Đưa tiếng Anh đến với học sinh vùng cao

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Để hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số tiếp cận và nâng cao năng lực tiếng Anh. Nhiều giải pháp giáo dục tiếng Anh cho học sinh dân tộc vùng cao đã được triển khai.
Toàn huyện Mèo Vạc có 2.609 học sinh với 76 lớp 3, nhưng chỉ có 25 giáo viên dạy tiếng Anh, trong đó duy nhất một giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học (Nguồn: baodantoc.vn)
Toàn huyện Mèo Vạc có 2.609 học sinh với 76 lớp 3, nhưng chỉ có 25 giáo viên dạy tiếng Anh, trong đó duy nhất một giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học (Nguồn: baodantoc.vn)

Đưa ngoại ngữ đến vùng khó

Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, từ năm học 2022 - 2023, môn Tiếng Anh trở thành môn học bắt buộc của học sinh lớp 3 đến lớp 12. Yêu cầu này đang đặt ra nhiều khó khăn cho các trường miền núi, vùng cao. Đối với các em học sinh dân tộc thiểu số, Tiếng Anh chính là ngôn ngữ thứ ba sau tiếng mẹ đẻ và Tiếng Việt mà các em được học. Môn Tiếng Anh vốn dĩ đã rất khó học với không ít học sinh ở miền xuôi hoặc thành phố, nơi có đủ điều kiện học tập. Thế nên, với các học sinh dân tộc thiểu số, khó khăn còn nhân lên gấp nhiều lần.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, khoảng 5.780 là số giáo viên ngoại ngữ cần phải bổ sung theo Chương trình giáo dục phổ thông mới cho các khối lớp 3, 4, 5 trên cả nước trong năm học này. Nhiều giải pháp đang được các địa phương triển khai.

Tỉnh Yên Bái biệt phái 15 giáo viên tiếng Anh lên vùng cao để hỗ trợ giảng dạy. (Ảnh: Báo Yên Bái)
Tỉnh Yên Bái biệt phái 15 giáo viên tiếng Anh lên vùng cao để hỗ trợ giảng dạy. (Ảnh: Báo Yên Bái)

Năm học 2022 - 2023, lần đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái là một trong những địa phương thiếu trầm trọng giáo viên tiếng Anh tiểu học. Toàn huyện có 16 trường tiểu học với hơn 9.000 học sinh nhưng hiện mới chỉ có 1 giáo viên tiếng Anh. Để tháo gỡ khó khăn, tỉnh Yên Bái cũng đã biệt phái 9 giáo viên lên hỗ trợ giảng dạy Tiếng Anh tại một số trường tiểu học và THCS ở huyện vùng cao, tuy nhiên đây cũng chỉ là giải pháp trước mắt.

Toàn huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang có 2.609 học sinh với 76 lớp 3, nhưng chỉ có 25 giáo viên dạy tiếng Anh, trong đó duy nhất một giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học. Mặc dù huyện Mèo Vạc đã có chủ trương tăng mức lương hợp đồng với giáo viên tiếng Anh, nhưng vẫn không tuyển được.

Đào tạo giáo viên tiếng Anh cho vùng cao

Cho đến hiện tại, giải pháp điều phối nhân lực là một trong những giải pháp được triển khai tại nhiều vùng cao, nhưng về lâu dài, cần phải có giải pháp căn cơ hơn, không thể trông đợi vào các giải pháp hỗ trợ trước mắt.

Mới đây, tại Trường Marie Curie (Hà Nội) diễn ra buổi ký cam kết hỗ trợ đào tạo giáo viên tiếng Anh cho huyện vùng khó Mèo Vạc. Mức hỗ trợ được chi trả 5 triệu đồng/tháng cho mỗi sinh viên và kéo dài trong 4 năm các em học đại học. Đây là những sinh viên có hộ khẩu thường trú ở huyện Mèo Vạc đã được UBND huyện kết hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang lựa chọn trên cơ sở nguyện vọng của các sinh viên. Được biết, số tiền dành cho dự án lần này lấy từ nguồn quỹ của trường Marie Curie đi kèm theo các văn bản pháp lý rõ ràng, đảm bảo cho việc thực hiện đến cùng cam kết.

9 sinh viên đầu tiên được nhận học bổng trong dự án "Đào tạo giáo viên tiếng Anh cho H.Mèo Vạc" (Nguồn: M.C)

9 sinh viên đầu tiên được nhận học bổng trong dự án "Đào tạo giáo viên tiếng Anh cho H.Mèo Vạc" (Nguồn: M.C)

9 sinh viên đầu tiên đang học chuyên ngành tiếng Anh, sư phạm tiếng Anh tại Trường ĐH Khoa học, Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Thái Nguyên), Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường và Học viện Hành chính quốc gia đã ký cam kết sẽ dạy học ở Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang) sau khi tốt nghiệp và nhận sự hỗ trợ từ Trường Marie Curie do thầy Xuân Khang đại diện.

Ông Nguyễn Quang Tuấn, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, chia sẻ đã theo dõi rất sát chương trình dạy tiếng Anh trực tuyến cho Mèo Vạc và đánh giá rất cao đóng góp vì cộng đồng cũng như sức lan tỏa của dự án. Ông Tuấn mong muốn dự án sẽ được nhân rộng đến các trường học khác trên địa bàn Hà Nội để các địa phương còn khó khăn khác trên cả nước nhận được sự chung tay, góp sức từ cộng đồng.

Tháng 12/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1477/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Hỗ trợ nâng cao năng lực ngoại ngữ và hội nhập quốc tế cho thanh thiếu nhi Việt Nam giai đoạn 2022 - 2030”. Trong Quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nội vụ nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách, chương trình để kịp thời khuyến khích, động viên và tạo điều kiện cho thanh thiếu nhi Việt Nam, trong đó ưu tiên thanh thiếu nhi khu vực nông thôn, vùng khó khăn, trong quá trình hội nhập quốc tế.

Đọc thêm