Đưa Nghị quyết Đại hội Đảng XIII của Đảng vào cuộc sống: Thượng tôn pháp luật bắt đầu từ tuyên truyền pháp luật

(PLVN) - Ông Phạm Văn Hòa, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, để triển khai nội dung Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống, đặc biệt là vấn đề thượng tôn pháp luật, xây dựng nền tư pháp trong sạch, hiện đại... thì công tác tuyên truyền pháp luật vô cùng quan trọng.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa.

Hiểu luật mới vận dụng đúng pháp luật

Dẫn quy định trong Hiến pháp: “Mọi người dân đều bình đẳng trước pháp luật”, ông Phạm Văn Hòa nhận định: “Sống theo Hiến pháp và pháp luật” vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của xã hội. Bởi theo ông, nếu mỗi người dân hiểu biết pháp luật, tôn trọng pháp luật sẽ giúp họ tránh xa những chuyện làm ăn phi pháp, những hành vi vi phạm pháp luật; đồng thời còn vận động, tuyên truyền cho người thân, bạn bè chấp hành đúng các chế độ, chính sách của Đảng, quy định pháp luật của Nhà nước.

 “Khi hiểu biết pháp luật, người dân không chỉ chấp hành đúng pháp luật mà khi có sự việc không may xảy ra, trước hết họ sẽ tự bảo vệ cho bản thân, sau đó là bảo vệ, đấu tranh cho những điều đúng, cho lẽ phải khi người thân trong gia đình gặp phải vướng mắc liên quan đến pháp luật mà các cơ quan chức năng xử lý không đúng theo quy định. Chỉ khi hiểu luật, người dân mới có thể vận dụng đúng pháp luật để phản biện lại những vấn đề mà cơ quan chức năng áp đặt, giải quyết không khách quan”, ông Hòa nói.

 Ngoài ra, theo ông Hòa, trong sản xuất, kinh doanh, các doanh nhân, doanh nghiệp cũng phải hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến hợp tác kinh doanh với nước ngoài để phòng ngừa, ngăn chặn những hệ quả xấu có thể xảy ra. Nhờ tính thượng tôn pháp luật mà “Việt Nam hiện nay là một trong những quốc gia được thế giới tôn trọng và đánh giá cao về ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội”, vị Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp nhận xét.

Theo Đại biểu Phạm Văn Hòa, để triển khai các nội dung Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng - đặc biệt là vấn đề thượng tôn pháp luật, xây dựng nền tư pháp trong sạch, hiện đại - đi vào cuộc sống thì công tác tuyên truyền, vận động người dân rất quan trọng. Tinh thần thượng tôn pháp luật trước hết phải bắt đầu từ những cán bộ làm công tác tư pháp, công tác bảo vệ pháp luật; từ các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, các cán bộ, đảng viên… Đây là vấn đề cốt lõi để cho công tác vận động, tuyên truyền Nghị quyết đi vào cuộc sống.

Hoạt động tư pháp phải có “trọng trách bảo vệ công lý”

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của hoạt động tư pháp, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định: Tiếp tục xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Hoạt động tư pháp phải có trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân.

Thực tiễn cho thấy, hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước đều có liên quan, ảnh hưởng tới quyền tự do, dân chủ của người dân. Các cơ quan bảo vệ pháp luật có trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ, bảo đảm quyền con người, nhưng đồng thời cũng rất dễ vi phạm quyền, lợi ích chính đáng của người dân trong quá trình thực thi công vụ. 

Điển hình là hoạt động của Tòa án và Viện kiểm sát là hai cơ quan có trách nhiệm bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, nhưng nếu không đủ “phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” thì rất dễ vi phạm pháp luật, từ đó dẫn tới oan, sai. Bởi vậy, yêu cầu rất cao được Đại hội XIII của Đảng đặt ra là hoạt động tư pháp phải có “trọng trách bảo vệ công lý”. Quán triệt quan điểm này, nguyên tắc tính công bằng, công khai, khách quan, vô tư trong hoạt động xét xử phải đặc biệt đề cao để xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, đồng thời cũng không được bỏ lọt tội phạm.

“Điều quan trọng, cốt lõi trong bảo vệ công lý là người bảo vệ công lý phải “cầm cân nảy mực”; cán cân đó phải ngay thẳng, công bằng, liêm chính. Những người đứng đầu trong ngành Tư pháp, đặc biệt là Tòa án và Viện kiểm sát phải đầu tàu gương mẫu, phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân, trước cử tri về việc làm của mình, về những công việc mình đã xử lý, giải quyết”, ông Hòa nhấn mạnh. Ngoài ra, trong giải quyết công việc, cán bộ Tòa án phải cương quyết bảo vệ cho lẽ phải, bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật; nếu người dân sai phạm, Tòa phải chỉ rõ cái sai và xử lý đúng pháp luật, không được “bẻ nghiêng” cán cân công lý…

Hai ngành Tòa án và Viện kiểm sát phải có sự liên kết với nhau nhưng hoạt động độc lập nhau. Viện kiểm sát có quyền đề nghị truy tố và quyền kiểm sát trước tòa về việc xử lý có đúng quy định pháp luật không. Còn Tòa án phải xử sao cho đúng tính chất, mức độ vi phạm của vụ việc. Đặc biệt, Tòa án phải độc lập trong xét xử, không chịu bất cứ một tác động của cá nhân, tổ chức nào chi phối - thậm chí là tác động của cấp trên - để làm lệch tính chất của vụ án đó. “Thực hiện được những điều này thì tôi nghĩ công lý trong ngành Tư pháp sẽ được thượng tôn, được người dân tin tưởng” - ông Hòa nói. 

Đọc thêm