Sau hai năm thí điểm đưa dân ca vào trường học, mô hình này đã thu hút được đông đảo học sinh tham gia, tạo nên phong trào “Em vui em hát dân ca” ở một số trường THCS ở Hòa Vang. Đây được đánh giá là một mô hình mới, một cách làm sáng tạo của ngành Văn hóa-Thông tin và ngành Giáo dục-Đào tạo huyện Hòa Vang.
|
Các em học sinh vui hát dân ca tại buổi tổng kết chương trình đưa dân ca vào trường học của huyện Hòa Vang năm 2010. |
Từ chỗ chưa biết gì về dân ca, đến nay trên địa bàn huyện Hòa Vang đã có gần 100 em thuộc 6 trường THCS biết hát rất nhiều làn điệu dân ca Khu 5. Qua mô hình này, nhiều trường và nhiều xã ở Hòa Vang đã phát hiện nhiều em có chất giọng tốt, có triển vọng sẽ trở thành những tài năng, những hạt nhân trong phong trào văn nghệ quần chúng.
Ông Nguyễn Thúc Dũng, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Hòa Vang cho biết, để có được kết quả đáng phấn khởi như vậy, bên cạnh việc phối hợp thực hiện của các trường THCS trên địa bàn huyện với Phòng Văn hóa-Thông tin, thì sự giúp đỡ của các anh chị cộng tác trực tiếp hướng dẫn và sưu tầm tài liệu như: Thanh Châu, Hồng Thái, Nhật Lệ, Thế Dân và sự tận tình của bác Trần Nhật Bằng, bác Nguyễn Hữu Mai trong việc sưu tầm tài liệu, các làn điệu dân ca Khu 5 đã viết những kịch bản dân ca phục vụ cho việc giảng dạy thêm phong phú, đa dạng, thu hút các em tham gia.
Anh Thanh Châu, một trong những người trực tiếp hướng dẫn cho các em nhận xét: Nếu năm 2009, qua phong trào đã bộc lộ nhiều giọng ca có triển vọng như Đỗ Vũ Thảo Quỳnh, Phan Thị Nhật Tài, Huỳnh Trang, Thu Giang, Thùy Dung… ở các Trường THCS Trần Quốc Tuấn (Hòa Phong), Nguyễn Bá Phát (Hòa Liên), Nguyễn Phú Hường (Hòa Tiến), thì năm 2010, nhiều giọng ca nhí khác cũng đã được phát hiện và bồi dưỡng như các em: Thu Thảo, Nguyên Thảo, Bình, Hiếu, Thoảng của trường Phạm Văn Đồng và nhiều em ở các trường khác… Đây là những giọng ca có triển vọng, nếu tiếp tục nỗ lực tập luyện các em sẽ trở thành những tài năng, những hạt nhân trong phong trào văn nghệ quần chúng của huyện trong tương lai.
Qua hai năm thực hiện thí điểm, mô hình đưa dân ca vào trường học ở Hòa Vang đã thu được kết quả đáng khích lệ. Đây là nội dung có ý nghĩa góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), về xây dựng và phát triển “Nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và thực hiện chương trình xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” do liên ngành Bộ GD&ĐT, Bộ VH-TT&DL, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động.
Đây là một cách làm sáng tạo, từng bước đưa các em tiếp cận với những làn điệu dân ca đậm đà, sâu lắng của quê hương, tạo được phong trào “Em vui em hát dân ca” trong trường học. Từ sự thành công này, trong thời gian đến, Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Hòa Vang sẽ tiếp tục thành lập CLB Bài Chòi, tập hợp những người hiểu biết và yêu mến Bài Chòi để từng bước khôi phục và truyền đạt lại cho lớp trẻ hôm nay và mai sau.
Bài và ảnh: VĨNH KHANG