’Đua’ tốc độ trên đường cao tốc...

Vào làn đường cao tốc TP HCM - Trung Lương, trừ xe tuần tra của Trung tâm quản lý

Vào làn đường cao tốc TP HCM - Trung Lương, trừ xe tuần tra của Trung tâm quản lý tuyến đường, còn hầu hết lái xe nhấn hết ga, nhiều ôtô lao quá nhanh đến nổ lốp, vỡ ống nước.

"Xe đời mới mà chạy 140 km giờ là dạo chơi thôi", "lên đây mà đi dưới 100 km giờ thì không đã"..., là tâm sự của những tài xế khi chạy trên đường cao tốc TP HCM - Trung Lương. Tuyến cao tốc dành cho ôtô đầu tiên ở Việt Nam tạm cho phép lưu thông từ ngày 3/2, với tốc độ tối đa cho phép trong thời gian đầu là 100 km giờ. Tuy nhiên, do chưa có biện pháp kiểm soát tốc độ nên các tài xe phóng hết ga mỗi khi vào làn.

Vào đường cao tốc, ôtô nào chạy được tốc độ bao nhiêu là câu chuyện râm ran của giới tài xế. Cảm giác lái xe chạy như bay, dường như là lần đầu tiên với nhiều người cầm vô lăng dù trẻ hay già. "Không thể tin nổi, tôi chạy 110 km giờ, tưởng đã quá nhanh thì thoáng cái vèo, bác tài phía sau đã vượt qua mặt", anh Thắng một lái xe ở TP HCM tâm sự. "Nóng mặt", lập tức tài xế này nhấn thêm ga vọt ào về phía trước để đuổi theo.

Những bác tài đứng tuổi, tầm 40-50, đã có nhiều năm kinh nghiệm ôm vô lăng cũng bất chợt choáng vì đường cao tốc. Chạy với tốc độ cao, xe lướt qua rất nhanh, nhiều khi không kịp nhìn thấy biển báo. "Khi đường vắng, chạy một mình bắn hết ga, qua những chỗ ruộng lúa cứ loang loáng màu xanh thấy cảm giác rất đã", một bác tài tấm tắc.

Để thử cảm giác đua tốc độ trên đường cao tốc Trung Lương, một nhóm bạn trẻ ở TP HCM đã thuê ôtô để rong ruổi về miền Tây. "Chạy nhanh hơn nữa đi bác tài, xe mình sao cách xa xe phía trước quá vậy. Đua lên gần hơn đi", cả nhóm "máu" khi bị xe sau vượt mặt, nhao nhao đề nghị bác tài. Kim đồng hồ chiếc Innova đã lên đến gần 130 km giờ nhưng vẫn không thể theo kịp xe phía trước.

Tài xế Innova nhận xét: "Hầu như trên đường này, làn giữa chỉ có xe tuần tra của Trung tâm quản lý đường cao tốc là chạy đúng tốc độ, còn lại các tài xế thoải mái bắn ga".

Không chỉ với những xe loại tốt mà ngay cả xe đời cũ cũng rất hăng máu khi "bắn" hết code. Chính vì không biết "lượng sức mình", xe thì không kiểm tra kỹ trước khi vào đường cao tốc nên đã xảy ra nhiều trường hợp bể ống nước khi xe chạy quá nhanh, nổ lốp...

Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Huy Thao Giám đốc Trung tâm quản lý đường cao tốc cho biết, do tuyến đường mới khai thác tạm nên hiện chưa có các biện pháp hạn chế tốc độ. "Sắp tới chúng tôi sẽ bắn tốc độ đối với ôtô "đua" trên đường cao tốc nhưng chưa quyết định thời điểm áp dụng", ông Thao nói.

"Chạy quá tốc độ rất nguy hiểm, nhất là đối với những xe cũ và ôtô không kiểm tra kỹ lưỡng khi vào đường cao tốc", ông Ngô Ngọc Sơn, Phó phòng kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ Cục Đăng kiểm khẳng định.

Theo ông Sơn, do đây là tuyến cao tốc đầu tiên của Việt Nam nên nhiều tài xế không quan tâm đến việc xem xe mình như thế nào, có đủ các điều kiện để chạy hết tốc độ trên đường cao tốc hay không.

Độ nhám của đường cao tốc TP HCM - Trung Lương được thiết kế là để tăng ma sát, mặt đường có nhiều lỗ nhỏ giúp khi trời mưa, nước tạt ra khi xe chạy qua chứ không nằm trên bề mặt đường.

"Tài xế thường đổ lỗi cho mặt đường đã làm xe họ bể bánh. Thực chất hầu như những xe nổ lốp, bể ống nước trên đường cao tốc là do tài xế không biết rõ về chất lượng xe của mình", ông Sơn nói.

Đại diện phòng kiểm định đưa ra những lời khuyên dành cho giới tài xế. Đầu tiên, dù quy định bắt buộc xe phải đi bảo dưỡng định kỳ tại Việt Nam chưa có nhưng các chủ phương tiện nên tự giác thực hiện. Ví dụ xe mới nhưng vẫn phải tuân thủ quy định của hãng là chạy khoảng bao nhiêu km phải bảo dưỡng một lần, sửa chữa lớn xong cũng phải kiểm tra lại. Công việc bảo dưỡng giúp phát hiện và khắc phục những lỗi và sự cố của xe.

Kế đến, trước khi ôtô lăn bánh vào đường cao tốc nên kiểm tra kỹ tình trạng kỹ thuật như nước có còn đủ; bình, đèn... và quan trọng nhất là lốp xe. Kiểm tra cỡ lốp xem có phù hợp với xe, áp suất bơm vào bánh xe có đúng tiêu chuẩn.

Đặc biệt là độ mòn của lốp, nếu gai lốp đã mòn tới dấu chỉ báo mòn thỉ phải thay. Lưu ý tới chỉ số trên lốp, ví dụ 1604 là lốp được sản xuất vào tuần thứ 16 của năm 2004. Lốp chỉ có niên hạn sử dụng khoảng 6 năm. Một vấn đề nữa là kiểm tra độ cân bằng động của bánh xe, xe không được chở quá tải.

Đọc thêm