“Cô nói hết chưa?”
Theo hồ sơ vụ án, năm 2010, chị H và anh T ly hôn. Theo phán quyết của Tòa, chị H được trực tiếp trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con chung là cháu A. còn anh T trực tiếp trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục cháu K. Không bên nào được ngăn cản quyền gặp gỡ, chăm sóc con chung. Tuy nhiên, sau đó anh T đã không chấp hành đúng như quyết định của Tòa án mà luôn có hành vi ngăn cấm chị H thăm nom và chăm sóc cháu K.
Ngày 17/6/2019, chị H được anh T đồng ý cho đón cháu K lên Tuyên Quang chơi. Tại đây, cháu K đã kể cho chị H nghe việc bị cha đánh đập, bạo hành dã man khiến trên người có nhiều thương tích, sẹo. Thương con, nhưng biết tính vũ phu của người chồng cũ bởi chính chị cũng đã từng bị anh ta đánh đến gãy tay, nên chị H quyết định mang thẳng con trai đến Ngôi nhà Bình yên thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cầu cứu.
Ngay từ những ngày đầu tiếp nhận, nhân viên xã hội ở Ngôi nhà bình yên đã nhận thấy cháu K bên cạnh những vết sẹo thương tích trên người còn có vấn đề về sức khỏe tâm thần bởi hay la hét, căng thẳng, mất ngủ, không kiềm chế được cảm xúc. Kết quả của Bệnh viện Xanh Pôn và Bệnh viện Nhi Trung ương cho thấy K bị sang chấn tâm lý nghiêm trọng, phải điều trị cả bằng thuốc lẫn trị liệu tinh thần.
Thương con, người mẹ đã làm đơn xin thay đổi quyền nuôi con sau ly hôn gửi tới Tòa. Trong đơn, chị H đề nghị Tòa cho mình được trực tiếp nuôi dưỡng cả hai chị em là cháu A và cháu K. Chị H khẳng định mình đủ khả năng tài chính, có thể chăm sóc, nuôi dưỡng cháu K và các con chung một cách tốt nhất cả vật chất lẫn tinh thần, có thể cho các con môi trường sống an tòan, hạnh phúc… Tuy nhiên, cấp sơ thẩm đã không chấp nhận đơn khởi kiện của chị. Do đó, chị H đã có đơn kháng án.
Ngày 26/5, TAND tỉnh Phú Thọ đã đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Tại phần hỏi, chị H nói với anh T bản thân chị không muốn truy cứu thêm chuyện anh đánh đập, hành hạ cháu K. “Là mẹ, tôi không bao giờ muốn con mình quên bố mẹ, ông bà, tổ tiên, thế nên mong anh hãy nghĩ tới nguyện vọng và tương lai của con, để con có thể có một cuộc sống bình yên và trưởng thành, thành người có ích cho xã hội” – phiên tòa tràn ngập giọng nói khẩn khoản, đứt quãng vì nước mắt của người mẹ. Nhưng đổi lại chỉ là câu hỏi phũ phàng từ chồng cũ: “Cô nói hết chưa. Tôi không đồng ý!”.
Nước mắt con trẻ chốn công đường
Suốt cả phiên tòa, K lẳng lặng ngồi nghe. Nét mặt cậu bé cho thấy dường như phải dự mấy phiên tòa chứng kiến cha mẹ mình tranh cãi nhau là điều quá sức với bản thân. Trả lời câu hỏi của Tòa, cậu bé kể về những vết sẹo trên người mình, cứ thế từng chút, từng chút một ký ức sống dậy trong cậu: “Vết bỏng ở mông do bị bố đốt nilon nhỏ vào, mẹ kế dùng bút bi đâm vào mu bàn tay…”. Một đứa trẻ phải nhớ, phải kể những lần đòn roi mình phải chịu trong suốt quãng đời thơ ấu mấy năm trời quả thật là đau lòng. Thế nên, chưa nói hết câu, K đã bật khóc. Ở phiên sơ thẩm, khi Tòa tuyên K tiếp tục ở với cha, cậu bé đã từng mất kiểm soát đạp đổ ghế, la hét, khóc lớn…
Quá trình xét hỏi, đại diện VKS đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) công bố bút lục 239 là bản tường trình của cháu A - chị của K. Theo bản tường trình của cháu A, sau khi anh T đi cải tạo 2 năm vì hành vi đánh gãy tay vợ về đã đưa cháu K (khi đó đang ở với mẹ - PV) về Việt Trì sống. Từ đó, anh T ngăn cấm không cho chị H thăm cháu K.
