Đứa con của những ngọn tháp chàm mất ngủ

Inrasara, đứa con của những nhánh xương rồng khô khan lầm lụi, của những ngọn tháp Chàm mất ngủ xanh xao,không chỉ là người đã mang văn hóa Chăm đến với thế giới bên ngoài, mà thực sự là người đã cất lên tiếng nói từ tâm hồn của dân tộc mình, của cộng đồng mình, góp phần nối liền một dòng chảy văn hóa giữa các thế hệ và các dân tộc Việt.

Tôi
đứa con của ngọn gió lang thang cánh đồng miền Trung nhỏ hẹp
đứa con của nắng lửa bốn mùa cát trắng hanh hao
đứa con của biển khơi trùng trùng bão thét
và của đôi mắt tháp Chàm mất ngủ xanh xao.”

    Xin được mượn khổ thơ đầu trong bài  “Đứa con của đất”  (Tập thơ “Tháp nắng” –  xuất bản năm 1990) của nhà thơ Inrasara để mở đầu cho bài viết này.

nha thơ Insarasa
Nhà thơ Insarasa
 Khi viết về Inrasara, quả thật trong tôi có quá nhiều cảm xúc lẫn lộn không biết bắt đầu từ đâu. Bởi nhìn về Inrasara, như hướng về đồi cát Nam Cường bồng bềnh dịch chuyển qua nhiều mùa gió khác nhau ở Ninh Thuận, mà góc nào ta cũng thấy được những hạt cát lấp lánh, bí ẩn.
  Vì một lý do bất khả kháng, tôi phải ngồi lì trên ô tô hơn hai ngày để đến vùng được coi là sa mạc của Việt Nam trong thời điểm thời tiết trên khắp dải đất hình chữ S đều nóng ở mức đỉnh điểm.

 Có thể nói, tôi đã mang sự hờ hững từ Thủ đô đến vùng đất Ninh Thuận, nhưng khi tiếp xúc với nhà thơ Inrasara, tất cả sự mệt mỏi đã nhường chỗ cho sự hào hứng. Tôi đã bị chinh phục. Gần 10 năm đi phỏng vấn các nhân vật, tôi chưa thấy ai khi ngồi trước ống kính camera mà lại nói khúc triết, mạch lạc và sắc sảo như ông, và cả trước những câu hỏi không có trong kịch bản của tôi. Thông thái nhưng giản dị, sắc sảo mà không ngoa ngôn – những điều đó ở Inrasar khiến tôi vô cùng ấn tượng.

 
Tôi là người không thích thơ và cũng không quan tâm đến những gì có liên quan đến thơ. Đó cũng là lý do tôi chưa biết Inrasara – một nhà thơ, một người con của dân tộc Chăm rất nổi tiếng. 43 tuổi ông mới ra nhập làng thơ bằng tập thơ “Tháp Nắng” nhưng chỉ một thời gian sau đó, cái tên Inrasara (tên tiếng Việt là Phú Trạm) đã có một vị trí rất riêng trong làng thơ Việt.
 Sáng tác thơ là thế mạnh của Inrasara, nhưng tôi lại thấy điều đáng quý ở người con Chăm Pa này là sự say mê tìm kiếm những cái tưởng nhơ vô hình còn đọng lại đâu đó ở vùng Chăm Pa, rồi việc khao khát đưa chữ mẹ đẻ của dân tộc mình được nhân rộng, phổ biến và len lỏi vào từng ngôi nhà, từng tâm hồn trẻ thơ trong cộng đồng Chăm.
Nhà thơ Insarasa - người say mê nghiên cứu văn hóa dân tộc
Nhà thơ Insarasa - người say mê nghiên cứu văn hóa dân tộc

 Inrasara khá trầm tĩnh, ít nói, nhưng những gì người khác nói về ông thì lại cho thấy một cậu bé Chăm thích nổi loạn. Đang học năm thứ hai Đại học Sư phạm TP HCM thì bỏ học về... đi cày ruộng thuê và nhiên cứu văn hóa Chăm. Hồi 6 tuổi, vì quá nhỏ con nên cậu bé Inrasara không được chấp nhận bước vào lớp 1.

Vậy là cậu nằng nặc đòi mẹ phải xin cho mình đi học. Mẹ dẫn Inrasara đến lớp nhưng vẫn không được chấp nhận vì cậu quá bé. Không chấp nhận thực tế, Inrasara đã bảo mẹ: “Mẹ nói với thầy là con chỉ học gửi thôi, nếu con học giỏi thì cho con lên lớp”. Vậy là thầy giáo đành phải chấp nhận cho Inrasara vào lớp học.

Tuy nhỏ con nhất lớp, nhưng cậu bé Inrasara đã chứng mình “mình không cao nhưng người khác phải ngước nhìn” – không chỉ lớp 1 mà liên tục trong 6 năm học tại quê nhà, Inrasara liên tục đứng đầu lớp.

Sau đó Inrasara vào trường Pô Klong (trường chuyên đào tạo học sinh các con em dân tộc Chăm), và một kỳ tích nữa lại xuất hiện.

