Dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi): Cần có chính sách thu hút người tài vào khu vực công

(PLVN) - Hôm qua (28/8), tại Hà Nội, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị “Phản biện xã hội đối với Dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi)” với sự tham gia của đông đảo lãnh đạo các Bộ, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học, những người có nhiều kinh nghiệm trong công tác Đoàn.
 Toàn cảnh hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đánh giá, so với Luật Thanh niên hiện hành, Dự thảo Luật đã có nhiều bước tiến đáng kể, có cách tiếp cận mới, gần gũi và giải quyết nhiều vấn đề về thanh niên hơn.

Tuy nhiên, dự thảo Luật vẫn cần hoàn thiện hơn để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, cụ thể hóa hơn nữa để đáp ứng được kỳ vọng của thanh niên. Ví dụ như đối tượng thanh niên là nhân tài của đất nước, nhưng không thiết tha với công việc ở khu vực công. 

“Đất nước đang cần nhiều người tài giỏi kiến thiết những công việc to lớn của đất nước, nhưng những nhân tài đều lựa chọn ra nước ngoài lập nghiệp hoặc phục vụ khối doanh nghiệp. Phải chăng do chính sách chưa thực sự phù hợp để có thể thu hút nguồn nhân tài về với khu vực công?”- ông Hiểu đặt vấn đề, đồng thời bày tỏ băn khoăn: “Luật có giải quyết được vấn đề thu hút người tài trực tiếp tham gia vào khu vực công hay không?”.

Do đó, ông Hiểu cho rằng, xây dựng Luật không vội, không vì cái này, cái kia mà khi Luật ra đời cần có tác động lớn, có cơ chế thực sự, động lực thật sự với thanh niên làm sao đóng góp tốt nhất với đất nước.

Liên quan đến thanh niên đang làm việc và là lao động chính tại các khu công nghiệp lớn, ông Hiểu cho rằng các chính sách của Nhà nước nói chung và của địa phương nói riêng chưa hướng tới lực lượng này.

Ông cũng đề nghị các tỉnh cần dành nguồn lực cũng như kinh phí, bớt xây trụ sở to, bảo tàng lớn không ai vào mà xây nhà ở cho công nhân, trường học cho các cháu. Cùng với đó, chính quyền cần đối thoại với đối tượng này để giải quyết tâm tư, nguyện vọng của thanh niên.

Còn theo ông Vũ Trọng Kim, nguyên Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn, Luật Thanh niên sửa đổi lần này là một cơ hội tốt để những người soạn thảo có cách tiếp cận mới, trực diện hơn về khối đối tượng quan trọng của đất nước.

Đây là nhóm nhân khẩu xã hội mang tính đặc thù chứ không phải một nhóm bình thường vì tính thừa kế và hậu bị và là tương lai của đất nước. Ông cho rằng, Luật cần tập trung hơn vào 3 nhân tố chính trong quyền và nghĩa vụ của thanh niên, gồm: học tập và rèn luyện; bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh trật tự xã hội; xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội.

“Luật Thanh niên không phải chỉ để giải quyết nguyện vọng, yêu cầu của thanh niên mà còn phải hỗ trợ, tiếp sức và khơi dậy trong thanh niên mong muốn được học tập, rèn luyện và cống hiến. Muốn vậy, cần có những chính sách thực sự phù hợp, cũng như trách nhiệm rõ ràng, cụ thể của các cấp bộ, ngành, quản lý nhà nước để kêu gọi, thúc đẩy thanh niên thực hiện”, ông Kim nhấn mạnh.  

Đọc thêm