Khi cháu A nghỉ hè về chơi với bố, ăn tết với bố, cô bé tận mắt chứng kiến cảnh bố hạnh họe, lấy cớ đánh, chửi K. “Bố uống rượu đêm về muộn, K ngủ say mở cửa chậm nên bị bố dùng thắt lưng, đánh vào người, vào đầu. Trong bữa cơm, bố bắt K quỳ ăn hoặc bắt ăn cơm thừa toàn cháy, không có thức ăn…” – cháu A tường trình. Theo giám định thương tích, với những vết thương trên người, cháu K bị thương tật tỷ lệ 12%.
Đại diện Ngôi nhà bình yên cũng cho biết, K luôn có cảm giác không an toàn, từng tuyên bố tự tử khi phải về với bố.
Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho chị H, luật sư ngoài nêu những căn cứ, chứng cứ bảo vệ cho nguyên đơn, còn cho biết trong vụ án này, cháu K là người thiệt thòi nhất. Ở với bố, cháu K đã bị tổn thương về tâm lý lẫn tinh thần.
Sau khi nghị án, Tòa phúc thẩm đã chấp nhận kháng cáo của bị đơn, sửa bản án sơ thẩm hôn nhân gia đình, giao cho chị H trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc cháu K cho đến khi cháu trưởng thành. Nghe phán quyết của Tòa, chị H bật khóc vui sướng, ôm con trai vào lòng. Trong vòng tay ấm áp của mẹ, gương mặt cháu K cũng rạng ngời, vui sướng bởi từ nay bình yên đã trở lại.
Trước phán quyết trên, anh T nhanh chóng rời khỏi Tòa. Trước đó, ngay tại phiên tòa, dù tranh giành quyền nuôi con rất quyết liệt, nhưng anh T cũng không một lần lại gần giao tiếp, hỏi han tình hình hiện tại của cháu K. Về phần mình, mỗi lần nhìn thấy bố đi qua, K đều cúi mặt xuống để tránh nhìn mặt bố.
Khi cháu K sống tại Ngôi nhà bình yên, những lần anh T xuống gặp, K đều viết giấy từ chối không muốn gặp. Trước tòa, anh T cho rằng sở dĩ K làm thế vì bị nhân viên xã hội hoặc mẹ xúi giục. Nhưng anh ta đâu hề biết rằng, tuy là trẻ con nhưng K đã 14 tuổi, đã đủ tuổi để suy nghĩ và tự đưa ra những quyết định của riêng mình.
Tình người phía sau một bản án
Theo ghi nhận của phóng viên, quá trình xét xử, HĐXX cũng đưa ra những ý kiến đầy nhân văn để bậc làm cha, làm mẹ nhìn vào đó, soi xét lại mình. Theo lời một vị trong HĐXX, là cha mẹ, ai cũng mong muốn có điều kiện tốt nhất cho con phát triển. Để việc tranh chấp nuôi con sau ly hôn đến mức phải ra tòa như thế này xảy ra là điều rất đáng buồn. “Con trẻ như tờ giấy trắng, phải chứng kiến chuyện này rất đau lòng. Anh, chị cần suy nghĩ về điều này để nghĩ cho quyền lợi và tương lai của con”.
Cũng theo vị này, mục đích của HĐXX tại phiên tòa là để cháu K không mất bố, không mất mẹ, mất ông bà, họ hàng. Tương tự, mục đích của Ngôi nhà bình yên cũng là đảm bảo sự bình yên cho đứa trẻ chứ nhân viên xã hội ở đây không được lợi lộc gì trong việc này. Luật Hôn nhân và Gia đình quy định đứa trẻ 7 tuổi trở lên phải được hỏi ý kiến ở với ai, con là con chung, cháu là cháu chung của gia đình nên bố mẹ cần bình tĩnh suy xét. “Làm bố mà khiến con mình phải ra tòa tố cáo bố bạo hành thì anh nghĩ gì?”, vị thẩm phán trong HĐXX đặt câu hỏi với người cha của K.
Phiên tòa kết thúc trong nước mắt của người mẹ, nụ cười thơ trẻ của K và sự hậm hực của người cha vì thua kiện. Những người trong cuộc là vậy, còn với những người có mặt tại Tòa và với cả HĐXX, tin rằng không ai muốn phải chứng kiến phiên tòa này. Vì dù cha mẹ của K thắng hay thua trước sự phán quyết công bằng của công lý thì vết sẹo để lại trong lòng một đứa trẻ phải theo bố mẹ ra tòa sẽ mãi mãi còn đọng lại…