoạt động này không được vượt quá tổng lương và các phụ cấp của Thẩm phán, TS. Phạm Quý Tỵ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp nhận định, mục đích của quy định này là để Thẩm phán phải toàn tâm, toàn ý vào nhiệm vụ của Thẩm phán là chính, những hoạt động không thuộc nhiệm vụ của Thẩm phán không được ảnh hưởng đến hoạt động chính của Thẩm phán. Quy định này là cần thiết, nhưng không nên quy định lấy tổng thu nhập của những hoạt động khác làm thước đo để hạn chế Thẩm phán không được làm những việc khác không phải nhiệm vụ của Thẩm phán, vì quy định này vừa không phù hợp với thực tiễn và không có tính khả thi.