Những dự thảo, chính sách thuế của Nhà nước thay đổi luôn có những tác động không nhỏ tới các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, kinh doanh xe hơi. Nhiều người ví von: “Doanh nghiệp ứng phó với thuế như dân ta ứng phó với bão”.
Doanh nghiệp kêu, thuế cứ thay đổi bất ngờ
Nói về chính sách thuế áp dụng cho ngành ôtô nói chung, những người đứng đầu các doanh nghiệp ôtô (bao gồm cả lắp ráp, sản xuất, nhập khẩu, cả “nội” lẫn “ngoại”) khi được hỏi đều cho rằng: “Các dự thảo, chính sách thuế ôtô được ban hành, thay đổi nhanh đến chóng mặt, và khó mà dự đoán cũng như lường trước được”.
Ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng Giám đốc Vinaxuki (Nhà máy ôtô Xuân Kiên) trong 1 lần trao đổi với báo chí đã nói: “Khắp thế giới người ta đều biết chính sách ôtô của Việt Nam thay đổi soành soạch. Chính sách về ôtô của ta không những thay đổi liên tục mà còn thay đổi kiểu bất ngờ và không có lộ trình”.
Ông Xavier Casin – Giám đốc Điều hành Auto Motors Việt Nam (nhà nhập khẩu chính thức xe Renault tại Hà Nội) vừa “chân ướt, chân ráo” đến Việt Nam đã khẳng định: “Việc nghiên cứu thị trường ôtô Việt Nam cũng không hề dễ dàng chút nào. Các vấn đề về chính sách cũng như những luật định liên quan đến lĩnh vực này thay đổi liên tục. Chính vì vậy, các nhà kinh doanh cũng phải hết sức nhanh nhạy mới có thể theo kịp”. Tổng Giám đốc của Nissan Việt Nam - ông Flemming Eltang thì cho rằng: “Chính sách thuế ổn định sẽ là động lực lớn giúp nhà đầu tư tin tưởng tiếp tục mở rộng sản xuất”.
|
"Chúng tôi cần có những chính sách ổn định của Chính phủ..." |
Chủ tịch VAMA, tổng giám đốc Toyota Việt Nam – ông Akito Tachibana trong cuộc trả lời phỏng vấn của Autonet gần đây nhất cũng đề xuất: “Chúng tôi cần có những chính sách ổn định của Chính phủ. Chỉ khi có chính sách ổn định thì chúng tôi mới có thể đưa ra những quyết định, kế hoạch đầu tư lâu dài”.
Nhà sản xuất kêu, nhà nhập khẩu kêu, liên doanh sản xuất, lắp ráp trong nước được bảo hộ cũng kêu nhưng việc chính sách thuế thay đổi thì cứ thay đổi. Lấy ví dụ, 2007 - 2008 là khoảng thời gian có quá nhiều bất ngờ về thuế đối với ôtô (5 lần điều chỉnh thuế ôtô trong vòng 16 tháng). Trong năm 2007 Bộ
Tài chính 3 lần giảm thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ 90% xuống còn 60%. Tuy nhiên giảm được vài tháng thì tháng 3/2008 lại nâng lên 70% rồi chẳng lâu sau là 83%. Bộ Tài chính cho biết, mục tiêu điều chỉnh thuế là “chống ách tắc giao thông và giảm nhập siêu”. Chống tắc hay giảm siêu thì chưa biết nhưng nhiều doanh nghiệp nhập khẩu ôtô “dở mếu dở khóc” vì không lường trước được sự thể này.
Tuy nhiên điều đáng nói hơn là Bộ Tài chính thường bí mật thông tin đến phút chót khiến các doanh nghiệp nhập khẩu đều bất ngờ và hoàn toàn mất chủ động.
“Nhập khẩu” lo ngắn, “lắp ráp” lo dài
Mới đây, những thông tin về việc thay đổi biểu thuế mới vào đầu 2011 cùng dự thảo giảm thuế nhập khẩu xe ôtô xuống còn 0% vào năm 2012 lại một lần nữa khiến các doanh nghiệp “giật mình”.
Tháng 11 thường là quãng thời gian ôtô nguyên chiếc nhập khẩu tăng vọt trước khi doanh nghiệp khóa sổ, đồng thời để chuẩn bị đủ hàng cho thị trường cuối năm. Tuy nhiên, những diễn biến trên thị trường xe hơi nhập khẩu đang đi ngược lại quy luật thường niên đó. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, cộng dồn đến hết nửa đầu tháng 11, tổng kim ngạch nhập khẩu ôtô nguyên chiếc năm nay chỉ đạt 41.570 chiếc về lượng và 763,6 triệu USD về giá trị, giảm 28,1% về lượng và 16,8% về giá trị so với cùng 2009.
Đại diện một số doanh nghiệp kinh doanh ôtô nhập khẩu cho biết, sở dĩ có hiện tượng như vậy là do tỷ giá USD đã tăng rất cao trong thời gian qua khiến giá xe bị đội lên. Qua đó, không những doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc nhập khẩu, xây dựng giá bán mà bản thân nhu cầu của người dân cũng bị “hãm” lại.
|
Thị trường xe ngoại vốn trầm lắng lại càng thêm ảm đạm |
Thị trường xe ngoại vốn trầm lắng lại càng thêm ảm đạm trước các thông tin về việc điều chỉnh thuế từ năm 2011. Các salon ôtô vẫn có khách nhưng chỉ đơn thuần đến để hỏi thăm biểu thuế mới chứ không đặt vấn đề mua bán. Trong tháng 11, Bộ Tài chính sẽ hoàn tất việc xây dựng các mức thuế áp dụng với cả dòng xe chở người lẫn xe tải. Không đưa ra thuế suất cũng như thời điểm dự kiến áp dụng, Bộ Tài chính chỉ công bố mức cam kết theo ASEAN là 70% và WTO 83%. Riêng dòng xe 2 cầu thuế suất cam kết với WTO là 73% và theo ASEAN là 70%. Người tiêu dùng các năm trước mua xe chạy thuế thì năm nay dừng mua xe để chờ thuế.
Các doanh nghiệp nhập khẩu lo thị trường xe “ngoại” rơi vào cảnh chợ chiều dịp cuối năm. Đó là nỗi lo trước mắt. Trong khi đó, các đơn vị sản xuất lắp ráp xe trong nước đang phải lo cho tương lai của mình bằng một nỗi lo dài.
Những thông tin về Dự thảo nhóm các mặt hàng được cắt giảm và xóa bỏ thuế quan vào năm 2012 (giảm thuế suất xuống mức 0-5%), trong đó có ôtô nhập khẩu nguyên chiếc khiến các doanh nghiệp lắp ráp trong nước không khỏi bất ngờ. Nếu bản dự thảo này trở thành hiện thực thì đúng là “các doanh nghiệp thuộc VAMA có nguy cơ sẽ phải đóng cửa” như lời khẳng định của đại diện Toyota Việt Nam khi nhận được bản dự thảo nói trên. Đây là thông tin đột ngột với các doanh nghiệp vì theo lộ trình, đến năm 2018, ôtô mới là mặt hàng nhập khẩu được xóa bỏ thuế quan, thuế suất 0%.
Nhiều chuyên gia phân tích kinh tế dự đoán, nếu không có thay đổi gì, thị trường ôtô cuối năm sẽ vẫn khá ảm đạm mặc dù đã bước vào mùa mua sắm. Lại một lần nữa thông tin về những dự thảo, chính sách thuế tác động đến tâm lí người tiêu dùng và tác động trực tiếp tới doanh số bán hàng của các doanh nghiệp ôtô.