Đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống

Đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống: Phải có tình cảm và nhận thức sâu sắc đối với Nghị quyết

(PLVN) - Việc học tập, thực hiện Nghị quyết phải trên cơ sở của ý thức tự giác, nhưng muốn tự giác thì phải hiểu sâu sắc nội dung Nghị quyết. Quan trọng hơn là phải có tình cảm với vấn đề đó; nếu chỉ hời hợt, không có tình cảm sâu sắc với Nghị quyết thì không thể biến nhận thức thành hành động.
GS.Trần Ngọc Đường.
GS.Trần Ngọc Đường.

GS.Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) đã nhấn mạnh như vậy khi chia sẻ với PLVN về các giải pháp để hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống.

Cụ thể hóa bằng các kế hoạch khả thi

Phát biểu bế mạc Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ, việc ra được Nghị quyết chỉ là bước đầu, điều quan trọng là phải sớm đưa nội dung Nghị quyết Đại hội vào thực tiễn cuộc sống; phải biến những quyết định của Đại hội thành hiện thực sinh động trong thực tế, thành của cải vật chất và văn hóa, mang lại giàu có và hạnh phúc cho nhân dân.

Thực hiện chỉ đạo trên, chỉ một ngày sau khi Đại hội XIII của Đảng bế mạc, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức thông báo nhanh kết quả Đại hội với đội ngũ báo cáo viên tại Hội nghị trực tuyến kết nối 2.260 điểm cầu trong cả nước với tinh thần: nói đi đôi với làm, thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác Hồ: “Kế hoạch 10 phần thì biện pháp 20 phần và quyết tâm 30 phần”.

Ngay tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 1/2021, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) đã chỉ đạo bốn nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới; trong đó, nhiệm vụ đầu tiên là tập trung quán triệt, triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: “Chúng ta cần quán triệt tinh thần đổi mới tư duy phát triển, cách nghĩ, cách làm, không ngừng đổi mới, sáng tạo để đưa đất nước vững bước đi lên, sớm hiện thực hóa các mục tiêu mà Đại hội XIII đề ra”.

Tinh thần, khí thế khẩn trương, quyết tâm đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống đã được các cơ quan Trung ương quyết liệt chỉ đạo ngay trong những ngày đầu, tháng đầu của nhiệm kỳ mới. Theo các nhà nghiên cứu, các cấp ủy, tổ chức Đảng phải tập trung xây dựng chương trình hành động, cụ thể hóa bằng các kế hoạch, dự án, đề án khả thi sát với điều kiện thực tế.

Đặc biệt, các cơ quan Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ của mình tập trung nghiên cứu, sớm cụ thể hóa nội dung Nghị quyết đại hội XIII thành luật pháp, cơ chế, chính sách để thực thi trong đời sống; kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế mà Đại hội đã chỉ ra. “Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, ra được Nghị quyết cũng quan trọng, nhưng vấn đề tổ chức thực hiện Nghị quyết đó, biến những tư tưởng, quan điểm trong Nghị quyết thành hành động thực tiễn mới quan trọng hơn. Vì vậy, vấn đề tổ chức thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng là một yêu cầu hết sức bức thiết và quan trọng của cả hệ thống chính trị”, GS Đường nhận xét.

Phải có tình cảm sâu sắc

Theo GS Trần Ngọc Đường, trước hết các tổ chức đảng phải có kế hoạch để triển khai thực hiện Nghị quyết trong từng thời kỳ; trong đó đầu tiên là tổ chức các hội nghị để thấm nhuần sâu sắc các tư tưởng, đặc biệt là những quan điểm, nội dung cốt lõi, những chủ trương mới trong các văn kiện Đại hội XIII; nhận diện đầy đủ những thuận lợi, thời cơ, khó khăn, thách thức và nhiệm vụ của các cấp ủy trong thời gian tới, liên hệ vận dụng phù hợp với yêu cầu điều kiện cụ thể của mỗi địa phương, đơn vị để xác định và thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trong nhiệm kỳ 2021-2025. Tiếp đó, từ chỗ quán triệt nhận thức sâu sắc phải xây dựng từng chương trình hành động cho mỗi cá nhân, mỗi tập thể, tổ chức; đồng thời tổ chức công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

“Việc tổ chức thực hiện Nghị quyết phải triển khai đồng bộ trên ba lĩnh vực: Thứ nhất là quán triệt, nhận thức sâu sắc; thứ hai, phải có chương trình hành động cụ thể và thứ ba là đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc triển khai chương trình hành động về thực hiện Nghị quyết của Đảng”, GS Đường nhấn mạnh.

Đặc biệt, trong quá trình nghiên cứu học tập Nghị quyết phải đề cao tinh thần tự học, tự nghiên cứu, ý thức tự giác gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp ủy, tổ chức Đảng. Khắc phục triệt để bệnh hình thức, qua loa; kịp thời phát hiện để khen thưởng, biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; nhắc nhở, phê bình, xử lý theo quy định của Đảng đối với các đơn vị, cá nhân thực hiện không nghiêm túc.

“Vấn đề là nhận thức. Học tập Nghị quyết phải trên cơ sở của ý thức tự giác, nhưng muốn tự giác thì phải hiểu sâu sắc Nghị quyết, từ đó tự giác thực hiện. Vì vậy, học tập là để có nhận thức sâu sắc, có tình cảm với vấn đề đó; chứ hời hợt, không có tình cảm sâu sắc thì không thể biến nhận thức thành hành động được. Do vậy quan trọng nhất vẫn là tình cảm và nhận thức đối với Nghị quyết” - Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật khẳng định. 

Đọc thêm