Theo ông Nguyễn Văn Tỷ, nguyên hiệu trưởng trường Trung học Pô-Klong thì Inrasara là một cậu bé rất ham học. “Một lần Sara đến mượn tôi cuốn từ điển tiếng Chăm để về nghiên cứu. Hóa Inrasara mượn về để chép lại (khi đó chưa có máy photocopy) hết cuốn từ điển dày gần một nghìn trang đó. Sau đó một người bạn mượn cuốn từ điển mà Inrasara đã dày công chép tay rồi đánh mất. Vậy là Inrasara lại hì hụi chép lại cuốn từ điển một lần nữa. Đây cũng là cách để Sara học thuộc hết cuốn từ điển của dân tộc mình.

 Ham học và say mê nghiên cứu chữ viết của dân tộc mình (chữ Chăm được coi là chữ viết xuất hiện đầu tiên ở Việt Nam, khoảng từ TK thứ IV), năm 1975, khi mới 18 tuổi, Inrasara đã soạn giáo trình Tự học tiếng Chăm để cùng một số người bạn dạy chữ Chăm cho 70 học viên làng Chakleng (tên tiếng Chăm của làng Mỹ Nghiệp) thuộc đủ lứa tuổi.

 Qua 3 tháng học, hầu hết học viên đều có khả năng đọc thông viết thạo chữ mẹ đẻ. Song song với việc đưa tiếng Chăm vào đời sống thường nhật của người dân tộc mình, Inrasara còn dành nhiều công sức để nghiên cứu ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Đến nay, ông đã dịch, nghiên cứu và biên soạn nhiều sách tiếng Chăm.

 Từ việc say mê nghiên cứu ngôn ngữ Chăm, Inrasara không chỉ làm giầu thêm vốn hiểu biết của bản thân, mà chính trong hành trình tìm kiếm niềm đam mê của đời minh, nhà thơ, nhà nghiên cứu của dân tộc này đã góp phần không nhỏ để cộng đồng hiểu hơn, yêu hơn văn hóa Chăm.
’"Đi
"Đi đến tận cùng cá nhân, mình sẽ gặp dân tộc mình và đi tận cùng dân tộc mình mình sẽ gặp nhân loại."
 
Khi được hỏi, ông sáng tác và nghiên cứu để thỏa mãn cái tôi, sự khao khát của một tâm hồn cô đơn hay vì muốn quảng bá những nét tinh túy của dân tộc mình. Ông bảo: “ Một nhà thơ không thể đại diện cho cộng đồng, có thể tiếng nói của nhà thơ đó đại diện cho cộng đồng, nhưng khi sáng tác, bạn không thể nói là tôi đại diên cho cộng đồng.

Tôi sáng tác từ rất sớm và sáng tác nhiều mảng khác nhau và luôn thay đổi hệ mỹ học, thay đổi phong cách... Có thể nói đó là để thỏa mãn nhu cầu cá nhân, thỏa mãn cái tôi của mình.

Nhưng chính nhu cầu cá  nhân, mình đi đến tận cùng cá nhân, mình sẽ gặp dân tộc mình và đi tận cùng dân tộc mình mình sẽ gặp nhân loại. Nói nhân loại thì có vẻ to tát quá, nhưng trong cộng đồng 54 dân tộc ở Việt Nam, tôi cũng thấy làm vui, tự hào khi những sáng tác, nghiên cứu của tôi nói riêng và văn hóa Chăm nói chung đã được nhiều người trong cộng đồng 54 dân tộc ở Việt Nam biết đến.”

Tên tiếng Việt là Phú Trạm – sinh năm 1957 tại Làng Mỹ Nghiệp – Ninh Thuận.
-    Năm 1997, giải thưởng của Hội Nhà Văn Việt Nam cho tập thơ Tháp nắng.
-    2005 đoạt giải thưởng của Hội Nhà Văn Việt Nam lần thư 2 với tập thơ : Lễ tẩy trần tháng tư. Cùng năm nhận giải thưởng Văn học Đông Nam Á cho công trình nghiên cứu Văn học Chăm.
-    Giải thưởng Phan Chu Trinh 2010 về công trình nghiên cứu: Tủ sách văn học Chăm, cuốn Văn hoá – xã hội Chăm nghiên cứu & Đối thoại, Từ điển Chăm – Việt (viết chung)
-    Gặt hái được nhiều giải hưởng trong nước và quốc tế, biết hai ngoại ngữ là Anh và Pháp nhưng có một điều đặc biệt là Inrasara lại...  không có bằng cấp nào. Hiện ông sống tại TP HCM, cộng tác giảng dạy môn Văn hóa Chăm tại trường Đại học KHXH - NV TP. HCM và sáng tác tự do.

Lớn lên từ làng (Làng Mỹ Nghiệp thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước – Ninh Thuận), trưởng thành từ tất cả những gì tinh túy mà cộng đồng đã chắt chiu, nuôi dưỡng và truyền lại trong cuộc đời này - Inrasara, đứa con của những nhánh xương rồng khô khan lầm lụi, của những ngọn tháp Chàm mất ngủ xanh xao, như những gì mà ông đã tự nhận trong thơ của mình, không chỉ là người đã mang văn hóa Chăm đến với thế giới bên ngoài.

Ông thực sự là người đã cất lên tiếng nói từ tâm hồn của dân tộc mình, của cộng đồng mình, góp phần nối liền một dòng chảy văn hóa giữa các thế hệ và các dân tộc Việt.

Chính điều này đã góp phần làm giàu có thêm nguồn tri thức mà cộng đồng của ông đã tích lũy, lưu giữ được, và biến chúng thành những giá trị văn hóa cuộc sống hôm nay... ./.

Mộc Miên
   

Đọc thêm