Dự thảo Nghị định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa: Một số quy định chưa đảm bảo tính minh bạch

(PLO) - Trong Dự thảo Nghị định quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa mà Bộ Giao thông Vận tải chủ trì xây dựng, nhiều quy định liên quan đến thủ tục hành chính được các chuyên gia cho rằng chưa đảm bảo tính minh bạch.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Không rõ về quy trình, tiêu chí xét duyệt, thời gian thực hiện thủ tục

Khoản 2 Điều 4 Dự thảo quy định, việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa phải theo quy hoạch đã được phê duyệt, trường hợp dự án đầu tư xây dựng khác so với quy hoạch đã được phê duyệt thì “trước khi triển khai dự án, chủ đầu tư phải báo cáo và được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chấp thuận”. Đây được xem là một dạng giấy phép nhưng không rõ về: chủ thể cấp phép (cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch là cơ quan nào); trình tự thủ tục cấp phép (hồ sơ, thời gian giải quyết) và tiêu chí để cơ quan có thẩm quyền xem xét chấp thuận hoặc từ chối.

“Trường hợp này được xem là một ngoại lệ của việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa – không theo quy hoạch. Việc chấp thuận ngoại lệ này cần phải được quy định rõ ràng, tránh bị lạm dụng làm giảm ý nghĩa của nguyên tắc “phù hợp với quy hoạch”. Vì vậy, để đảm bảo tính minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ các vấn đề trên” – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam kiến nghị trong văn bản góp ý gửi Bộ Giao thông Vận tải.

Liên quan đến thỏa thuận thông số kỹ thuật, Điều 6 Dự thảo quy định, trước khi đầu tư xây dựng luồng, chủ đầu tư sẽ phải thực hiện thủ tục để thỏa thuận thông số kỹ thuật với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đây là một dạng thủ tục hành chính, theo đó chủ đầu tư sẽ gửi hồ sơ, cơ quan nhà nước sẽ nhận hồ sơ, xem xét và có “văn bản thỏa thuận vị trí xây dựng cảng, bến thủy nội địa gửi cho chủ đầu tư”. Thế nhưng, Dự thảo không quy định về căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét để “thỏa thuận vị trí xây dựng cảng bến thủy nội địa gửi cho chủ đầu tư”. Điều này khiến cho quy trình thỏa thuận này trở nên chưa rõ ràng và có thể gây khó khăn cho các đối tượng trong quá trình triển khai, đặc biệt là các nhà đầu tư, khi không nhận biết trước được các chính sách áp dụng. 

Theo các chuyên gia pháp luật của VCCI, trong Dự thảo Nghị định này còn một số quy định không rõ ràng sẽ khiến cho quy trình thực hiện gặp khó khăn, như không quy định thời hạn xem xét hồ sơ và ra quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thủ tục đóng âu tàu (Điều 20),  không nêu rõ trình tự của thủ tục thỏa thuận của cơ quan có thẩm quyền trong quy định về sửa chữa, nâng cấp công trình cảng, bến thủy nội địa (Điều 33), thủ tục chấp thuận phương án bảo đảm an toàn giao thông đối với thi công công trình liên quan đến giao thông đường thủy nội địa (Điều 39)…

Quy định không rõ ảnh hưởng quyền lợi của doanh nghiệp

Trong khi đó, một số quy định về thủ tục hành chính lại thiếu quy định về thời gian xem xét tính hợp lệ của hồ sơ. Về mặt nguyên tắc, khi quy định về thủ tục hành chính, sẽ phải xác định cụ thể các khoảng thời gian của từng bước thực hiện thủ tục, trong đó có thời gian cơ quan có thẩm quyền xem xét tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ. Đây là khoảng thời gian quan trọng, là căn cứ để xác định các khoảng thời gian tiếp theo. Hầu hết các khoảng thời gian cơ quan xem xét, thẩm định hồ sơ để cấp phép đều được tính từ thời điểm nhận được “hồ sơ hợp lệ” mà không phải là thời điểm nhận được “hồ sơ”. Thế nhưng, rất nhiều quy định về thủ tục hành chính trong Dự thảo thiếu quy định về khoảng thời gian cơ quan có thẩm quyền xem xét tính hợp lệ, đầy đủ của hồ sơ. Điều này có thể khiến cho doanh nghiệp không nhận biết được thời gian hoàn thành thủ tục hoặc/và có nguy cơ doanh nghiệp bị yêu cầu hoàn thiện hồ sơ nhiều lần.

Một nội dung khác là thời hạn “không quá 5 năm” trong quy định về hiệu lực của quyết định công bố hoạt động bến thủy nội địa (Điểm b khoản 6 Điều 13) cũng được yêu cầu bỏ, vì việc đặt ra thời hạn không quá 05 năm là chưa rõ về mục tiêu quản lý và chưa hợp lý, bởi vì, đối với cảng thủy nội địa thời hạn công bố được xác định theo thời hạn đất do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp mà không bị giới hạn về thời gian tối đa, trong khi đó đối với bến thủy nội địa lại bị giới hạn. Trong khi đó, mỗi lần công bố lại sẽ phải thực hiện thủ tục hành chính mới, điều này sẽ mất thời gian và chi phí cho các nhà đầu tư. 

Còn đối với quy định vì “lý do đặc biệt khác” khu neo đậu sẽ được xem xét, công bố đóng (điểm c khoản 1 Điều 16), các chuyên gia pháp luật cho rằng trường hợp này là chưa rõ ràng, vì không rõ những trường hợp đặc biệt khác là những trường hợp nào. Việc đóng khu neo đậu sẽ tác động trực tiếp đến quyền lợi của các doanh nghiệp có hoạt động liên quan đến khu neo đậu, nếu khu này bị đóng vì những lý do chưa hợp lý và thiếu rõ ràng thì sẽ gây thiệt hại cho các chủ thể này.

Đọc thêm