Đó chính là ý kiến của GS Lê Đăng Doanh khi được nói về chính sách ưu đãi đầu tư cho khối DN FDI tại lễ công bố kết quả nghiên cứu ưu đãi đầu tư và hoạt động của doanh nghiệp ở Việt Nam của tổ chức công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO) vừa được tổ chức ngày 26/6.
Ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết thời gian qua chính phủ đã có những nhận thức quan trọng về chính sách ưu đãi đầu tư với các DN FDI. Theo ông Quang, hiện nay Chính phủ đã có những ưu đãi về thuế thu nhập DN, thuê đất, thuế xuất nhập khẩu, tín dụng, hỗ trợ các thủ tục hành chính cho các DN FDI.
Tính theo lĩnh vực, ngành công nghiệp chiếm tới 54% vốn FDI trong suốt 25 năm qua. Đánh giá về hiệu quả đầu tư, ông Quang cho rằng VN đã không thành công trong việc thu hút vốn đầu tư vào các địa bàn kinh tế-xã hội còn khó khăn như: Tây Bắc, Tây Nguyên, duyên hải Miền Trung và các ngành nông nghiệp, công nghệ cao, quy mô vốn vẫn còn nhỏ. Lĩnh vực bất động sản tuy không có nhiều ưu đãi nhưng vẫn thu hút FDI lớn.
Ông Quang cho biết, chính sách ưu đãi đầu tư cho DN FDI đóng vai trò vô cùng quan trọng bởi khi các yếu tố thu hút đầu tư khác chưa hiệu quả thực sự thì ưu đãi trong đầu tư được coi là một yếu tố thay thế. “Theo thống kê của Cục các DN rất quan tâm đến ưu đãi đầu tư, thực tế cho thấy các DN được ưu đãi đầu tư có khuynh hướng tái đầu tư”, ông Quang cho hay. Trong tương lai Cục sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách ưu đãi đầu tư FDI, đồng bộ hóa, gắn liền với từng dự án cụ thể thông qua đàm phán và giám sát chặt chẽ.
Trong khi đó GS. Lê Đăng Doanh lại cho rằng ưu đãi đầu tư cho các DN FDI là rất cần thiết song trong bối cảnh chung của nền kinh tế Việt Nam nên đầu tư mạnh về kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chứ không phải là cứ ưu đãi đầu tư là thu hút được nước ngoài. Theo ông Doanh, nguồn nhân lực mới là vấn đề then chốt trong thu hút nước ngoài.
Đặc biệt, ông Doanh lưu ý việc ưu đãi đầu tư FDI phải minh bạch rõ ràng, tránh gây thiệt thòi cho các DN trong nước vốn đang rất khó khăn về vốn, lãi suất tín dụng và lạm phát. “Ưu đãi DN nước ngoài không nên dẫn đến hạn chế sự phát triển của DN trong nước. Trên thực tế, tôi đã nghe nhiều nhà bán lẻ VN thắc mắc DN FDI có địa thế, vị trí đất ở trung tâm đắc địa nhất sao các DN trong nước không có được. Có ưu đãi nhưng phải tạo ra một môi trường kinh doanh bình đẳng, cùng phát triển phải giám sát chặt chẽ để không dẫn đến mất kiểm soát, méo mó trong chính sách”, ông Doanh phát biểu.
Thủ tục hành chính quá phức tạp cùng chính sách ưu đãi đầu tư chưa đồng bộ khiến một số địa phương tự ý cấp ưu đãi đầu tư cho các DN vượt thẩm quyền của Cục Đầu tư. Ông Doanh cho rằng tình trạng trên rất dễ dẫn đến việc lợi dụng ưu đãi để trục lợi cá nhân.
Theo PGS Tạ Lợi, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Việt Nam không nên tập trung quá nhiều ưu đãi về thuế đất mà nên ưu đãi cả về chi phí gia nhập đầu tư, hỗ trợ các thủ tục hành chính. Ông Lợi cảnh báo, có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào VN để soi xét xem có sơ hở gì trong luật đầu tư để trục lợi. Vì vậy phải hoàn thiện hệ thống đầu tư, tránh việc tận dụng quá mức các ưu đãi rồi nhũng nhiễu, đòi hỏi.
Tại buổi lễ công bố báo cáo ưu đãi đầu tư, ông Brian Portelli, chuyên gia UNIDO cho biết, Báo cáo Điều tra công nghiệp Việt Nam dựa trên bộ dữ liệu gồm hơn 500 biến số thu thập từ gần 1.500 doanh nghiệp. Trong đó các DN FDI nhận được ưu đãi đầu tư hoạt động tốt hơn các DN Việt Nam. Doanh nghiệp FDI có xu hướng sử dụng nhiều lao động hơn, có năng suất lao động cao hơn và có vốn đầu tư nhiều hơn các DN Việt Nam.
Báo cáo cũng cho thấy không có sự khác biệt lớn về kết quả hoạt động của doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp FDI không nhận được ưu đãi. Ông Brian Portelli nhận định, đối với các DN nước ngoài yếu tố ưu đãi đầu tư quan trọng nhưng không phải là quan trọng nhất.
Ông cho rằng: “Các công ty nước ngoài quyết định đầu tư trước hết là vì nước chủ nhà có nền tảng kinh tế vững chắc, rồi sau đó mới đến khung ưu đãi. Sự ổn định kinh tế và chính trị, chất lượng nguồn nhân lựu, có sở hạ tầng, chính sách về thuế, luật và thủ tục hành chính mới là những nhân tố mà nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến”./.