Đưa tiếng Anh dạy đại trà ở Tiểu học: Thực hiện được "một nửa"

Chương trình chưa phù hợp cùng với việc thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất… đã khiến kế hoạch đưa tiếng Anh vào dạy đại trà ở cấp tiểu học của thành phố Hà Nội gặp vô vàn khó khăn.

Chương trình chưa phù hợp cùng với việc thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất… đã khiến kế hoạch đưa tiếng Anh vào dạy đại trà ở cấp tiểu học của thành phố Hà Nội gặp vô vàn khó khăn.

Thực tế chương trình tiếng Anh tiểu học được Bộ GD-ĐT triển khai từ năm 2003 tại Hà Nội cho thấy, để dạy đại trà tiếng Anh cho học sinh (HS) từ lớp 3 đến lớp 5 không hề đơn giản.

Chỉ đáp ứng được hai tiết một tuần

Năm học 2010-2011 là năm thứ hai Trường Tiểu học Lê Thanh A (huyện Mỹ Đức) dạy tiếng Anh cho HS từ lớp 3 đến lớp 5. Trường vừa đầu tư hơn 5 tỷ đồng để trang bị cho việc dạy học và sắp tiếp nhận 12 phòng mới nhưng hiện nay vẫn chưa trang bị được phòng tiếng Anh. Ông Hoàng Văn Hanh, Hiệu trưởng nhà trường, nói: “Với môn tiếng Anh, trường cần trang bị băng đĩa, máy chiếu… nhưng không phải trường nào cũng có điều kiện”. Theo triển khai của Bộ, mỗi tuần học sinh được học bốn tiết tiếng Anh nhưng trường chỉ đáp ứng được hai tiết một tuần.
Thiếu cơ sở vật chất, giáo viên là những khó khăn của các trường tiểu học Hà  Nội. Ảnh: Trung Kiên
Thiếu cơ sở vật chất, giáo viên là những khó khăn của các trường tiểu học Hà Nội. Ảnh: Trung Kiên
Tương tự, bà Hoàng Thị Điểu, Hiệu trưởng Trường Bắc Phú (huyện Sóc Sơn) cho biết, trường đang thực hiện chương trình dạy tiếng Anh cho lớp 3 đến lớp 5 nhưng cơ sở vật chất chưa được đầu tư lại chỉ có hai giáo viên nên học sinh chỉ được học hai tiết một tuần. Ông Đặng Văn Viện, Trưởng phòng giáo dục huyện Mỹ Đức, bày tỏ: “Hiện chỉ có hai trường dạy bốn tiết tiếng Anh một tuần nhưng hai trường này học tăng buổi. Những trường có dạy tiếng Anh chỉ có dạy hai tiết một tuần vì mỗi trường có một GV, nên tăng tiết sẽ không đủ”. Thiếu đủ thứ! Phòng giáo dục huyện Sóc Sơn cho biết, từ năm 2009 chương trình Learning, một số trường thí điểm bốn tiết một tuần trên toàn thành phố. Đến năm nay, việc học bốn tiết một tuần khó đáp ứng vì thiếu GV. Huyện chỉ có một GV tiếng Anh biên chế, còn hầu hết là chuyển từ THCS xuống. Trước dạy hai tiết một tuần đã khó khăn, nếu tăng bốn tiết một tuần thì càng khó hơn. Triển khai chương trình mới cũng khó vì không có nguồn kinh phí để tăng số tiết, thuê GV. Bà Lê Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Hà (huyện Phú Xuyên) cho biết, trường chia làm ba điểm nhưng chưa hoàn thiện nên việc dạy tiếng Anh càng khó. Vì HS phải dồn vào học ở một điểm nên phòng tiếng Anh chưa đầu tư. Ngoài những khó khăn chung về cơ sở vật chất, giáo viên, bản thân chương trình học cũng là một trở ngại lớn. Trường tiểu học Ái Mộ (Huyện Gia Lâm) là trường duy nhất được Bộ chọn tại quận Long Biên làm thí điểm dạy qua máy chiếu, có phần làm quen với từ mới sau đó là thực hành, bài tập ứng dụng và bài hát. Thế nhưng chị Thu Hằng, phụ huynh lớp 4 của trường cũng phàn nàn rằng, con chị học chương trình DynEd nhưng học xong chẳng biết chữ gì vì chương trình chủ yếu là ngữ pháp, ít bài tập để thực hành, luyện âm. Còn anh Vũ Hợp có con học lớp 3 Trường tiểu học Phương Mai (quận Đống Đa) thì nói: Chương trình Let’s go hội thoại ít, để học vui thì được, còn nếu học để xây dựng nền tảng thì không tốt (chủ yếu ngữ pháp, nghe nói ít). Với những khó khăn nói trên, ông Trịnh Quốc Hách, Chuyên viên Tiếng Anh, Phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT HN cho biết chương trình tiếng Anh mới chỉ là dự thảo. Vì vậy, ngoại ngữ vẫn là môn tự chọn. Bộ GD-ĐT đang gấp rút triển khai nhưng vì nguồn lực, cơ sở vật chất… nên sẽ thí điểm ở nơi đủ điền kiện. Tại Hà Nội, vẫn dạy hai tiết một tuần còn đủ điều kiện sẽ dạy bốn tiết một tuần nhưng mọi thứ trên tinh thần tự nguyện.
Năm học 2010-2011, Bộ GD-ĐT sẽ thực hiện thí điểm dạy ngoại ngữ bắt buộc từ lớp 3 ở 100 trường tiểu học tại 10 tỉnh, thành phố. Chương trình vẫn đang trong giai đoạn xây dựng phương án.    
Theo Thủy Trúc - Tuyết Nga
Đất Việt

Đọc thêm