|
Một Hội nghị về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. |
Công tác kiểm tra, giám sát có chuyển biến mạnh mẽ
Trong lịch sử phát triển hơn 90 năm của Đảng ta, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật luôn là một trong những chức năng lãnh đạo quan trọng của Đảng. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đã khẳng định được vị trí, vai trò đặc biệt trong xây dựng, chỉnh đốn và tăng cường năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; góp phần quan trọng vào việc bảo vệ đường lối, tư tưởng, quan điểm, giữ vững nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương.
Đặc biệt trong các nhiệm kỳ gần đây, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng đã góp phần từng bước kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, tình trạng tham nhũng, “lợi ích nhóm”, “tư duy nhiệm kỳ”, tha hóa quyền lực trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Đồng thời, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng cũng góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, góp phần và xây dựng hệ thống chính trị liêm chính, hành động nhằm thực hiện thành công mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy các cấp, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội XII đã có nhiều chuyển biến rõ rệt và đạt được những kết quả quan trọng toàn diện, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá tích cực. Thực tế đó góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự kỷ cương, thúc đẩy kinh tế - xã hội của đất nước phát triển nhanh và bền vững; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.
|
Ông Trần Đức Thắng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. |
Đánh giá về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật nhiệm kỳ vừa qua, Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nhận định: “Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị được đặc biệt chú trọng, triển khai toàn diện, đồng bộ, hiệu quả. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chuyển biến mạnh mẽ, có bước đột phá gắn kết chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, có hiệu quả, ngày càng đi vào chiều sâu. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam không ngừng được củng cố vững mạnh”. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đã có bước tiến mới với những kết quả rất quan trọng, đột phá, góp phần giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, nâng cao uy tín của Đảng, thể hiện nhất quán quan điểm “nói đi đôi với làm”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền đặc lợi, bất kể người vi phạm là ai”.
Sáu nhiệm vụ chủ yếu
Kiểm tra, giám sát là công việc hệ trọng, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, kiên quyết, kiên trì, không tự thỏa mãn, bằng lòng với những kết quả đạt được. Bước sang nhiệm kỳ Đại hội XIII, trong bối cảnh “tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen; đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, để góp phần tích cực hơn nữa vào việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, cần nhận thức đúng, đầy đủ và thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ chủ yếu.
Trước hết, cần tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về nhận thức, trách nhiệm và quyết tâm chính trị của cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên các cấp về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng. Ngay sau Đại hội, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng phải được triển khai trên cơ sở bám sát nhiệm vụ chính trị và thực tiễn của từng địa phương, đơn vị; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy đảng đối với công tác này.
Cùng với đó, cần đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu về vị trí, vai trò, mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng. Mọi cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu, phải gương mẫu, đi đầu, có sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong công tác kiểm tra, giám sát để giữ gìn uy tín, củng cố niềm tin của nhân dân và phải công khai để nhân dân biết, ủng hộ và giám sát. Phải kiên định, kiên quyết, kiên trì trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, không lùi bước trước bất cứ khó khăn nào.
Hai là, tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu xây dựng hoàn thiện hệ thống các quy định về công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng; xây dựng hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ và các ban Đảng ở Trung ương chỉ đạo sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, đảm bảo sự đồng hồ, thống nhất trong thực hiện giữa quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Cấp ủy các cấp quan tâm chỉ đạo nghiên cứu xây dựng hoàn chỉnh các nghị quyết, chỉ thị, quy chế, quy định về công tác xây dựng Đảng, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng đồng bộ, thống nhất với quy định của Trung ương; cải tiến, đổi mới phương pháp, kỹ năng, quy trình công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng khoa học, dân chủ, đồng bộ, thống nhất, khả thi, trong đó tập trung vào các cơ chế, biện pháp chủ động phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm, khuyết điểm của tổ chức đảng và đảng viên. Đồng thời, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và các quy định về phòng chống tham nhũng, lãng phí gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực và kỷ luật của Đảng, kỷ luật hành chính, xử lý bằng pháp luật gắn với việc xây dựng hoàn thiện cơ chế chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức để cán bộ đảng viên “không thể tham nhũng”, “không dám tham nhũng” và “không cần tham nhũng”.
Cùng với các quy định, chính sách, pháp luật để xử lý nghiêm minh đối với những vi phạm, cũng cần có cơ chế để bảo vệ, khuyến khích những cán bộ, đảng viên, người đứng đầu dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, mạnh dạn, đi đầu trong đổi mới vì sự phát triển của đất nước; việc đánh giá về các sai phạm cần đặt trong những điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể để có quan điểm xử lý khách quan, đúng đắn, phù hợp.
Ba là, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra, kiểm toán và các cơ quan quản lý nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong hoạt động kiểm tra, giám sát. Ủy ban Kiểm tra các cấp tiếp tục tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy cùng cấp sửa đổi, bổ sung, xây dựng ban hành mới quy chế phối hợp giữa Ủy ban Kiểm tra với cơ quan điều tra, thanh tra, kiểm toán, kiểm sát, tòa án và tổ chức thực hiện có chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan theo hướng có cơ quan được giao chủ trì điều phối, phối hợp.
Bốn là, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả sự lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Các cấp ủy, tổ chức đảng, Ủy ban Kiểm tra các cấp cần chủ động xây dựng phương hướng, nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ, hàng năm có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp điều kiện hoàn cảnh và thực hiện có kết quả. Tập trung kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tiêu cực.
Năm là, đổi mới, kiện toàn Ủy ban Kiểm tra, tổ chức bộ máy và cơ quan Ủy ban Kiểm tra đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Thống nhất mô hình tổ chức bộ máy cơ quan Ủy ban Kiểm tra từ Trung ương đến cấp huyện, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp theo hướng chuyên nghiệp hóa, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đồng thời, cần đổi mới công tác tuyển dụng, bố trí, phân công, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng đối với cán bộ kiểm tra; có chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp đối với cán bộ kiểm tra và chế độ, chính sách thu hút cán bộ chuyên môn giỏi và phẩm chất chính trị tốt về làm công tác kiểm tra.
Sáu là, đổi mới công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng. Quan tâm đầu tư nghiên cứu nâng cao khả năng dự báo về tình hình vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên, nhất là những vi phạm mới do tác động của toàn cầu hóa, cơ chế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế, sự phát triển nhanh chóng của khoa học - công nghệ mới,... để đề ra các chủ trương, biện pháp phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn khuyết điểm, vi phạm từ xa, từ sớm… Việc tổ chức học tập, quán triệt các quy định mới của Đảng về kiểm tra, giám sát, kỷ luật cũng cần được chú trọng triển khai.
Trần Đức Thắng
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương