Đưa chính sách an sinh về với đồng bào thiểu số

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chính sách an sinh xã hội mang lại hạnh phúc, bảo đảm công bằng, tiến bộ và bình đẳng xã hội. Tuy nhiên, ở những vùng tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, lượng người tham gia bảo hiểm xã hội còn hạn chế. Để giúp người dân hiểu về chính sách an sinh xã hội, Tổ chức ActionAid quốc tế tại Việt Nam, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với UBND huyện Ba Vì, UBND xã Khánh Thượng tổ chức buổi tư vấn pháp lý miễn phí trên địa bàn xã.
Đoàn Luật sư Hà Nội tư vấn pháp lý miễn phí cho người dân. (Nguồn: Duy Khánh)
Đoàn Luật sư Hà Nội tư vấn pháp lý miễn phí cho người dân. (Nguồn: Duy Khánh)

Còn đó nhiều rào cản

Đến với nhà anh Trang Văn Vinh (sinh năm 1973), sống tại xã Khánh Thượng (huyện Ba Vì), được biết gia đình vừa vươn lên thoát khỏi danh sách hộ nghèo. Nhà anh có ba người con, thu nhập vợ chồng chủ yếu đến từ việc trồng cây, chăn nuôi. Mỗi tháng thu nhập của cả gia đình rơi vào khoảng trên dưới 4 triệu đồng. Anh Vinh chia sẻ: “Tùy vào thời điểm, có những tháng trong xã, trong huyện nhiều người thuê làm việc theo giờ, gia đình thêm thu nhập. Với những tháng ít việc, mức thu nhập bình quân rơi vào khoảng 4 triệu đồng”.

Gia đình anh Vinh hiện tại vẫn sống trong một căn nhà cấp bốn. Mảnh đất của nhà anh Vinh là của một gia đình Hà Nội thuê anh chị ở lại trông đất. Hơn 18 năm nay, với mức thu nhập thấp, anh chị không đủ khả năng mua một mảnh đất riêng, để tự trồng trọt, chăn nuôi theo nhu cầu gia đình. Anh Vinh cho biết, vì tính chất công việc thời vụ, nên anh chị không có điều kiện đóng bảo hiểm xã hội (BHXH). Anh chia sẻ: “Dù chính quyền địa phương đã có những chính sách hỗ trợ các hộ cận nghèo. Tuy nhiên, do không có đất để tự trồng trọt, canh tác, hiện tại, vợ chồng tôi vẫn làm công việc tự do”. Đây là một thiệt thòi khi anh Vinh và vợ đến tuổi về hưu, suy giảm sức lao động.

Chị Nguyễn Thị Phượng (54 tuổi, Chi hội trưởng thôn Khánh Chúc Đồi, xã Khánh Thượng, Ba Vì) cho biết, hiện tại, dù đang làm việc trong chi hội thôn, mức thu nhập của chị dao động khoảng 700 nghìn đồng đến 1 triệu/tháng. Để đảm bảo cuộc sống gia đình, chị phải cùng các thành viên trong nhà phải tự chăn nuôi, trồng trọt. Tuy nhiên, thu nhập từ việc trồng cây, nuôi gia súc, gia cầm không cao, rất bấp bênh. Vì vậy, các con của chị phải nhận thêm những công việc bán thời gian ở khu công xưởng nghề thủ công, nhà máy, xí nghiệp.

Chị Nguyễn Thị Phượng cho biết kinh tế gia đình chưa đủ để chị tham gia BHXH tự nguyện. (Nguồn: PV)

Chị Nguyễn Thị Phượng cho biết kinh tế gia đình chưa đủ để chị tham gia BHXH tự nguyện. (Nguồn: PV)

Phần lớn các thành viên trong độ tuổi lao động ở gia đình chị chỉ được đóng bảo hiểm y tế (BHYT), còn BHXH tự nguyện chưa ai trong gia đình có. Chia sẻ về lý do, chị Phượng tâm sự: “Mặc dù tôi biết BHXH mang lại nhiều lợi ích về lâu dài cho người lao động. Đặc biệt là các nữ lao động người dân tộc thiểu số như chúng tôi. Nhưng, điều kiện gia đình chưa cho phép tôi có đủ tiền để chi trả cho BHXH mỗi tháng. Tuy nhiên, tôi đang cân nhắc để trong tương lai sẽ mua BHXH, đảm bảo cuộc sống về hưu sau này. Đối với con trẻ trong gia đình, tôi mong muốn các con sẽ mua BHXH từ sớm để có được chế độ thai sản, hưu trí, tử tuất,... tốt nhất có thể”.

Được biết, xã Khánh Thượng là một trong 7 xã miền núi ở Ba Vì có lượng người dân tộc thiểu số sinh sống đông đảo, chiếm hơn 50% dân số. Xã Khánh Thượng được thiên nhiên ban cho mảnh đất màu mỡ, dễ dàng trồng trọt. Người dân tại đây chăm chỉ, cần cù, nhiều đời làm nông nghiệp. Kế sinh nhai của họ chủ yếu là chăn nuôi, trồng cây, làm miến dong, chổi chít, hái lá thuốc,...

