Đưa “khủng long” FSO - 5 ra biển: Cuộc đua với thời gian và sự an toàn công trình

Sau gần ba năm nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, đến nay, công trình kho chứa xuất dầu trên biển FSO-5 do Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu thực hiện đã hoàn thành, chuẩn bị bàn giao cho chủ hàng.

Sau gần ba năm nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, đến nay, công trình kho chứa xuất dầu trên biển FSO-5 do Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu thực hiện đã hoàn thành, chuẩn bị bàn giao cho chủ hàng. Kế hoạch đưa “khủng long” FS0-5 ra biển đang được triển khai khẩn trương, thu hút sự quan tâm của các cấp, ngành cùng vào cuộc tháo gỡ những vướng mắc, để dắt “khủng long” an toàn đến mỏ Bạch Hổ. 

 

Kho nổi chứa xuất dầu cơ bản hoàn thành, chuẩn bị bàn giao cho khách hàng. Ảnh: Duy Thính

Kho nổi chứa xuất dầu cơ bản hoàn thành, chuẩn bị bàn giao cho khách hàng

Ảnh: Duy Thính

Kỳ tích FSO-5

 

Có thể nói, việc đóng mới thành công kho chứa xuất dầu trên biển FSO-5 (còn gọi là kho nổi) là kỳ tích của cán bộ, kỹ sư, CNVC Tổng công ty CNTT Nam Triệu nói riêng và ngành đóng tàu nước ta nói chung. Đây là công trình có quy mô và phức tạp về kỹ thuật. Kho nổi có thể trữ và xuất cho khách mua dầu thương phẩm với lưu lượng khoảng 3.500-5.000 m3/giờ; xử lý nước vỉa (nước lẫn dầu) với công suất tối đa 2.400 m3/ngày đêm. Ngoài ra, FSO-5 còn có tác dụng thu gom và trưng dụng khí tách ra trong quá trình xử lý và trữ dầu với công suất 2.000 m3/giờ. Tàu do Công ty thiết kế Sinus Ltd (Ba Lan) thiết kế, đăng kiểm ABS (Mỹ) và VR (Việt Nam ) giám sát thi công, phân cấp. Theo Phó tổng giám đốc Tổng công ty CNTT Nam Triệu Ngô Thế Cừ, ngoài quy mô, tính phức tạp về kỹ thuật của các thiết bị trong bụng “khủng long”, ca-bin kho nổi hiện đại tương đương khách sạn “ba sao”, trên nóc có sân bay trực thăng, FSO-5 sử dụng loại sơn đặc biệt, sau 10 năm khai thác trên biển mới phải sơn lại.

 

Cùng với việc đóng mới FSO-5, Tổng công ty CNTT Nam Triệu đã hoàn thành chế tạo 3 cụm cọc để neo giữ kho nổi trên biển, chịu được sóng gió cấp 18. Hiện, số cọc trên được bàn giao cho chủ tàu và định vị tại các móng khổng lồ dưới đáy biển phía Nam tại mỏ dầu Bạch Hổ.   

 

Khẩn trương triển khai các phương án

 

Theo kế hoạch dự kiến, 5 giờ sáng 30-3-2010, Tổng công ty CNTT Nam Triệu phối hợp với các đơn vị dịch vụ đưa FSO-5 ra khỏi cầu tàu  tới Cảng PTSC Đình Vũ để bơm dầu và tiếp tục đưa kho nổi ra phao số 0 vào cuối ngày 31-3, kết thúc giai đoạn 1. Giai đoạn 2, đơn vị lai dắt sẽ đưa FSO-5 tới mỏ Bạch Hổ, neo đậu trên biển và bàn giao cho chủ tàu... 

 

Để đưa FSO-5 đến phao số 0 an toàn, Tổng công ty Nam Triệu ký hợp đồng với Viện Khoa học công nghệ Hàng hải (Đại học Hàng hải Việt Nam) và Công ty TNHH một thành viên tư vấn thiết kế tàu thủy lập phương án di chuyển. Công ty TNHH một thành viên vận tải biển Nam Triệu cung cấp thuyền bộ phục vụ lai dắt kho nổi. Thuyền trưởng Mai Thế Phương, với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề đi biển được chỉ định điều khiển kho nổi với sự hỗ trợ, lai dắt của các tàu kéo trên biển.  FSO-5 có quy mô đồ sộ, để di chuyển được nó đòi hỏi luồng hàng hải phải sâu và rộng. Từ mấy tháng nay, Tổng công ty CNTT Nam Triệu ký hợp đồng với Công ty CP đầu tư xây dựng 899 nạo vét 40 nghìn m3 đất, bùn luồng Phà Rừng, 130 nghìn m3 đất, bùn luồng Nam Triệu, phục vụ di chuyển kho nổi. Giám đốc Công ty CP đầu tư xây dựng 899 Nguyễn Văn Tú cho biết: đơn vị huy động 10 tàu cuốc bằng gầu ngoặm, sau đó các điểm nạo vét được siêu âm đủ độ sâu mới đánh dấu trên bình đồ luồng.

 

Đóng mới thành công FSO-5 đã khó, việc đưa nó ra biển càng khó hơn. Chính vì vậy, đây không chỉ là vấn đề riêng giữa “nhà đóng tàu” với chủ tàu (Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam ) mà là vấn đề chung của cả ngành Giao thông-Vận tải nước ta. Cục Hàng hải Việt Nam chỉ đạo phương án di chuyển FSO-5 phải “tiết kiệm chi phí, bảo đảm thời gian, tiến độ”! Theo đó, cần nới rộng luồng, nạo vét, bạt bớt luồng để có bán kính rộng hơn..., tạo điều kiện tốt nhất đưa FSO-5 ra khơi an toàn. Mọi công việc phải hoàn tất 1- 2 ngày trước khi FSO-5 chính thức di chuyển. Bên cạnh đó, phải giải tỏa đăng đáy, di chuyển phao tiêu, báo hiệu hàng hải trên luồng và tổ chức điều tiết hàng hải tính toán mức độ ảnh hưởng của gió trong quá trình di chuyển kho nổi ra phao số 0.

 

Kho nổi chứa xuất dầu FSO-5 khởi công đóng mới giữa năm 2007, chính thức hạ thủy vào ngày 14-1-2009. Đây là loại tàu một boong, không tự hành dạng khí động học, đáy đôi, thân mạn kép. Tàu dài 280m, rộng 46,4m, cao 24m, tổng dung tích các két chứa 173.796 m3. Đó là sản phẩm đặc chủng lớn nhất, hiện đại nhất từ trước đến nay do ngành đóng tàu nước ta chế tạo tại Việt Nam .

 

FSO-5 là công trình trọng điểm quốc gia, việc di chuyển kho nổi ra khỏi nhà máy rất quan trọng, đòi hỏi an toàn cho cả công trình và luồng lạch, cũng như hoạt động hàng hải liên quan trong quá trình di chuyển kho nổi. Mọi trục trặc trong qúa trình di chuyển FSO-5 không chỉ ảnh hưởng tới VINASSHIN và PTSC, mà còn liên quan đến toàn bộ tàu thuyền ra vào cảng biển khu vực Hải Phòng. Thời gian không còn nhiều, các điều kiện cần thiết phải sớm được chuẩn bị tỉ mỉ, công phu, bảo đảm an toàn tuyệt đối giao thông trên các luồng Phà Rừng, Nam Triệu.

 

Anh Tú

Đọc thêm