Đưa thương hiệu dừa sáp Trà Vinh vươn ra thế giới

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tỉnh Trà Vinh vừa tổ chức Hội thảo Dừa sáp Trà Vinh - 100 năm hình thành và phát triển. Tại đây, nhiều giải pháp như hỗ trợ đăng ký bảo hộ và phát triển nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý ra nước ngoài, nâng cao giá trị dừa sáp… thu hút nhiều đại biểu quan tâm.

Những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer của tỉnh Trà Vinh từng bước ổn định và phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, phần nào nhờ vào giá trị kinh tế của dừa sáp. Chính vì vậy, hội thảo là dịp các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, nông dân chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý, sản xuất phát triển loại cây này trong thời gian tới.

Tốc độ phát triển nhanh nhờ giá trị kinh tế cao

Trong khoảng 20 năm trở lại đây, diện tích dừa sáp của Trà Vinh tăng rất nhanh từ 43ha (năm 2005) tăng lên 1.277,6ha (năm 2024). Trong tổng diện tích dừa sáp của tỉnh có 1.246,5 ha dừa sáp thường (truyền thống) và 31.1 ha dừa sáp nuôi cấy phôi. Hiện tỉnh Trà Vinh có 5 giống dừa sáp được trồng phổ biến gồm: sáp tròn, sáp dài, sáp có cạnh, sáp vỏ xanh, sáp vỏ vàng.

Ông Nguyễn Trung Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh phát biểu tại hội thảo.

Ông Nguyễn Trung Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh phát biểu tại hội thảo.

Dừa sáp ở Trà Vinh được trồng tập trung nhiều nhất ở huyện Cầu Kè (1.145,7 ha), và trồng rải rác tại các huyện: Tiểu Cần (66,80 ha), Châu Thành (22,60 ha), Càng Long (20,25 ha), Trà Cú (20,25 ha) và TP Trà Vinh (9,55 ha).

Theo ông Lê Văn Đông – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh, dừa sáp có giá cao gấp 10 lần dừa thường, từ năm 2000 trở lại đây giá dừa sáp đã tăng cao và trở thành loại dừa có giá đắt nhất Việt Nam. Tùy theo chất lượng và thể tích trọng lượng trái mà giá dừa sáp hiện nay dao động từ khoảng 70.000-120.000 đồng/trái. Thu nhập bình quân 1ha khi dừa cho trái ổn định đối với dừa sáp thường khoảng 320 triệu đồng và đối với dừa sáp nuôi cấy phôi 770 triệu đồng.

Đối với loại cây trồng “đặc biệt” này, UBND tỉnh Trà Vinh đã triển khai, thực hiện nhiều quyết sách như: hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh hoạt động lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, chế biến dừa, hay Tỉnh được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư thực hiện Đề tài nhân giống dừa sáp bằng phương pháp nuôi cấy phôi tại tỉnh Trà Vinh (Trường Đại học Trà Vinh thực hiện nghiên cứu nhân giống)…, từ đó đã đem đến nhiều kết quả tích cực.

Các giải pháp tại hội thảo thu hút được rất nhiều sự quan tâm của đại biểu.

Các giải pháp tại hội thảo thu hút được rất nhiều sự quan tâm của đại biểu.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Nguyễn Trung Hoàng cho biết, để dừa sáp và các sản phẩm chế biến từ dừa sáp được nâng cao giá trị, có thị trường tiêu thụ bền vững trong nước và quốc tế, tỉnh Trà Vinh đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển liên kết giữa doanh nghiệp với các hộ trồng dừa sáp để thắt chặt liên kết các khâu từ sản xuất, chế biến sâu đến thị trường tiêu thụ, hướng đến xuất khẩu.

Hướng đến nhiều giá trị tương lai

Theo Sở Công thương tỉnh Trà Vinh, từ năm 2019 đến nay, Sở đã hỗ trợ các doanh nghiệp về chính sách hỗ trợ kết nối sản phẩm, nông sản vào các kênh phân phối hiện đại. Theo đó, Sở đã tổ chức, tham gia 94 cuộc Hội chợ, phiên chợ, kết nối giao thương trong, ngoài tỉnh và nước bạn Campuchia, Lào, với sự tham gia hơn 1.320 lượt doanh nghiệp tham gia.

Đại biểu tham luận tại hội thảo.

Đại biểu tham luận tại hội thảo.

Đơn vị còn tổ chức, hỗ trợ nhiều sản phẩm OCOP của doanh nghiệp chế biến dừa sáp lên sàn giao dịch thương mại điện tử quốc tế, cũng như các doanh nghiệp có sản phẩm từ dừa sáp xuất khẩu sang các thị trường: Anh, Mỹ, Hồng Kông (Trung Quốc), Trung Quốc, Canada… Qua đó có thể thấy, giá trị tương lai từ trái dừa sáp Trà Vinh được địa phương nhìn nhận từ rất sớm và triển khai đa dạng hình thức.

Ông Cao Bá Đăng Khoa - Tổng thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam, Trưởng đại diện Hiệp hội Dừa Việt Nam tại Cộng đồng dừa quốc tế - ICC cho rằng, lợi nhuận từ cây dừa sáp là rất cao, nhưng hiện vẫn còn bỏ ngỏ tiềm năng trên vùng đất Trà Vinh, và thiếu dư địa để phát triển đến nhiều vùng khác trên cả nước như gạo ST 24 – ST 25.

Để khai thác toàn diện giá trị của cây dừa sáp, Tổng thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam kiến nghị cần phải định hướng khai thác tiềm năng dừa sáp, như: xây dựng các giá trị thực phẩm, y dược, mỹ phẩm; gỗ, thủ công mỹ nghệ; nguyên liệu cho sản phẩm khác; dừa nguyên trái; du lịch kết hợp… Hình thành chuỗi liên kết tạo giá trị cao cho “Dừa sáp Trà Vinh”, làm cơ sở để từng bước đưa vào nghị quyết của địa phương; quảng bá trên các kênh truyền thông; xây dựng trung tâm ươm giống, đối chứng gen; xây dựng bản đồ dừa sáp Trà Vinh…

Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam trao giấy công nhận “Cây dừa sáp được trồng tại tỉnh Trà Vinh là cây dừa Việt Nam”.

Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam trao giấy công nhận “Cây dừa sáp được trồng tại tỉnh Trà Vinh là cây dừa Việt Nam”.

Ngoài ra, nhiều đại biểu tại hội thảo đã đưa ra nhiều giải pháp về cải thiện và hiện đại hóa quy trình sản xuất, chế biến, nâng cao giá trị dừa sáp thông qua các quy trình chế biến và bảo quản sau thu hoạch để tạo các sản phẩm chất lượng cao. Khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị, hỗ trợ xây dựng các cơ sở thu mua và chế biến tại địa phương để giảm chi phí vận chuyển và nâng cao giá trị sản phẩm… Trong đó, có nhiều giải pháp tại hội thảo được lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Trà Vinh ghi nhận và cho rằng khá thuyết phục.

Cũng dịp này, đại diện Hiệp hội Dừa Việt Nam đã trao quyết định công nhận cây dừa sáp được trồng tại tỉnh Trà Vinh là cây dừa Việt Nam.

Đọc thêm