Xã có mức tổng thu nhập đạt hơn 430 tỷ đồng, trong đó, thu từ sản xuất nông nghiệp đạt 105 tỷ đồng, thu từ dịch vụ thương mại 40 tỷ đồng, thu từ tiểu thủ công nghiệp và xây dựng đạt 30 tỷ đồng, thu từ các nguồn khác đạt khoảng 260 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 50,24 triệu đồng/người/năm. Từ khoảng năm 2021 đến nay, xã đã xóa đói giảm nghèo thành công cho rất nhiều hộ. Chỉ tính riêng đến hơn nửa đầu năm 2024, xã đã không còn hộ nghèo. Nhưng đáng chú ý, xã có hơn 5.000 đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó tỷ lệ bảo hiểm xã hội tự nguyện (theo số liệu đăng ký với cán bộ xã): 57 người, chiếm tỷ lệ còn rất ít.

Ông Phương Công Thạch, cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội của xã Khánh Thượng cho biết, hiện tại, tỷ lệ tham gia bảo hiểm của người dân ở xã rơi khoảng hơn 93% (số liệu năm 2023). Tuy nhiên, lượng người tham gia BHXH tự nguyện tương đối thấp. Chủ yếu là những người trẻ trong độ tuổi lao động, có mức thu nhập ổn định. Chính quyền xã thường động viên người dân tích cực tham gia BHXH, mỗi tháng đóng một phần, nâng dần lên khi có điều kiện. Mặc dù, người dân đang có chuyển biến, chủ động tìm hiểu về BHXH, nhưng cần thời gian và các hoạt động tuyên truyền từ thôn, xóm giúp người dân tích cực tham gia BHXH hơn.

Thực tế, ngoài xã Khánh Thượng, còn rất nhiều các địa phương khác có tỷ lệ người lao động dân tộc thiểu số đóng BHXH thấp. Đại bộ phận, mọi người chỉ quan tâm đến phúc lợi ngắn hạn như BHYT. Vì vậy, số lượng người lao động khu vực phi chính thức ở các địa phương mua BHXH rất thấp, ảnh hưởng đến quyền lợi trong tương lai của họ.

Hỗ trợ tư vấn pháp lý, nâng cao nhận thức cho người dân

Ông Tạ Việt Anh - Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) cho biết, thông qua việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tới đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật, cũng như nâng cao hiểu biết về quyền của đồng bào, để bà con thực thi hiệu quả chính sách dân tộc, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hiện nay, Đảng, Nhà nước và Chính phủ có nhiều chính sách an sinh xã hội ưu việt dành cho bà con dân tộc ít người, trong đó không thể không kể đến chính sách hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng BHYT cho người dân tộc đang sinh sống tại địa bàn các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc ít người và miền núi. Ngoài ra, các chính sách BHXH cũng có những thuận lợi dành cho người lao động dân tộc thiểu số. Vì vậy, việc tham gia BHYT, BHXH là một lợi thế cho đồng bào dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động.

Trong khuôn khổ chương trình buổi tư vấn pháp lý miễn phí ở xã Khánh Thượng. Người dân đã được Đoàn Luật sư Hà Nội tư vấn các chính sách an sinh - xã hội. Luật sư Nguyễn Ngọc Lan - Đoàn Luật sư TP Hà Nội chia sẻ, đối với vấn đề an sinh xã hội, người lao động, đặc biệt là nữ lao động người dân tộc thiểu số cần lưu ý một số vấn đề. Những lao động đang đi làm cần quan tâm đến BHXH. Với những cá nhân không còn đi làm nữa hoặc làm ở khối tư nhân phải lưu ý đến BHYT. Các lao động nữ phải quan tâm tới chế độ thai sản. Trong phạm vi gia đình, người lao động cần nắm được quyền hưởng thụ đất đai dành cho phụ nữ và phụ nữ dân tộc thiểu số.

Người lao động dân tộc thiểu số gặp nhiều rào cản tham gia BHXH tự nguyện. (Nguồn: Duy Khánh)

Người lao động dân tộc thiểu số gặp nhiều rào cản tham gia BHXH tự nguyện. (Nguồn: Duy Khánh)

Thực tế, hiện tại, người lao động dân tộc thiểu số ở khu vực phi chính thức vẫn còn thiếu kiến thức tham gia BHXH tự nguyện. Có những người đã lớn tuổi, họ rất ngại tham gia BHXH, thời gian được hưởng lương hưu, các chế độ sẽ chậm hơn người trẻ. Một số người lao động khác lại băn khoăn về chế độ thai sản đối với nữ lao động dân tộc thiểu số.

Để trả lời câu hỏi này, Luật sư Nguyễn Ngọc Lan - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, Luật BHXH năm 2024 có hiệu lực năm 2025 có nhiều điểm tiến bộ, có lợi cho người lao động. Cụ thể, lao động chỉ cần đóng đủ 15 năm là được nhận lương hưu. Ngoài lương hưu, lao động còn được mua BHYT tế miễn phí, được hưởng chế độ thai sản; tử tuất... Đối với chế độ thai sản, theo Điều 99 dự thảo Luật BHXH sửa đổi mới nhất vừa được Quốc hội thông qua thì người tham gia BHXH được hưởng chế độ thai sản 2 triệu đồng cho mỗi con được sinh ra hoặc mỗi thai từ 22 tuần tuổi trở lên không may chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ.

Đối với lao động nữ người dân tộc thiểu số hoặc lao động nữ người Kinh có chồng là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cư trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn khi sinh con thì ngoài mức hưởng nêu trên, vẫn được hưởng chính sách hỗ trợ khi sinh con theo quy định của Chính phủ (mức hỗ trợ là 2 triệu đồng/người/con).

Đọc thêm